Tỉnh ta hiện có 20 cụm công nghiệp (CCN). Theo Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2025: đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ phát triển thêm 11 CCN mới, đến năm 2025 toàn tỉnh sẽ có 45 CCN với tổng diện tích 697ha. Những năm trước, ngoài CCN An Xá do UBND Thành phố Nam Định thành lập Ban Quản lý CCN để quản lý, các CCN khác phần lớn được giao cho các xã, thị trấn quản lý nên công tác thu hút đầu tư, quản lý quy hoạch, giám sát đầu tư và giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong CCN còn nhiều hạn chế. Để nâng cao vai trò quản lý Nhà nước và phát triển bền vững các CCN theo đúng quy hoạch, UBND tỉnh đã quyết định thành lập 7 Trung tâm phát triển CCN của các huyện: Hải Hậu, Xuân Trường, Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh, Vụ Bản và Thành phố Nam Định.
Trung tâm Phát triển CCN là đơn vị sự nghiệp có thu, có con dấu và tài khoản riêng, trực thuộc UBND cấp huyện, thành phố do UBND tỉnh ra quyết định thành lập, có chức năng tổ chức xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật, quản lý các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong CCN. Điều kiện để được thành lập Trung tâm Phát triển CCN là: huyện có từ 2 CCN (CCN có diện tích không quá 50ha, nếu cần thiết phải mở rộng thì diện tích sau khi mở rộng không quá 75ha) trở lên hoặc huyện có 1 CCN, trong quy hoạch sẽ có thêm CCN và chưa có đơn vị kinh doanh hạ tầng. Riêng Thành phố Nam Định có 1 CCN nhưng quy mô lớn (trên 90ha) đã hoạt động trước khi Quyết định 105/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực nên đủ điều kiện thành lập Trung tâm Phát triển CCN. Các Trung tâm Phát triển CCN đi vào hoạt động đã phát huy vai trò là cánh tay nối dài của các huyện, thành phố, sở, ngành chức năng trong việc quản lý Nhà nước đối với các hoạt động của CCN, xúc tiến thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 15 CCN đã được lấp đầy diện tích. Trong các CCN tập trung đã lấp đầy diện tích có 8 CCN được lấp đầy trong giai đoạn 2011-2014 là: Hải Phương, Hải Minh (Hải Hậu); Trung Thành, Quang Trung (Vụ Bản); Xuân Tiến, Thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường); Cát Thành, Trực Hùng (Trực Ninh)... Các CCN tập trung đã thu hút thêm được 95 doanh nghiệp đầu tư mới, nâng tổng số các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đầu tư vào các CCN lên 471 với tổng vốn đăng ký đạt xấp xỉ 3.000 tỷ đồng, tổng vốn đã thực hiện là trên 2.700 tỷ đồng. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các CCN tập trung đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 18.724 lao động nông thôn, tăng thêm 7.124 lao động so với năm 2011.
|
Sản xuất các sản phẩm da giày xuất khẩu tại Cty CP Cơ khí Nam Hà, CCN Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng). |
Tuy nhiên, có một số khó khăn, vướng mắc đang hạn chế hiệu quả quản lý Nhà nước của các Trung tâm Phát triển CCN. Trước tiên là vấn đề bàn giao, quyết toán dứt điểm nợ đọng kinh phí GPMB, xây dựng cơ sở hạ tầng các CCN. Trước đây, do chưa có quy định cụ thể nên CCN được giao cho các xã, thị trấn làm chủ đầu tư xây dựng. Vì năng lực quản lý còn hạn chế nên tình trạng nợ đọng kinh phí giữa chủ đầu tư và đơn vị xây dựng hạ tầng CCN phổ biến ở nhiều CCN ở các huyện như: Vụ Bản, Ý Yên… Đồng chí Vũ Văn Tới, Trưởng Phòng Công thương huyện Vụ Bản cho biết: Trên địa bàn huyện có 2 CCN tập trung là: Quang Trung (tổng diện tích 6,1ha, đã lấp đầy với 2 doanh nghiệp, 43 cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho gần 500 lao động) và Trung Thành (rộng 5,9ha, đến nay đã lấp đầy 100% diện tích với 5 doanh nghiệp và 6 cơ sở sản xuất). Tuy nhiên đến nay, sau hơn một năm Trung tâm Phát triển CCN huyện được thành lập và hoạt động, do chưa quyết toán kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng các CCN nên vẫn chưa bàn giao CCN về cho Trung tâm quản lý. Từ đó dẫn đến nhiều công việc liên quan đến doanh nghiệp đầu tư trong CCN không có đầu mối giải quyết. Bên cạnh đó, vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư vào các CCN chậm tiến độ, nhiều thủ tục rườm rà cũng là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động thu hút đầu tư của các Trung tâm Phát triển CCN. Tình trạng ô nhiễm môi trường trong các CCN vẫn còn phổ biến, không đảm bảo mục tiêu phát triển sản xuất công nghiệp bền vững. Mới có 3/20 CCN đang hoạt động là các CCN Xuân Tiến (Xuân Trường), Tống Xá (Ý Yên) và An Xá (TP Nam Định) đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải công nghiệp với tổng vốn đầu tư trên 27,5 tỷ đồng. Ngoài ra hiện cũng chưa có quy định cụ thể về kinh phí vận hành các công trình đảm bảo vệ sinh môi trường và một số hoạt động chuyên môn khác cho các Trung tâm Phát triển CCN thực hiện.
Việc Trung tâm Phát triển CCN các huyện khó khăn trong thực hiện chức năng quản lý Nhà nước do thiếu quy định hoặc do những tồn tại lịch sử vừa không phát huy được hiệu quả phục vụ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, vừa có thể dẫn đến những hậu quả khó kiểm soát trong quá trình sản xuất, kinh doanh của các cơ sở, doanh nghiệp đang hoạt động trong CCN như việc xả thải tự do gây ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự… Để phát huy tốt nhất vai trò, chức năng và hiệu quả hoạt động của các Trung tâm Phát triển CCN, đã đến lúc cần sự “vào cuộc” của các cấp, các ngành, đặc biệt là UBND các huyện và ngành Công thương trong việc tham mưu cho UBND tỉnh ban hành những cơ chế, chính sách góp phần giải quyết vướng mắc nêu trên, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các CCN./.
Bài và ảnh:
Thành Trung