Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Xuân Trường đã đưa nhiều tiến bộ kỹ thuật mới, đầu tư thâm canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi như: sử dụng một số giống lúa lai, giống lúa thuần ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao để gieo cấy, các mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML), mô hình cánh đồng liên kết sản xuất theo chuỗi, các mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi từ sản xuất lúa năng suất thấp sang chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản (NTTS), xây dựng các trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung... góp phần làm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp.
|
Trang trại chăn nuôi lợn đạt tiêu chuẩn VietGAP của Cty TNHH Phú Lộc, xã Xuân Thượng. |
Sau dồn điền đổi thửa, toàn huyện Xuân Trường đã tập trung chỉnh trang đồng ruộng, hoàn thiện các công trình giao thông, thuỷ lợi nội đồng, đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Cơ cấu cây trồng của huyện chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa. Các giống lúa dài ngày, năng suất cao nhưng chất lượng thấp được thay thế nhanh bằng các giống mới ngắn ngày có năng suất khá, chất lượng và hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện của huyện như: BT7, BC15, RVT, DQ11, QR1... Cơ giới hóa các khâu sản xuất ngày càng mở rộng. Bên cạnh việc cơ giới hóa khâu làm đất đạt 100% như hiện nay thì diện tích lúa được gieo thẳng bằng công cụ sạ hàng của huyện ngày càng tăng, diện tích gieo sạ vụ xuân 2015 đạt 1.500ha, bằng 26% diện tích. Ngoài ra, khâu thu hoạch lúa bằng cơ giới cũng được mở rộng trên 35% diện tích. Huyện đã quy hoạch và đưa vào sản xuất các vùng 2 lúa kết hợp sản xuất vụ đông, trong đó nhiều vùng đạt hiệu quả cao như: Xuân Phương, Thọ Nghiệp, Xuân Ninh, Xuân Kiên, Xuân Đài, Xuân Phong... Hiện ở hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện đều thực hiện mô hình CĐML, từng bước hình thành các mô hình tích tụ ruộng đất sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi tại Xuân Ninh, Xuân Thượng, Xuân Vinh. Bên cạnh đó, huyện thực hiện thành công việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang phát triển trang trại tổng hợp tại Xuân Thành, Xuân Tân; trồng rau, củ, quả tại Xuân Kiên, Xuân Phương… cho hiệu quả kinh tế cao gấp 10-20 lần so với trồng lúa. Giá trị sản xuất đạt 95 triệu đồng/ha đất canh tác. Với thế mạnh về chăn nuôi gia súc, gia cầm, thời gian qua huyện đã phát triển chăn nuôi mạnh về cả số lượng và chất lượng. Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học đã được chú trọng thực hiện như: nuôi lợn ngoại tỷ lệ nạc cao, vịt siêu trứng, ngan Pháp, chăn nuôi trong hệ thống chuồng nuôi kín, nhiều trang trại đã thực hiện việc xử lý chất thải chăn nuôi bằng hệ thống bi-ô-ga... Phương thức chăn nuôi đang chuyển từ nhỏ lẻ, tận dụng sang tập trung quy mô ngày càng lớn theo hướng nuôi công nghiệp và bán công nghiệp hộ gia đình đảm bảo vệ sinh môi trường. Các điều kiện vật chất, kỹ thuật và biện pháp thâm canh trong chăn nuôi ngày càng được tăng cường và từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển chăn nuôi hàng hóa. Toàn huyện có gần 300 trang trại, gia trại chăn nuôi, trong đó có trang trại chăn nuôi lợn của Cty TNHH Phú Lộc, xã Xuân Thượng, được Bộ NN và PTNT cấp giấy chứng nhận VietGAP. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2015 dự kiến đạt trên 13 nghìn tấn; giá trị sản xuất chăn nuôi đạt trên 550 tỷ đồng. Chăn nuôi lợn hướng nạc, lợn nái sinh sản đang có xu hướng phát triển nhanh; tỷ trọng lợn lai kinh tế, lợn thịt hướng nạc tăng nhanh trong cơ cấu đàn; đàn trâu, bò ổn định. Công tác tiêm phòng và vệ sinh thú y, phòng chống dịch bệnh được thực hiện hiệu quả, tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin hằng năm đạt kết quả cao, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh xảy ra. Trong lĩnh vực NTTS, huyện duy trì các vùng NTTS hiện có, đồng thời mở rộng một số vùng nuôi nước ngọt có tiềm năng phát triển. Tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật vùng NTTS đáp ứng yêu cầu sản xuất công nghiệp. Diện tích nuôi thủy sản của huyện đạt 686ha; đối tượng nuôi chủ yếu là cá truyền thống, một số diện tích nuôi cá vược, cá trắm đen, cá lăng chấm... Hầu hết các diện tích NTTS ở vùng chuyển đổi đang nuôi theo phương thức bán thâm canh; vùng chuyển đổi Xuân Vinh - Xuân Hòa nuôi theo phương thức thâm canh. Các dự án chuyển đổi từ đất trồng cây có năng suất thấp sang NTTS tuy hiệu quả còn thấp nhưng vẫn cao hơn so với trồng lúa. Để phát triển mạnh mô hình thuê gom, tích tụ ruộng đất sản xuất hàng hóa tập trung, Xuân Trường đã chỉ đạo các địa phương vận động, khuyến khích các hộ nông dân tự thỏa thuận thuê gom, tích tụ ruộng đất tạo ra vùng sản xuất có diện tích từ 5ha trở lên để kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện có trên 20 hộ cá thể thuê gom tích tụ ruộng đất và 3 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Tiêu biểu là: Cty CP Sản xuất thương mại Hoàng Diệu thuê 10ha vùng bãi của xã Xuân Thành và 10ha xã Xuân Tân để sản xuất cây dược liệu (đinh lăng, gấc…); Cty TNHH Cường Tân đã thuê 45ha tại xã Xuân Ninh, xã Xuân Thượng 30ha, Thị trấn Xuân Trường 50ha, xã Xuân Thành 50ha để tạo thành vùng sản xuất lúa giống tập trung; Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc thuê gom tích tụ ruộng đất ở Xuân Vinh, Xuân Bắc, Xuân Trung tạo thành vùng sản xuất hàng hóa có quy mô trên 50ha để xây dựng CĐML sản xuất lúa chất lượng cao áp dụng cơ giới hóa đồng bộ… Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo thực hiện tốt các mô hình doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với nông dân trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản như: Mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ nấm của Cty TNHH Mai Hoàng; mô hình kết hợp chăn nuôi với chế biến, cung cấp thịt lợn sạch cho thị trường của Cty TNHH Phú Lộc; mô hình hợp tác giữa các hộ chăn nuôi với Cty CP Thương mại và Đầu tư Biển Đông… để thay thế dần cho mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp.
Để thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong thời gian tới, huyện Xuân Trường tiếp tục thực hiện định hướng phát triển sản xuất hàng hóa tập trung theo mô hình CĐML, cánh đồng liên kết sản xuất tập trung gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Tập trung đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất; thực hiện một cách phù hợp và có hiệu quả việc gắn sản xuất vụ xuân với sản xuất vụ mùa và vụ đông; tích cực chuyển đổi linh hoạt cây trồng trên đất 2 lúa kém hiệu quả. Tiếp tục phát triển ngành chăn nuôi theo hướng chuyển mạnh sang chăn nuôi tập trung theo mô hình doanh nghiệp, trang trại, gia trại chăn nuôi tại các vùng xa khu dân cư theo quy hoạch. Duy trì chăn nuôi nông hộ với tỷ lệ phù hợp nhưng phải đảm bảo vệ sinh môi trường. Nhân rộng mô hình cơ sở chăn nuôi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các doanh nghiệp với các trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi theo chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn đến sản xuất, chế biến và bảo quản, tiêu thụ sản phẩm gắn với áp dụng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, giảm chi phí, tăng hiệu quả chăn nuôi. Duy trì phát triển vùng NTTS hiện có và ao, hồ nhỏ lẻ trong khu dân cư… Tập trung vào các đối tượng nuôi cá truyền thống theo phương thức thâm canh và quảng canh cải tiến như trắm cỏ, trắm đen, trôi, mè, chép lai, chim trắng… và các đối tượng cho giá trị kinh tế cao như tôm thẻ chân trắng và cá vược, cá lăng theo phương thức thâm canh… Xây dựng cơ chế ưu đãi, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong và ngoài huyện đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp nước ngoài có nguồn lực về vốn và KHCN liên kết với doanh nghiệp trong huyện để phát triển chăn nuôi tại các vùng bãi của xã Xuân Hồng, Xuân Châu theo quy hoạch. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp liên kết với các hộ chăn nuôi, NTTS vùng tập trung thành lập HTX chăn nuôi kiểu mới để liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Tiếp tục tạo điều kiện và xây dựng cơ chế hỗ trợ, khuyến khích để các cá nhân, doanh nghiệp thuê đất có thời hạn hoặc liên kết với các hộ dân có đất để tổ chức sản xuất. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng sản xuất nấm, cây dược liệu tập trung. Xây dựng dây chuyền chiết xuất, bảo quản cây dược liệu, liên kết khuyến khích các hộ dân tận dụng đất vườn, đất bãi, đất 2 lúa bỏ hoang, kém hiệu quả để sản xuất. Khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp trong huyện đầu tư mở rộng khu NTTS tại các vùng bãi Tiến Dũng - Xuân Hồng, Xuân Châu, Xuân Thành. Xây dựng các trang trại chăn nuôi tại các vị trí quy hoạch trong nội đồng thuộc các xã Thọ Nghiệp, Xuân Phong, Xuân Đài, Xuân Phú, Xuân Vinh, Xuân Hòa…
Bài và ảnh:
Ngọc Ánh