Về nơi đất quay 5-7 vòng mỗi năm

08:10, 24/10/2015

Những năm gần đây, nhân dân các xã vùng màu đã tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các mô hình sản xuất rau màu mới… vào thực tiễn sản xuất, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao trên từng đơn vị diện tích đất canh tác. Từ sự phát triển trong sản xuất nông nghiệp đã tạo nhiều ra việc làm cho một lực lượng người lao động ở các vùng nông thôn.

HTX Cốc Thành mỗi năm có thể trồng được 8-10 lứa rau, cho thu nhập từ 135-150 triệu đồng/ha.
HTX Cốc Thành mỗi năm có thể trồng được 8-10 lứa rau, cho thu nhập từ 135-150 triệu đồng/ha.

Trước những thay đổi nhanh chóng của công nghệ giống cây trồng, tình trạng thời tiết, khí hậu thay đổi… người nông dân ở những vùng quê có truyền thống trồng màu theo hướng “đa cây, đa vụ” như: Thành Lợi, Liên Minh, Liên Bảo, Kim Thái của huyện Vụ Bản đã có những thay đổi về tư duy, cách nghĩ, cách làm để thích ứng và bảo đảm mang lại hiệu quả trong quá trình sản xuất. Với gia đình chị Nguyễn Thị Tình ở HTX Cốc Thành, xã Thành Lợi, thì ranh giới mùa vụ sản xuất các loại rau màu không còn rõ như cách đây vài năm. Chị Tình cho biết: Hiện nay, nhu cầu sử dụng các loại rau bắp cải, hành, mùi tàu, cần tây… của người dân khá thường xuyên, vì vậy nông dân chúng tôi cũng phải trồng quanh năm, không phân biệt thời vụ. Với phương châm “không để đất nghỉ” những người dân vùng đồng màu đã thực hiện chuyển đổi mùa vụ liên tục với việc khả năng gối vụ từ 5-7 lứa/năm. Việc thâm canh gối vụ của bà con có nhiều thuận lợi khi các địa phương tập trung hoàn thành dồn điền đổi thửa và quy hoạch vùng sản xuất tập trung phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng; hạ tầng giao thông thủy lợi và tập quán canh tác của nhân dân địa phương. Các HTXNN phát huy vai trò cung cấp các dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho bà con xã viên áp dụng các biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ và thu hoạch các loại hoa màu đúng cách để bảo đảm chất lượng nông sản sau thu hoạch; ứng dụng các mô hình chuyên canh rau màu an toàn, sạch bệnh, năng suất cao nhằm tạo ra các sản phẩm nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao. HTXDVNN Mỹ Trung đã vận động trên 30 hộ gia đình xã viên trồng rau màu theo quy trình sản xuất rau an toàn VietGAP. Mô hình này đang được HTX và bà con xã viên tiếp tục nhân rộng. Hay mô hình trồng rau trong nhà lưới áp dụng công nghệ tưới nước hiện đại, có khả năng điều tiết nước tưới theo nhu cầu của cây trồng, giúp hạn chế sâu bệnh, tiết kiệm được phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ở HTXDVNN Cốc Thành. Các HTXDVNN Bảo Xuyên, Lương Kiệt và Tam Thanh đang tích cực hướng dẫn bà con xã viên áp dụng mô hình trồng lạc che phủ ni lông ở vụ đông, giúp tiết kiệm công sức chăm bón, làm cỏ, năng suất cây trồng cao hơn so với phương pháp trồng lạc truyền thống. Có thể thấy, những tiến bộ về khoa học kỹ thuật gieo trồng các loại cây rau màu đang được bà con nông dân ở các vùng đồng màu tiếp nhận một cách tích cực và chủ động. Từ đó giúp bà con có thể trồng được các loại rau màu quanh năm, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng.

Anh Nguyễn Công Hoàng từ một nông dân thuần phác ở HTX Bảo Xuyên, xã Liên Bảo, giờ đã lành nghề mua bán nông sản mang lại nguồn thu nhập khá, ổn định cho gia đình. Trao đổi với chúng tôi, anh Hoàng cho biết: Gia đình anh có trên 3 sào đất chuyên màu. Thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa của xã, toàn bộ đất màu của gia đình anh đã được dồn gọn về một mảnh nên rất thuận lợi cho việc sản xuất. Vài năm trước, mỗi khi vào vụ thu hoạch các loại ngô, khoai lang, khoai tây, lạc… là gia đình anh lại canh cánh nỗi lo bán thế nào để được giá, bõ công lao động vất vả suốt vụ, và không mấy vụ không xảy ra cảnh “được mùa, mất giá”. Thế nên 3 sào đất chuyên màu của gia đình anh thu được chả mấy. Nhiều đêm trăn trở, rồi bàn bạc với vợ thay đổi cách làm. Một mặt anh chủ động cơ cấu lại thời vụ gieo trồng các loại nông sản, mặt khác anh để tâm tìm hiểu thị trường, nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng. Biết tâm lý người tiêu dùng thích các loại rau, củ, quả đầu mùa, anh Hoàng không thu hoạch ồ ạt như trước mà chủ động thu tỉa dần. Khoai tây, khoai lang, ngô nếp… được anh bày bán ngay mép ruộng ven Quốc lộ 10. Tuyến đường này thường xuyên có xe khách, xe du lịch qua lại, mỗi khi xe dừng cho khách nghỉ là hàng của anh lại bán hết veo, ai cũng thích quà quê bảo đảm chất lượng 100%, không lo nông sản Trung Quốc trà trộn. Năng suất cây trồng cao, lại bán được giá nên giá trị thu nhập trên mỗi sào đất màu của gia đình anh cao hơn hẳn trước kia. Với việc áp dụng công thức gieo trồng gồm: khoai tây và ngô đông + lạc và ngô xuân + đậu tương, ngô hoặc khoai lang hè thu, gia đình anh Hoàng có thu nhập đều quanh năm. Không chỉ nhà anh Hoàng mà nhiều hộ nông dân khác trong vùng cũng từng bước thay đổi cách nghĩ, nếp làm theo hướng gieo trồng và cung ứng các loại sản phẩm theo yêu cầu của người tiêu dùng. Nhận thấy anh Hoàng “có duyên” kinh doanh nông sản, những gia đình không có điều kiện thời gian, lao động bán lại sản phẩm cho anh Hoàng. Được anh Hoàng thu mua tại chỗ với giá cao nên bà con trong thôn, ngoài xã rất phấn khởi. Theo cách anh Hoàng, hàng chục gia đình khác đã làm theo và đã mang lại hiệu quả thiết thực, các loại nông sản được bà con làm ra đều được tiêu thụ hết, góp phần thúc đẩy sản xuất nông sản của bà con vùng đồng màu phát triển. Anh Hoàng, giờ vừa là nông dân giỏi giang trên đồng ruộng, vừa là người kinh doanh “sành” thị trường, không chỉ thêm thu nhập, anh chị cũng không phải xa gia đình, con cái có việc làm thêm.

Mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và quyết tâm thay đổi tư duy sản xuất, chủ động tìm kiếm cách tiếp cận mới để tiêu thụ các sản phẩm nông sản đến tay người tiêu dùng đã giúp nâng cao giá trị lao động nông nghiệp cho những người nông dân, góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình sản xuất nông nghiệp ở vùng đất chuyên màu phát triển, tạo thêm nhiều việc làm khắc phục dư thừa lao động nông nhàn, giúp nông dân không phải “ly hương”. Đây cũng là yếu tố quan trọng để các xã thuần nông thực hiện xây dựng NTM./.

Bài và ảnh: Phạm Văn Đại

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com