Nơi kết nối những hành trình xanh

09:10, 09/10/2015

Với “tham vọng” thay đổi môi trường sống của làng, “trả về cho cây màu xanh, trả về cho nước trong lành” như cái cách mà chủ dự án Mai Ngọc Nhâm, cựu sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, một người con của Xuân Dục, xã Xuân Ninh (Xuân Trường) tâm sự, dự án cải thiện môi trường sống Xuân Dục hiện thu hút khoảng 500 thành viên, chủ yếu là những bạn trẻ người làng Xuân Dục sinh sống, làm việc, học tập ở nhiều tỉnh, thành phố. Và, trong dự án của mình, Nhâm cùng các thành viên đã thiết kế những chiếc “thuyền bèo tây” đặt ở đầu các đoạn sông để lọc nước. Trên bờ, họ còn kỳ công căng băng rôn, khẩu hiệu khẩn thiết kêu gọi mọi người “Rác là nguồn gây ô nhiễm, hãy làm sạch rác ở mọi nơi”.

Thực hiện ý tưởng thả thuyền bèo tây lọc nước đặt ở đầu các con sông của Mai Ngọc Nhâm, thanh niên làng Xuân Dục, Xuân Ninh (Xuân Trường) đã góp phần làm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường nước.
Thực hiện ý tưởng thả thuyền bèo tây lọc nước đặt ở đầu các con sông của Mai Ngọc Nhâm, thanh niên làng Xuân Dục, Xuân Ninh (Xuân Trường) đã góp phần làm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường nước.

Dự án thời công nghệ

Làng Xuân Dục nằm ở cuối nguồn con sông của xã trước khi đổ ra biển. Vì vậy, nơi đây là “rốn” rác và bèo mỗi khi thủy triều lên xuống hoặc khi thủy nông xả nước. Do đó, vấn đề rác thải, sự trong sạch của những nguồn nước thu hút sự quan tâm của rất nhiều người, trong đó có những người trẻ trong làng. Tháng 4-2015, Mai Ngọc Nhâm lập dự án cải thiện môi trường sống Xuân Dục qua facebook, bởi lý do đơn giản: “Làng em rất đẹp, các con sông, kênh chảy qua làng trước kia luôn trong xanh nhưng hiện tại môi trường sống không còn được như trước đây, hai bên bờ sông có nhiều rác thải; nước sinh hoạt, nước chăn nuôi đều xả thẳng ra sông”… Bản thân Nhâm cũng như nhiều thanh niên khác trong làng vào những kỳ nghỉ lễ, tết hoặc nghỉ hè đều sẵn sàng “xắn tay áo lên dọn rác”. “Nhưng nếu chỉ dọn thôi, chưa đủ. Vì ngày mai, ngày kia ai đó vẫn có thể ném thẳng rác ra sông, nước thải vẫn cứ phải thải. Chúng em cần một dự án dài hơi hơn, cần những hành động thiết thực để có thể cải thiện đáng kể môi trường”, Nhâm chia sẻ. Và qua mạng xã hội, dự án của Nhâm thu hút hàng trăm ý tưởng bảo vệ môi trường, mỗi ý tưởng đưa ra đều được các thành viên bàn bạc sôi nổi. Sau cùng, ý tưởng làm thuyền bèo tây lọc nước của Mai Ngọc Nhâm dành được sự  “tín nhiệm” cao nhất của cộng đồng mạng. Thiết kế “giản dị” gồm những ống nhựa PVC được ráp nối lại với nhau thành hình một chiếc thuyền dài 3m, chiều rộng 1,5m đặt nổi trên mặt nước. Mũi và đuôi thuyền được cố định bằng 2 cọc gỗ. Bên trong thuyền Nhâm cho thả đầy bèo tây, đặt ở đầu mỗi đoạn sông. Tại sao bèo tây lại được lựa chọn, Nhâm lý giải: Ở dạng tự nhiên, loại bèo này có tác dụng hấp thụ những kim loại nặng (như chì, thủy ngân và strontium). Và vì thế, có thể dùng bèo tây để khử trừ ô nhiễm môi trường. Hệ thống rễ màu nâu của bèo có khả năng hút, lọc nước và phân giải chất độc rất mạnh, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước. Trong đó, tốc độ xử lý các chất ô nhiễm hữu cơ khác nhau của bộ rễ bèo tây rất tuyệt vời. Thí nghiệm khoa học chứng minh, 1ha mặt nước thả bèo tây có thể làm sạch đến 3 tấn nước thải mỗi ngày. Cụ thể, bèo tây có thể hút được 34kg Na, 22kg Ca, 17kg Pb, 4kg Mn, 2,1kg Phenol, 89g Hg, 104g Al, 297g kền, 321g Stronti... chỉ trong 24h. Ngoài ra, bèo tây còn có khả năng phân giải phenol và cyanua… Nhận thấy những ưu thế vượt trội của bèo tây, Nhâm cùng những người trẻ Xuân Dục khác nhanh chóng bắt tay vào thực hiện. Cũng từ facebook, họ kêu gọi thành viên đóng góp nguồn quỹ để mua ống nhựa thực hiện mô hình. Theo tính toán của Nhâm, để làm được một chiếc thuyền cần khoảng 1 triệu đồng. Và rất may mắn, dự án nhận được sự tài trợ toàn bộ vật liệu của chủ một cửa hàng bán vật liệu xây dựng, cũng là người làng Xuân Dục đang sinh sống tại Hà Nội. Có vật liệu rồi, các thành viên trong dự án, đứng đầu là Nhâm lại hì hục ngồi cắt, nối các ống nhựa theo thiết kế. “Ưu điểm của những thuyền bèo tây lọc nước là thuyền có thể dễ dàng nhấc lên hạ xuống theo mực nước. Những ngày nước kín (nước cạn) hoặc những hôm thủy nông xả nước, bọn em chỉ việc nhấc thuyền lên bờ, chờ khi nước ổn định thì lại thả thuyền, thả bèo để tiếp tục lọc nước. Theo tính toán mỗi năm, thuyền chỉ phải nhấc lên độ 4 lần, 2 tháng/lần thuyền sẽ được thay bèo mới, đảm bảo tốc độ lọc nước tốt nhất”, Nhâm chia sẻ. 

Đến niềm vui hạ thủy

Bí thư Đoàn xã Xuân Ninh Nguyễn Văn Trinh cho biết: “Khi Nhâm trình bày ý tưởng với Ban thường vụ Đoàn xã, UBND xã, lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương rất đồng tình, ủng hộ. Đó là điều kiện hết sức thuận lợi cho những người trẻ chúng tôi bắt tay vào dự án. Về phía Đoàn Thanh niên, chúng tôi hỗ trợ tối đa nhân lực, vật lực khi dự án cần. Bởi thực tế, những bạn trẻ là chủ của dự án đa phần đều là sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng tại Hà Nội hoặc các tỉnh. Do vậy, việc duy trì dự án, theo sát dự án phải là lực lượng thanh niên của địa phương. Theo đó, Đoàn Thanh niên theo dõi sát sao lịch xả nước của thủy nông, mực nước tại các dòng sông để có kế hoạch đưa thuyền lên bờ hoặc hạ thủy”. Ngày 2-9 vừa qua là một ngày có ý nghĩa đối với nhiều thanh niên làng Xuân Dục. Mọi người cùng nhau hạ thủy 4 chiếc thuyền xuống đoạn sông trung tâm làng, cứ cách 6m đặt 1 thuyền. Bèo tây thì đã có sẵn, các bạn trẻ cùng nhau vớt bèo cho vào thuyền để rễ bèo lọc nước. Họ cùng hồi hộp chờ đợi kết quả, 1 tuần sau, nước ở đoạn sông trung tâm làng đã trong lên trông thấy. Nước đã đỡ đục và mùi hôi tanh cũng bớt dần. 2 rồi 3 tuần, cũng đoạn sông trên đã có thể nhìn thấy những viên đá cuội dưới lòng sông. Rác cũng đã không còn xuất hiện ở 2 bên bờ sông. “Chúng em cùng với tổ chức Đoàn xã thường xuyên vào tận các dong ngõ tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho từng hộ gia đình. Ở đầu mỗi đoạn sông còn căng băng rôn kêu gọi mọi người không xả rác. Cứ như vậy, mưa dầm thấm lâu, ý thức của những hộ dân trong làng tốt lên, thói quen xả rác ra sông đã giảm đáng kể”, Nhâm hào hứng.

Ước mơ của Nhâm và những người trẻ làng Xuân Dục còn dài hơi lắm, bắt đầu từ việc hạ thủy những con thuyền bèo tây lọc nước và sau đó là nghiên cứu để lắp đặt hệ thống lọc nước tại đầu mỗi con sông chảy qua làng. Quy mô hơn, sẽ là lắp đặt hệ thống lọc nước riêng cho các hộ gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm nhằm “trong sạch hóa” nguồn nước ngay tại hộ gia đình trước khi đổ ra sông. Để làm được điều đó, Nhâm bảo, “chi phí, nhân lực, vật lực sẽ rất lớn. Do vậy, bọn em phải chú trọng, huy động sự vào cuộc của nhiều đối tượng, trong đó đặc biệt là các doanh nghiệp, doanh nhân con em làng Xuân Dục. Kế hoạch lớn này cần vài năm, thậm chí hàng chục năm để thực hiện. Tuy nhiên, bọn em không nản vì đây là 1 dự án thiết thực, có ý nghĩa, tạo được hiệu ứng xã hội rộng rãi, thu hút sự chung tay của nhiều người, nhiều thế hệ, tạo sự chuyển biến tích cực trong ý thức bảo vệ môi trường của người dân”. Trước mắt, nhóm của Nhâm và Đoàn Thanh niên xã đang có kế hoạch cho tương lai gần. Tết này, họ sẽ cùng nhau trồng khoảng 50 cây xanh ở các dong ngõ chính, phủ thêm màu xanh cho làng quê. Nhà nào cần, họ sẽ tự nguyện mang cây đến trồng giúp. Bí thư Đoàn xã Nguyễn Văn Trinh còn cho biết, Đoàn xã sẽ nhân rộng mô hình thuyền bèo tây lọc nước ra các đoạn sông chảy qua địa phận xã.

Rời Xuân Dục khi ánh nắng mùa thu cuối ngày đã mát và dịu hẳn. Và khi gió thu dìu dịu thổi tới, đám bèo tây xanh mướt mắt dưới mỗi lòng thuyền lại rung rinh, đưa đẩy. Còn những viên đá cuội dưới lòng sông thì lưu luyến trong ánh nhìn của tôi. Những ngôi làng sạch sẽ, dòng sông êm đềm, trong vắt soi bóng hàng cây yên ả chắc hẳn sẽ sớm thành hình khi dự án được mở rộng. Và, không có lý do gì để chúng tôi không tin tưởng vào điều đó, vào những con người trẻ tuổi đầy nhiệt huyết của làng quê Xuân Dục./.

Bài và ảnh: Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com