Nghĩa Lạc phát triển đa dạng ngành nghề nông thôn

08:10, 05/10/2015
Đồng chí Nguyễn Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng) cho biết: Để CN-TTCN trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, xã Nghĩa Lạc đã xây dựng kế hoạch phát triển trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế về vị trí địa lý và nguồn nhân lực dồi dào với gần 5.500 lao động trong độ tuổi. Ngay từ năm 2012, xã đã quy hoạch gọn vùng quỹ đất công để xây dựng các công trình phúc lợi dân sinh và tạo mặt bằng rộng cho phát triển sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề cho người lao động địa phương từ các nguồn kinh phí hỗ trợ như: Đề án 1956, khuyến công… cũng được chú trọng. Xã đã tổ chức được gần 10 lớp dạy miễn phí các nghề may công nghiệp, trồng nấm, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu cho gần 300 lao động địa phương. Xã tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, đứng ra tín chấp với các tổ chức tín dụng để các cơ sở, hộ sản xuất có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi phát triển sản xuất, kinh doanh. 
Sản phẩm mộc mỹ nghệ tại cơ sở Hoàng An của anh Hoàng Văn Toàn, xóm Đồng Thành, xã Nghĩa Lạc.
Sản phẩm mộc mỹ nghệ tại cơ sở Hoàng An của anh Hoàng Văn Toàn, xóm Đồng Thành, xã Nghĩa Lạc.
Với các biện pháp tích cực, đồng bộ, đến nay trên địa bàn xã Nghĩa Lạc đã hình thành và phát triển đa dạng các ngành nghề sản xuất CN-TTCN. Từ năm 2011 đến nay, nghề mộc đã có những bước phát triển mới, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại, nhà xưởng khang trang để mở rộng quy mô sản xuất. Trong đó, một số hộ tiêu biểu như các ông: Lưu Văn Nhật, xóm Đồng Tâm; Phạm Văn Đẳng, xóm Nguyên Lực; Hoàng Văn Toàn, xóm Đồng Thành… thường xuyên có từ 7-10 lao động tham gia. Anh Hoàng Văn Toàn, chủ cơ sở sản xuất mộc mỹ nghệ Hoàng An cho biết: cơ sở của anh thường xuyên có 7-10 lao động với thu nhập bình quân từ 6-7 triệu đồng/người/tháng, chuyên sản xuất các loại tranh gỗ, hoành phi, câu đối, bàn, ghế, tủ, sập khảm ốc, khảm trai theo lối cổ. Các công đoạn chính như vẽ mẫu, chạm khắc, khảm, hoàn thiện… đều được bàn tay những người thợ lành nghề trau chuốt kỹ càng, tỉ mỉ, tinh xảo… nên sản phẩm của cơ sở luôn được thị trường tín nhiệm và tiêu thụ tốt. Mỗi tháng, cơ sở của anh sản xuất được từ 10-15 bộ sản phẩm để xuất đi Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh phía Nam. Cùng với nghề mộc, nghề may công nghiệp ở Nghĩa Lạc cũng phát triển mạnh với 6 cơ sở sản xuất và gần 100 lao động nhận gia công sản phẩm tại nhà. Trong đó, có cơ sở của các ông: Đoàn Văn Tiến, Trần Văn Mích ở xóm Nguyên Lực; Nguyễn Văn Hưng, xóm Đồng Nguyên; Vũ Văn Tới, xóm Đồng An… thường xuyên thu hút từ 30-50 lao động với mức thu nhập bình quân từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng. Anh Nguyễn Văn Hưng, chủ cơ sở may công nghiệp cho biết: Cơ sở của anh thành lập từ năm 2001 nhưng chỉ có trên dưới 10 máy may để gia công sản phẩm. Năm 2012, được xã tạo điều kiện về thủ tục, tín chấp với Ngân hàng CSXH cho vay 60 triệu đồng với lãi suất ưu đãi, anh đã đầu tư thêm một số máy móc chuyên dụng để phát triển sản xuất. Hiện nay, cơ sở của anh có 30 máy may công nghiệp; trong đó có 20 máy tập trung tại xưởng và 10 máy giao cho các hộ dân gia công tại nhà các sản phẩm quần áo đồng phục học sinh và áo giắc-két xuất khẩu. Mỗi tháng, cơ sở của anh sản xuất được khoảng 12-15 nghìn bộ đồng phục, 2.000-3.000 áo giắc-két xuất khẩu. Ngoài các nghề may công nghiệp, chế biến gỗ, trên địa bàn xã còn hình thành và phát triển mạnh các nghề: xây dựng, sản xuất nấm, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ bèo tây… Toàn xã có khoảng 10 đội thợ xây dựng dân dụng, mỗi đội có 10-15 lao động tham gia với mức thu nhập bình quân từ 150-200 nghìn đồng/người/ngày. Ngoài các công trình xây dựng trên địa bàn, đội thợ của các ông Hoàng Văn Võ, xóm Đồng Nguyên; Trần Viết Mạnh, xóm Đồng Lợi, với quy mô 30-40 lao động thường xuyên còn nhận được nhiều hợp đồng trị giá hàng tỷ đồng ở các địa phương trong huyện. Từ khi người dân địa phương được học nghề trồng nấm, nghề này phát triển khá nhanh. Mỗi năm cơ sở sản xuất nấm của ông Nguyễn Văn Thu, xóm Đồng Lực, sản xuất được từ 40-42 tấn nấm các loại, đạt giá trị sản xuất khoảng 800 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức thu nhập từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng. Nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ bèo tây phát triển mạnh ở thôn Đồng Liêu với khoảng 20 hộ (mỗi hộ từ 1-2 lao động) tham gia, bình quân thu nhập từ 70-100 nghìn đồng/người/ngày.
 
Trong năm 2015, xã Nghĩa Lạc được 1 doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư trên 20 tỷ đồng xây dựng nhà máy may công nghiệp với tổng diện tích 2ha. Dự kiến đến quý II-2016, doanh nghiệp sẽ hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 400-500 lao động địa phương.  
 
Nhờ phát triển sản xuất CN-TTCN, đến nay cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của xã Nghĩa Lạc đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng xây dựng NTM. Năm 2015, giá trị sản xuất CN-TTCN, xây dựng của xã ước đạt 145 tỷ đồng, tỷ trọng ngành sản xuất CN-TTCN, thương mại, dịch vụ chiếm trên 60% cơ cấu kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 3%, bình quân thu nhập ước đạt 22,3 triệu đồng/người/năm. Đó là tiền đề quan trọng để Nghĩa Lạc là một trong 4 xã của huyện Nghĩa Hưng được UBND tỉnh đồng ý ứng vốn trước để xây dựng NTM trong năm 2015, từ nay đến năm 2017, xã Nghĩa Lạc tiếp tục chủ trương phát triển sản xuất CN-TTCN thành bước đột phá để thực hiện và hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Phấn đấu đến năm 2017, giá trị sản xuất CN-TTCN, xây dựng của xã đạt 191,7 tỷ đồng, tỷ lệ lao động trực tiếp tham gia đạt trên 65%; bình quân thu nhập đạt 49 triệu đồng/người/năm./.
 
Bài và ảnh: Thành Trung


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com