Vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp trong thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

08:10, 26/10/2015
Tỉnh ta đang thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững. Để thực hiện có hiệu quả chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp, nông dân, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp sẽ là chủ thể, trong đó các HTX nông nghiệp đóng vai trò quan trọng; chính quyền các cấp giữ vai trò quản lý, định hướng, hỗ trợ tạo môi trường đầu tư thuận lợi thông qua việc ban hành và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, thu hút các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, liên kết với nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới quy trình công nghệ, mô hình tổ chức sản xuất; khai thác bền vững các tiềm năng đất đai, lao động. 
 
Theo đồng chí Vũ Đình Mạc, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, tính đến hết tháng 7-2015, tỉnh ta có trên 5.000 tổ hợp tác; 428 HTX trong các lĩnh vực, trong đó có 306 HTX nông nghiệp, chiếm 71,49% tổng số HTX. Các tổ hợp tác và HTX đã và đang làm các dịch vụ hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh của các hộ nông dân chủ yếu là: dịch vụ làm đất; thủy nông; bảo vệ thực vật, bảo vệ đồng ruộng; cung ứng giống cây trồng, vật nuôi và vật tư nông nghiệp. Một số HTX còn làm được dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, tổ chức hoạt động tín dụng nội bộ hỗ trợ vốn cho kinh tế hộ nông dân phát triển. Thời gian qua, với vai trò liên minh, liên kết các HTX, Liên minh HTX tỉnh đã tích cực hỗ trợ các HTX trong việc tư vấn, hỗ trợ và cung cấp dịch vụ cho HTX về kế hoạch sản xuất, dịch vụ, công tác kế toán, xây dựng đề án, phương án sản xuất, dịch vụ, tư vấn về chính sách, pháp luật một cách cụ thể. Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh còn giúp các HTX mở rộng mối quan hệ kinh tế, xây dựng thương hiệu nông sản, liên kết với các doanh nghiệp... thông qua các hợp đồng kinh tế. Quá trình thực hiện tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, vai trò của các HTX luôn được đề cao nhưng để các HTX thực sự đóng vai trò “đầu tàu” trong việc cung ứng vật tư nông nghiệp phục vụ xã viên, tìm kiếm thị trường để thực hiện dịch vụ bao tiêu sản phẩm cho xã viên/thành viên thì cần có một “cú hích” từ phía Nhà nước trong việc hỗ trợ các HTX củng cố và phát triển bền vững làm nền tảng và động lực trong việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. 
Chăn nuôi lợn bán công nghiệp theo quy mô gia trại của gia đình anh Nguyễn Văn Nguyên, xã Yên Tân (Ý Yên).
Chăn nuôi lợn bán công nghiệp theo quy mô gia trại của gia đình anh Nguyễn Văn Nguyên, xã Yên Tân (Ý Yên).
Trên thực tế, phát triển kinh tế tập thể, mà nòng cốt là HTX, là một trong những chủ trương có tính chất chiến lược của Đảng và Nhà nước để phát triển nông nghiệp, nông thôn trên con đường CNH-HĐH. Thời gian qua, hoạt động của nhiều HTXDVNN đã có nhiều nét chuyển biến mới, tích cực. Tuy nhiên hiện nay, các HTX vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại cần phải khắc phục. Về nhân sự, giám đốc, ban quản trị HTX nhiều nơi đa số trên 50-60 tuổi, trình độ, trách nhiệm hạn chế. Các HTX có chủ nhiệm trẻ ít, nếu có thì chỉ muốn làm ở HTX một vài năm, có cơ hội để chuyển sang làm công tác Đảng, chính quyền xã. Lao động trong các HTX nông nghiệp gần như chỉ có lao động nữ, sức khỏe hạn chế, còn lực lượng lao động trẻ, khỏe mạnh đã ra thành phố làm công nhân trong các KCN. Bởi vậy, với đội ngũ lao động như vậy thì HTX nông nghiệp không thể phát triển bền vững trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Ngược lại, nhu cầu liên kết, hợp tác ngày càng cần thiết để HTX đại diện bảo vệ quyền lợi cho người dân nông thôn. Việc các HTXDVNN ngày càng phát triển bền vững, đáp ứng với yêu cầu của thành viên/xã viên được coi là một nhân tố quan trọng và tích cực để mang lại kết quả thiết thực cho người nông dân. 
 
Do đó cùng với việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp thì việc tái cơ cấu các HTXDVNN là thực sự cần thiết và phù hợp trong điều kiện hiện nay. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi về đất đai, tài chính, thuế, tín dụng… để khuyến khích doanh nghiệp, HTX đầu tư vào khu vực khó khăn. Đa dạng hóa các nguồn cung cấp tín dụng; đổi mới cơ chế, thủ tục để tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho nông dân và các đối tác kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời mở rộng hợp tác công - tư trong phát triển sản xuất và xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn và hoàn thiện cơ chế chính sách để bảo vệ quỹ đất nông nghiệp, nhất là đất lúa, hạn chế sử dụng các vùng đất tốt cho các mục đích phi nông nghiệp. Sử dụng linh hoạt, có hiệu quả quỹ đất nông nghiệp và các nguồn tài nguyên khác phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Có chính sách khuyến khích đặc thù cho vùng trồng lúa và người trồng lúa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đối với việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, tạo điều kiện cho các HTX tham gia thực hiện các dịch vụ hỗ trợ xã viên/thành viên. Đối với cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, trên cơ sở quán triệt sâu sắc những nội dung của các nghị quyết, xây dựng chương trình hành động, các chương trình, dự án phù hợp với điều kiện thực tế và thế mạnh cụ thể của từng địa phương, chỉ đạo thực hiện quyết liệt để đạt được kết quả trong phát triển sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Kiện toàn tổ chức Ban nông nghiệp xã, tổ chức các dịch vụ công: khuyến nông, bảo vệ thực vật, thú y, quản lý chất lượng nông sản, tăng cường quản lý vật tư nông nghiệp và công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tiếp tục nâng cao nhận thức cho người dân gắn với thực hiện việc chuyển đổi các HTX nông nghiệp theo đúng Luật HTX năm 2012; trong đó, cần có chính sách thu hút, khuyến khích lao động trẻ, có trình độ gắn bó với việc xây dựng HTX nông nghiệp ở nông thôn phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh phát triển các HTX nông nghiệp qua đó sẽ hỗ trợ nông dân, xử lý những bất cập về mô hình sản xuất và mô hình quản lý, giảm thiểu những rủi ro trên thị trường. Đây là nền tảng quan trọng nhất, khâu đột phá để tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nông nghiệp và nâng cao thu nhập bền vững cho người nông dân./.
 
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com