Trước khi bước vào xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, xã Yên Trung (Ý Yên) cơ bản thuần nông, cơ cấu kinh tế và thu nhập của người dân hoàn toàn phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Thời điểm nông nhàn, hàng trăm lao động của xã thường phải rời quê nhà đi các nơi làm nhiều công việc khác nhau để kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Mặc dù xã có nghề thêu ren, khâu nón truyền thống, tuy nhiên đến năm 2010 nghề sa sút, hiệu quả kinh tế thấp, người dân không muốn làm. Trước tình hình đó, khi được UBND tỉnh chọn là 11 xã điểm xây dựng NTM của huyện Ý Yên giai đoạn 2011-2015, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Yên Trung đã xác định phải khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống làng nghề mới để người dân có việc làm tại chỗ, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.
Thực hiện chủ trương đó, từ năm 2012, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, xã Yên Trung đã khôi phục và phát triển được 8 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh ra quyết định công nhận. Các làng nghề của xã đã tạo việc làm cho trên 1.500 lao động với mức thu nhập bình quân từ 50-80 nghìn đồng/người/ngày; nâng tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của xã (giai đoạn 2011-2015) đạt 17%/năm. Năm 2015, tổng giá trị thu nhập kinh tế của xã ước đạt 172 tỷ đồng, trong đó giá trị thu nhập từ ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ đạt 85 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển biến tích cực, tỷ trọng nông nghiệp giảm xuống còn 60%; ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ đạt 40%; bình quân thu nhập đầu người của xã đã cao gấp hơn 3 lần so với năm 2010, đạt 28 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,86%, số hộ khá, giàu tăng nhanh. Năm 2014, Yên Trung đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM với 16/19 tiêu chí đã hoàn thành, 3 tiêu chí cơ bản hoàn thành là: môi trường, thủy lợi và cơ sở vật chất văn hóa. Là xã xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, đến hết năm 2014, xã Hải Anh (Hải Hậu) đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM. Góp phần quan trọng vào kết quả này có sự đóng góp của 2 làng nghề mộc mỹ nghệ truyền thống ở các xóm Phồn Thịnh và xóm Đông Hữu đã tạo việc làm ổn định cho gần 800 lao động, bình quân thu nhập đạt 4-5 triệu đồng/người/tháng. Xây dựng và phát triển thành công 2 làng nghề đã tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của xã Hải Anh. Năm 2014, nghề mộc mỹ nghệ của 2 làng nghề Đông Hữu, Phồn Thịnh đã góp phần nâng bình quân thu nhập đầu người của xã lên trên 29,7 triệu đồng/người/năm.
|
Sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ tại làng nghề Mộc Kênh, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh). |
Không chỉ ở các xã Yên Trung, Hải Anh, vai trò quan trọng của làng nghề trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng thu nhập cho người dân để thực hiện và hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM đã được thực tế chứng minh ở nhiều địa phương. Trước năm 2010, toàn huyện Hải Hậu chỉ có 5 làng nghề ở 5/35 xã, thị trấn. Là một trong 5 huyện thí điểm xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 của cả nước, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ huyện Hải Hậu đã ban hành Nghị quyết chuyên đề xác định phát triển các làng nghề là một trong những khâu đột phá quan trọng để thực hiện và hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đến nay, toàn huyện đã xây dựng và phát triển được thêm 35 làng nghề mới đa dạng như: sản xuất CN-TTCN (mộc, dệt chiếu, kéo sợi PE, chế biến lương thực, thực phẩm), sinh vật cảnh (trồng cây cảnh, trồng hoa), trồng cây dược liệu và nuôi thủy sản. Nhiều làng nghề được duy trì, phát triển ổn định, có số lao động và doanh thu làm nghề chính tăng dần theo các năm như: nhóm nghề mộc mỹ nghệ tại các xã: Hải Minh, Hải Đường, Hải Trung, Hải Vân; nghề cán kéo sợi PE ở Thị trấn Thịnh Long; nghề chế biến lương thực, thực phẩm (sản xuất bánh kẹo) ở Thị trấn Yên Định… Những làng nghề này có số lao động làm nghề chiếm từ 80-90% số lao động của làng, doanh thu đạt từ 15-20 tỷ đồng/năm; chiếm trên 80% giá trị các ngành sản xuất của làng. Các làng nghề mới được nhân cấy, xây dựng thành công trong giai đoạn 2011-2015 đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gần 10 nghìn lao động nông thôn; là động lực quan trọng thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, là “cú hích” để huyện Hải Hậu thực hiện và hoàn thành thắng lợi chương trình xây dựng NTM. Hiện nay, toàn huyện Hải Hậu có 40 làng nghề ở 30 xã, thị trấn; bao gồm: 20 làng nghề sinh vật cảnh, 12 làng nghề sản xuất CN-TTCN, 3 làng nghề nuôi trồng thủy sản, 3 làng nghề trồng cây dược liệu và 2 làng nghề xây dựng. Trong đó có 1 xã 5 làng nghề, 6 xã 2 làng nghề.
Sau gần 5 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được 124 làng nghề, làng nghề truyền thống sản xuất CN-TTCN, gồm 94 làng nghề cũ và 30 làng nghề mới được phục hồi, nhân cấy và phát triển thành công trong các năm 2011-2014; có 51 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận đủ các tiêu chí theo quy định của Bộ NN và PTNT. Tỷ trọng giá trị sản xuất CN-TTCN, làng nghề khu vực nông thôn đến năm 2015 (giá so sánh năm 1994) ước đạt trên 14,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 55,08% giá trị sản xuất CN-TTCN toàn tỉnh và tăng gấp 3 lần so với năm 2010. Toàn tỉnh đã có 166/209 xã, thị trấn (bằng 79,42%) có giá trị sản xuất CN-TTCN chiếm tỷ trọng trên 10% trong cơ cấu kinh tế; có 78/96 xã xây dựng NTM giai đoạn I (bằng 81,25%) có giá trị sản xuất CN-TTCN chiếm tỷ trọng trên 15% cơ cấu kinh tế toàn xã). Sản phẩm hàng hoá của các làng nghề đã có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, một số mặt hàng đã được xuất khẩu ra nước ngoài, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động theo tiêu chí xây dựng NTM và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh. Các làng nghề sản xuất phát triển kéo theo nhiều dịch vụ thương mại cùng phát triển, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, sinh hoạt của địa phương ngày càng sôi động, thu nhập của lao động ở làng nghề luôn cao hơn sản xuất nông nghiệp từ 2-3 lần. Nhờ đó, đến tháng 6-2015, đã có 81/96 xã xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 của tỉnh ta hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM; trong đó có 65 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, huyện Hải Hậu được công nhận huyện NTM. Phát huy những kết quả đã đạt được, để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 tỉnh ta là tỉnh NTM như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành chức năng phối hợp với các địa phương ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ các làng nghề đã có phát triển bền vững, đồng thời triển khai rà soát, nhân cấy, phát triển thêm các làng nghề mới ở các địa bàn tiềm năng./.
Bài và ảnh:
Thành Trung