Ngăn ngừa nợ xấu từ chương trình cho vay học sinh, sinh viên

07:10, 15/10/2015

Theo Ngân hàng CSXH tỉnh, chương trình vốn vay học sinh, sinh viên (HSSV) được triển khai từ năm 2007 đến nay đã mang lại cơ hội và hiện thực hóa “giấc mơ đèn sách” của hàng vạn HSSV là con các gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách… ở mọi miền quê của tỉnh. Tuy nhiên, gần đây việc thu hồi tiền gốc, tiền lãi của chương trình này cũng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cần có giải pháp xử lý kịp thời để ngăn ngừa nợ xấu.

Trước nhu cầu gia tăng về nguồn vốn đầu tư cho nhu cầu học tập của con em nhân dân ở các vùng nông thôn, ngày 4-7-2011, Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam đã có Công văn số 468/NHCS-TDSV hướng dẫn xử lý nghiệp vụ cho chương trình tín dụng HSSV. Theo đó quy định cụ thể trường hợp một hộ gia đình vay vốn cho nhiều HSSV thì thời hạn cho vay được xác định riêng theo từng HSSV và việc định kỳ hạn trả nợ được xác định riêng theo từng HSSV… Những quy định thuận lợi trên của Ngân hàng CSXH Việt Nam đã tạo điều kiện cho không ít hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách có thêm nguồn lực để đầu tư cho con ăn học. Tính đến tháng 9-2015, tổng dư nợ cho vay của chương trình vay vốn HSSV toàn tỉnh đạt gần 684 tỷ 656 triệu đồng, với 34.424 HSSV của 29.700 hộ gia đình. Chị Triệu Thị Dung ở thôn Xóm Đồng 1, xã Quang Trung (Vụ Bản) cho biết: Tháng 8-2012, cháu lớn của vợ chồng tôi là Hoàng Anh Duy có giấy báo trúng tuyển vào Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Nam Định. Cả nhà “mừng ít, lo nhiều” vì không biết lấy đâu ra tiền để cho con ăn học tiếp do kinh tế gia đình rất khó khăn. Đúng lúc đó, được sự quan tâm tạo điều kiện của HND xã và cán bộ tổ tiết kiệm và vay vốn (TK và VV) thôn hướng dẫn, giúp đỡ làm hồ sơ vay vốn của Ngân hàng CSXH chương trình HSSV. Ngay sau khi hồ sơ được hoàn thiện, Ngân hàng CSXH huyện Vụ Bản đã nhanh chóng giải ngân cho gia đình tôi vay 11 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình tôi đã yên tâm cho con tiếp tục đi học theo đúng nguyện vọng của cháu. Hiện, cháu Duy đang học năm thứ 3. Chính sự chăm chỉ học tập của Duy là động lực để vợ chồng chị Dung quyết tâm phát triển kinh tế gia đình. Đầu năm 2014, chị Dung tiếp tục được vay từ chương trình hộ nghèo 20 triệu đồng, chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn 8 triệu đồng. Có vốn trong tay, vợ chồng chị đầu tư xây dựng khu chuồng rộng 120m2, mua lợn giống, thức ăn chăn nuôi. Vốn tính chăm chỉ cần cù và đầu tư chăn nuôi đúng cách nên gia đình chị Dung nuôi được 4 lứa lợn thịt, mỗi lứa 20 con; sau khi trừ chi phí đã mang lại cho gia đình chị 45-50 triệu đồng. Việc chăn nuôi suôn sẻ đã giúp gia đình chị Dung từng bước vươn lên thoát nghèo, có điều kiện cho các con ăn học đầy đủ… Không chỉ gia đình chị Dung mà hàng nghìn hộ gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách ở khắp các địa phương trong tỉnh đều được tiếp cận nhanh chóng, thuận lợi với nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo chương trình vay vốn từ Ngân hàng CSXH. Đối với các gia đình này, nguồn vốn vay từ chương trình vay vốn HSSV không chỉ là cứu cánh khi họ gặp khó khăn mà còn là “động lực” thúc đẩy các gia đình nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế hộ, từng bước thoát nghèo bền vững để có điều kiện cho con cái ăn học. 
Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Vụ Bản và tổ TK và VV thôn Xóm Đồng 1, xã Quang Trung đối chiếu công nợ của gia đình chị Triệu Thị Dung (người thứ ba từ trái sang) được vay vốn từ chương trình HSSV.
Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Vụ Bản và tổ TK và VV thôn Xóm Đồng 1, xã Quang Trung đối chiếu công nợ của gia đình chị Triệu Thị Dung (người thứ ba từ trái sang) được vay vốn từ chương trình HSSV.
Tuy nhiên một số cán bộ Ngân hàng CSXH các huyện đều cho biết việc thu hồi gốc và lãi của chương trình cho vay HSSV hiện nay đang tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu, cá biệt một số trường hợp là rất khó khăn như: HSSV ốm đau thường xuyên, trong khi cả bố và mẹ đều không còn; HSSV đã mất vì tai nạn giao thông, tai nạn lao động; hoặc HSSV chưa ra trường, trong khi bố mẹ bị bệnh nặng… Theo số liệu thống kê của Ngân hàng CSXH tỉnh, hiện số nợ quá hạn của chương trình vay vốn HSSV là hơn 1 tỷ 171 triệu đồng. Ở cả chi nhánh Ngân hàng CSXH của các huyện, thành phố đều có dư nợ quá hạn chương trình vay vốn HSSV. Trong đó, Ngân hàng CSXH Thành phố Nam Định có số nợ quá hạn cao nhất là hơn 498 triệu đồng, Xuân Trường gần 248 triệu đồng, Ý Yên 227 triệu đồng, Giao Thủy 218 triệu đồng… Đặc biệt đã có 56,5 triệu đồng phải khoanh nợ. Mặc dù số nợ quá hạn chưa nhiều so với tổng dư nợ đã giải ngân nhưng cũng cho thấy những nguy cơ rủi ro có thể gia tăng nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ và giải quyết thỏa đáng vấn đề này. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nhiều SV sau khi tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học đã không thể tìm được việc làm ngay để có thu nhập trả nợ cho ngân hàng; hoặc nhiều SV tìm được việc làm nhưng không ổn định, thu nhập thấp, trong khi lại sống xa nhà ở các thành phố lớn, phải tự lo trang trải cuộc sống nên không thể có tiền gửi về cho gia đình trả tiền gốc, tiền lãi của ngân hàng... Để giải quyết tình trạng này, trước hết cần sự nỗ lực của toàn thể đội ngũ cán bộ, nhân viên Ngân hàng CSXH trong việc quản lý khách hàng, thực hiện thu hồi nợ quá hạn, xử lý số nợ xấu đang tồn đọng và hạn chế tối đa số nợ quá hạn mới phát sinh; tập trung nâng cao chất lượng cho vay. Ngân hàng CSXH tỉnh cần tập trung chỉ đạo Ngân hàng CSXH các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi đối với HSSV tới người vay vốn bằng nhiều kênh: phương tiện thông tin đại chúng; thông qua các hội nghị của địa phương, cơ sở thôn, đội; tuyên truyền trực quan bằng tờ rơi, tờ gấp… Tăng cường công tác giám sát bằng việc tích cực kiểm tra, đối chiếu nợ công khai, phân công cán bộ phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác trực tiếp đến từng hộ vay để nhắc nhở, ngăn chặn tình trạng xâm tiêu, chiếm dụng vốn; vận động người vay vốn trả nợ theo đúng thời gian quy định. Trường hợp người vay quá khó khăn cần phân tích nguyên nhân để có phương án xử lý nợ cho dân, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực có thể phát sinh.
 
Những hiệu quả tích cực từ chương trình vay vốn HSSV là không thể phủ nhận, song tình trạng mất an toàn đối với chương trình này đang có nguy cơ gia tăng, do vậy cần có những giải pháp quản lý hiệu quả để bảo toàn nguồn vốn của Nhà nước cho chương trình tín dụng ưu đãi./.
 
Bài và ảnh: Phạm Văn Đại


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com