Tăng cường phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế cho doanh nghiệp

09:10, 20/10/2015
Trong nền kinh tế hội nhập quốc tế sâu rộng việc doanh nghiệp hiểu biết sâu về các hiệp định thương mại song phương, đa phương để tận dụng cơ hội phát triển có ý nghĩa rất quan trọng. Điều này đặc biệt có ý nghĩa hơn khi phần lớn trong tổng số hơn 5.000 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều có quy mô vừa và nhỏ, hạn chế về vốn, công nghệ… dẫn đến giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh chưa cao. Qua một số khảo sát ở các doanh nghiệp của ngành chức năng cho thấy có đến 70% doanh nghiệp trên địa bàn chưa hề biết đến hoặc không có kiến thức về các hiệp định thương mại đã và sắp có hiệu lực. Đây là một trong số những nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp nội tỉnh có nguy cơ “thua trên sân nhà”. Để góp phần khắc phục nhược điểm này, thời gian qua, với trách nhiệm cơ quan thường trực Ban Hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh, Sở Công thương đã tích cực tham mưu để UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, có giải pháp vượt qua các rào cản từ quy định của các hiệp định thương mại. Trong đó, Sở Công thương đã tăng cường công tác thông tin, phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, cơ hội, thách thức từ các FTA nhằm giúp cho đội ngũ cán bộ làm công tác lãnh đạo, quản lý, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao nhận thức, tăng cường tính chủ động trong quá trình sản xuất, kinh doanh đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế.
 
Các nội dung trọng tâm được phổ biến tuyên truyền là các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, đặc biệt là các hiệp định thương mại có mức tự do hóa cao ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp và các ngành hàng chủ lực của tỉnh như: Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC); Việt Nam - EU. Trên cơ sở đó, Sở Công thương đã phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) mời các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực xuất nhập khẩu giới thiệu nội dung, các vấn đề cần chú ý của các hiệp định thương mại đã được ký kết, phân tích về cơ hội, thách thức cũng như các rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật; về cạnh tranh, chống độc quyền, chống bán phá giá… của từng FTA và đưa ra khuyến nghị với từng lĩnh vực, doanh nghiệp, ngành hàng của tỉnh để các nhà quản lý, các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thông tin, chủ động hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch quản lý cũng như biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội nhập. Thường xuyên bổ sung và cập nhật thông tin trên trang web của Sở; đồng thời được gửi trực tiếp vào hộp thư điện tử của các cơ quan, đơn vị, hội, hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn giúp các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sớm nắm bắt, tiếp cận. Ngoài ra, Sở cũng giới thiệu các địa chỉ trang web của Bộ Công thương, các cục, vụ, viện chuyên ngành để các doanh nghiệp có thể tra cứu thường xuyên về tiến độ thực hiện các FTA và xu thế diễn biến cạnh tranh các mặt hàng cùng nhóm trên thị trường quốc tế. Tại hội nghị phổ biến các FTA, cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp do Sở Công thương phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu tổ chức tại Thành phố Nam Định trong tháng 9 vừa qua đã giúp các doanh nghiệp hiểu kỹ về các FTA mà Việt Nam ký kết và những tác động chủ yếu đối với các ngành chủ lực của tỉnh ta như dệt may, hàng nông sản và cơ khí chế tạo… Đặc biệt giúp các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn định hướng rõ hơn về yêu cầu phát triển hoàn thiện chuỗi cung ứng sản phẩm dệt may trong bối cảnh thực thi các FTA và cách “vượt qua” những rào cản thương mại để hợp tác thành công. Một loạt các vấn đề liên quan “sát sườn” đến doanh nghiệp đã được đề cập và giải đáp thoả đáng như cách tiếp cận chính sách ưu đãi do các hiệp định thương mại tự do mang lại, những mặt hàng nào của Nam Định có lợi thế nhất khi tham gia vào cộng đồng kinh tế AEC, Việt Nam - EU, hay xử lý vấn đề về quy định xuất xứ nguyên liệu hàng dệt may… Các chuyên gia còn trực tiếp đến một số doanh nghiệp, tìm hiểu cụ thể lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và thị trường của đơn vị để tư vấn cách khai thác lợi thế do các FTA mang lại. Bên cạnh đó, Sở Công thương và các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu; hỗ trợ tiếp cận, mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại như tham dự hội chợ, triển lãm, khảo sát thị trường, giao dịch thương mại tại các nước, tập trung vào các thị trường xuất khẩu mà tỉnh ta có lợi thế như Nhật Bản, Nam Phi, Mỹ, Nga, Ru-ma-ni, Đức… Tổ chức giao thương, kết nối với doanh nghiệp nước ngoài nhằm giúp doanh nghiệp trong tỉnh tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh... Tích cực triển khai chương trình hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp phụ trợ; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, đẩy mạnh đầu tư vào các sản phẩm, mặt hàng có thế mạnh của tỉnh; chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực; hỗ trợ lãi suất sau đầu tư…
 
Một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp chuyên hoạt động xuất khẩu đã có những chuyển biến đáng kể về hội nhập quốc tế và chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó cho riêng mình. Tại Cty CP May Sông Hồng, việc cập nhật thông tin quốc tế liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu luôn được Cty quan tâm. Cty đã đặt hàng mua tin từ các hãng truyền thông, nhà cung cấp uy tín trên thế giới như Dun & Bradstreet (Mỹ), World Trade Centers Association (WTCA)… để cập nhật những thông tin chính xác, toàn diện cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm các đối tác thương mại mới trên toàn cầu, tạo kết nối trực tiếp giữa các doanh nghiệp trong nước với đối tác nước ngoài và tăng cường hoạt động thương mại xuyên biên giới. Đáng chú ý, là một số doanh nghiệp nhỏ tại các làng nghề truyền thống phát triển cũng đã ý thức được những tác động của các FTA với hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình và có động thái ứng phó. Anh Trần Thanh Hà, đại diện Cty TNHH Cơ khí Việt Dũng, Thị trấn Lâm (Ý Yên) cho biết: Cty tôi chuyên sản xuất sản phẩm gia công cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong và ngoài tỉnh. Ban đầu tôi không nghĩ Cty mình bị ảnh hưởng khi nước ta hội nhập kinh tế thế giới bởi Cty tôi chỉ giao dịch với Cty đại diện khác. Tuy nhiên khi được phổ biến về quy chế hợp tác, những điều khoản chung của các FTA tôi mới biết các yêu cầu từ phía đối tác khắt khe từ chỉ dẫn xuất xứ nguồn nguyên liệu sản xuất, quy trình sản xuất và trách nhiệm xã hội của nhà sản xuất. Do vậy chúng tôi cũng phải quan tâm để chuẩn bị các điều kiện đáp ứng yêu cầu nếu muốn phát triển.
 
Mặc dù công tác tuyên truyền về các hiệp định thương mại của tỉnh ta đã mang lại hiệu quả bước đầu nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp trên địa bàn. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả tuyên truyền, thời gian tới, Sở Công thương cần tiếp tục tổ chức nhiều hơn nữa các cuộc hội thảo chuyên đề về hội nhập và đi vào cụ thể từng ngành hàng thế mạnh của địa phương bảo đảm thông tin thiết thực, trở thành cẩm nang giúp doanh nghiệp tự tin khi hội nhập. Bản thân doanh nghiệp cũng phải chủ động tìm hiểu và trang bị kiến thức cho mình để bảo đảm an toàn trong cuộc đua hội nhập toàn cầu bởi không ai khác chính doanh nghiệp biết rõ hơn hết mình có gì và cần gì./.
 
Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com