Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, những năm qua, tỉnh tập trung chỉ đạo phát triển mạnh các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa nông dân với doanh nghiệp để giải quyết “nút thắt” ở khâu sau thu hoạch trong sản xuất nông nghiệp.
Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông nghiệp ở tỉnh ta đã phát triển đa dạng, nhiều hình thức và phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng, từng địa phương, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống cho nông dân. Điển hình là mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ cây dược liệu giữa Cty CP Nam Dược (KCN Hòa Xá) với Tổ hợp tác nuôi trồng và chế biến dược liệu xã Hải Lộc (Hải Hậu). Cty hỗ trợ giống cây, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản… hỗ trợ kinh phí 1,5 triệu đồng/sào cho các hộ làm trụ bê tông, 100% kinh phí cứng hóa mặt đường và hệ thống kênh mương của vùng sản xuất, 50% kinh phí xây dựng lò sấy. Toàn bộ sản phẩm được tập kết về kho của tổ hợp tác và được Cty thu mua với giá 30-35 nghìn đồng/kg khô. Công tác quản lý, giám sát chất lượng được thực hiện nghiêm ngặt theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO-GAP). Qua hơn 3 năm liên kết sản xuất, nông dân thu lãi bình quân 300-350 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 30-35 lần so với trồng lúa. Do việc chuyển đổi sang trồng cây dây thìa canh không làm thay đổi, biến dạng đất trồng lúa, doanh nghiệp đầu tư lớn về hạ tầng ở vùng sản xuất, hiệu quả kinh tế cao, kỹ thuật trồng đơn giản nên mô hình liên kết này khá bền vững. Những kinh nghiệm khi triển khai mô hình này cần được phổ biến để nhân rộng khi áp dụng cho các loại nông sản khác. Tại xã Yên Dương (Ý Yên), Cty Đầu tư thương mại Tuệ Hương liên kết với các hộ nông dân tổ chức sản xuất rau an toàn VietGAP với quy mô 3,4ha. Cty ứng trước giống rau, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản…; mẫu đất, nước và các sản phẩm rau được Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 1 lấy mẫu phân tích. Sản phẩm rau của Cty liên kết sản xuất tại xã Yên Dương đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Toàn bộ sản phẩm được Cty thu mua với giá cao hơn ngoài thị trường cùng thời điểm 10%. Do mô hình mới triển khai, quy mô nhỏ; chi phí cho việc phân tích chất lượng, lấy mẫu và chứng nhận VietGAP cao nên trước mắt doanh nghiệp chưa có lãi nhiều. Phần lợi nhuận thu được vẫn đang tập trung tái đầu tư hỗ trợ cho nông dân để phát triển mô hình. Tuy nhiên, ruộng đất vẫn là của nông dân nên mối liên kết chưa chặt chẽ thành chuỗi đồng bộ, khó theo dõi quản lý chất lượng; dễ xảy ra tình trạng phá hợp đồng khi giá thị trường có biến động. Sự gắn kết trách nhiệm và quyền lợi giữa các bên chưa chặt chẽ. Tuy vậy, việc tổ chức sản xuất nông sản theo chuỗi đạt tiêu chuẩn VietGAP là xu hướng phát triển tất yếu nên cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện mô hình, cách thức tổ chức từ sản xuất tới tiêu thụ. Từ năm 2014 đến nay, Tổng Cty Lương thực Miền Bắc thực hiện mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao với các HTXDVNN. Cty ứng trước toàn bộ tiền giống cho nông dân, không tính lãi trong 5 tháng và cam kết bao tiêu 40-50% sản lượng lúa hàng hóa trở lên theo quy mô ghi trong hợp đồng. Hình thức thu mua là mua lúa tươi theo giá thị trường ở địa phương tại thời điểm thu mua với giá được các bên cùng thỏa thuận thống nhất trước thời điểm thu mua tối đa 7 ngày. Trong quá trình thu mua, nếu giá thị trường biến động lên hoặc xuống quá 10% giá thu mua thì các bên cùng thảo luận thống nhất giá thu mua mới. Các mô hình liên kết được áp dụng đồng bộ các khâu thâm canh và cơ giới hóa. Cụ thể, trong vụ xuân 2014, Cty ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với HTXDVNN Nam Thành, xã Đồng Sơn (Nam Trực) với quy mô 90ha lúa BT7, sản lượng thu mua là 191 tấn; giá thu mua 9.000 đồng/kg, cao hơn thị trường ở địa phương tại thời điểm thu mua từ 200-500 đồng/kg, bình quân người sản xuất có lãi xấp xỉ 800 nghìn đồng/sào. Trong vụ mùa 2014, Cty tiếp tục ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm 110ha lúa chất lượng cao BT7 kháng bạc lá, BC15 với HTX. Sản lượng thu mua 340,2 tấn (gồm 191,1 tấn BT7 kháng bạc lá, 149,1 tấn BC15). Giá thu mua BT7 kháng bạc lá là 8.800 đồng/kg, BC15 là 7.400 đồng/kg, bình quân người sản xuất có lãi 600-700 nghìn đồng/sào. Năm 2015, Cty tiếp tục ký hợp đồng với một số HTX như: Vĩnh Hào (Vụ Bản), Mỹ Hà (Mỹ Lộc) nâng quy mô liên kết lên 150ha. Tuy nhiên, ở mô hình này, quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp chỉ thuần túy là quan hệ mua bán, thương mại, doanh nghiệp chưa thực sự đồng hành cùng nông dân đầu tư sản xuất, chia sẻ lợi ích và rủi ro. Để mô hình này tồn tại ổn định cần có vai trò thực sự rõ ràng, cụ thể và trách nhiệm cao của HTXDVNN (người đại diện cho nông dân). Các HTX cần được trang bị kiến thức, kỹ năng trong quản lý, điều hành, kiến thức pháp lý và kỹ năng đàm phán khi ký kết hợp đồng...
|
Mô hình liên kết sản xuất rau an toàn VietGAP giữa Cty Đầu tư thương mại Tuệ Hương và các hộ nông dân xã Yên Dương (Ý Yên). |
Ngoài các mô hình liên kết kể trên, trên địa bàn tỉnh còn xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản bước đầu đã khẳng định được hiệu quả như: Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lợn sữa của Cty CP Chế biến nông sản xuất khẩu Nam Định với các hộ chăn nuôi ở Trực Ninh, Hải Hậu với quy mô trên 680 nghìn con lợn sữa/năm, người chăn nuôi thu lãi bình quân 3 triệu đồng/nái/năm (cao hơn so với không liên kết 900 nghìn đồng/nái/năm). Mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ thịt lợn của Cty CP Đầu tư thương mại Biển Đông đảm bảo cho người nuôi có lãi tối thiểu và ổn định 500 nghìn đồng/con. Mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cá song, cá vược của cơ sở Hoàng Tuynh với các hộ nuôi ở Nghĩa Hưng cho giá trị sản xuất đạt từ 500-600 triệu đồng/ha/năm. Mô hình liên kết trong nuôi cá diêu hồng kết hợp trồng màu tại xã Hải Châu (Hải Hậu) với gần 400 hộ nông dân liên kết thành lập CLB, sản lượng cá đạt 1.200 tấn, năng suất bình quân 11 tấn/ha/năm, lợi nhuận từ 550-600 triệu đồng/ha/năm. Một số đại lý, doanh nghiệp cung ứng thức ăn chăn nuôi liên kết với các trang trại tổ chức sản xuất, tiêu thụ gà thịt… Việc đẩy mạnh xây dựng các liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân bước đầu đã khai thác nguồn vốn, kinh nghiệm tổ chức sản xuất, thị trường của các doanh nghiệp, đồng thời tạo cơ hội cho nông dân được chuyển giao và áp dụng KHCN, nâng cao trình độ sản xuất. Tuy vậy, phần lớn các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản được hình thành tự phát; trách nhiệm, sự ràng buộc giữa các thành phần khi tham gia liên kết chưa thực sự chặt chẽ cả trên phương diện kinh tế lẫn phương diện pháp lý nên chưa thực sự bền vững. Năng lực thực sự của các thành phần khi tham gia, nhất là năng lực của nông dân và các tổ chức của họ (tổ hợp tác và HTX) còn hạn chế, chưa thực sự phù hợp trong cơ chế thị trường. Do vậy các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản cần tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện để vận hành tốt hơn, hiệu quả và bền vững hơn. Đồng thời cần phải có các cơ chế, chính sách và sự hỗ trợ, định hướng của các cơ quan quản lý Nhà nước để các mô hình liên kết phát triển.
Trong những năm tới, tỉnh chủ trương tiếp tục tăng cường liên kết giữa các hộ, giữa nông dân với doanh nghiệp thông qua HTX, tổ hợp tác để mở rộng quy mô sản xuất và hình thành các chuỗi khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ nông sản, áp dụng công nghệ tiên tiến và sản xuất hàng hóa lớn. Phấn đấu đến năm 2025 có từ 30-50% nông sản của Nam Định được tổ chức sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá hiệu quả, phát triển bền vững./.
Bài và ảnh:
Ngọc Ánh