Nam Trực đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp

10:10, 10/10/2015
Nhằm tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế trên mỗi đơn vị diện tích đất canh tác, huyện Nam Trực đã lựa chọn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất thay thế phương thức sản xuất thủ công, lạc hậu vừa lãng phí đất đai, sức lao động mà hiệu quả kinh tế không cao và tạo đà cho sản xuất phát triển. 
 
Để tạo thuận lợi cho hoạt động ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn làm tốt công tác DĐĐT, quy hoạch vùng sản xuất tập trung gắn với xây dựng hạ tầng kỹ thuật vùng sản xuất. Tập trung quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, làm tốt khâu lựa chọn, xây dựng cơ cấu giống, điều hành chặt chẽ lịch thời vụ để có thể triển khai đồng loạt những ứng dụng mới trong sản xuất như cấy lúa cùng giống, cùng trà, cùng phương thức canh tác để tạo điều kiện thực hiện cơ giới hóa. Đến nay, huyện đã khắc phục được tình trạng ruộng đất manh mún với tỷ lệ bình quân 1,75 thửa/hộ; bước đầu hình thành các vùng chuyên canh sản xuất giống lúa và trồng cây vụ đông xuất khẩu; xây dựng được trên 36 cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 1.184ha; vận động nhân dân hiến đất để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công trình phúc lợi công cộng phục vụ sản xuất và hoàn thành nhiều công trình thuỷ lợi phục vụ sản xuất. Có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng và đổi mới phương pháp điều hành sản xuất, huyện tập trung huy động sự vào cuộc của các ngành thành viên và các tổ chức hội, đoàn thể hỗ trợ các xã, thị trấn lựa chọn những tiến bộ KHKT phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương để ứng dụng. Trong đó, Phòng NN và PTNT, Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật huyện là đơn vị nòng cốt trong chuyển giao KHKT nâng cao năng lực tổ chức sản xuất cho nông dân. Trung bình mỗi năm, Phòng NN và PTNT, Trạm Khuyến nông huyện phối hợp với Ban NN các xã, thị trấn tổ chức 40 lớp tập huấn về kỹ thuật thâm canh lúa, cây màu vụ đông, quy trình thâm canh cánh đồng mẫu lớn cũng như kỹ thuật giảm tổn thất sau thu hoạch trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi thuỷ sản cho khoảng 2.000 lượt người tham gia. Đồng thời xây dựng hàng trăm mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất với nhiều hình thức như cấy khảo nghiệm, trình diễn các giống lúa mới; thí điểm gieo cấy bằng kỹ thuật sạ hàng rộng, hàng hẹp, gieo vãi; trồng cây vụ đông trên đất 2 lúa theo phương pháp làm đất tối thiểu phủ rơm rạ; thí điểm sử dụng các loại phân bón, chế phẩm sinh học; chăn nuôi gà, lợn an toàn sinh học và các mô hình cơ giới hóa sản xuất ở các khâu: làm đất, cấy, thu hoạch... Trong đó nhóm các mô hình ứng dụng đưa cơ giới hóa vào hỗ trợ sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao và giải quyết được nhiều khó khăn trong sản xuất như vấn đề thời vụ, thiếu lao động vào thời điểm mùa vụ và nâng cao hiệu quả ngày công lao động trong sản xuất nông nghiệp. Hiện tại nhiều xã thực hiện tốt việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp như: Đồng Sơn, Nam Mỹ, Tân Thịnh, Nam Tiến… HTXDVNN Nam Đồng, xã Đồng Sơn đã thực hiện cơ giới hóa 100% khâu làm đất; sử dụng công cụ sạ hàng trên 60% diện tích, gặt máy đạt 95%; ngoài ra còn đưa máy móc vào các khâu làm cỏ bờ, phun thuốc trừ sâu… Việc cơ giới hóa đồng bộ giúp tăng 5-10% năng suất và giảm chi phí đầu vào từ 3,4-4 triệu đồng/ha/vụ, do đó lợi nhuận thu về cao hơn so với phương thức sản xuất truyền thống từ 5-6 triệu đồng/ha/vụ, ngoài ra còn hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao năng suất, giảm tổn thất sau thu hoạch… nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân. Xã Nam Dương là điển hình tiêu biểu trong việc mạnh dạn ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật, đưa giống cây, con mới vào sản xuất. Trước đây, nông dân xã Nam Dương mỗi năm chỉ cấy 2 vụ lúa nên thu nhập rất thấp. Để nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, Phòng NN và PTNT huyện, Trạm Khuyến nông cùng Ban NN xã và một số hộ nông dân thí điểm đưa cây cà chua, một số loại rau màu khác vào trồng. Vạn sự khởi đầu nan.
 
Nông dân xã Đồng Sơn luôn thực hiện nguyên tắc “4 đúng” trong phun thuốc bảo vệ thực vật.
Nông dân xã Đồng Sơn luôn thực hiện nguyên tắc “4 đúng” trong phun thuốc bảo vệ thực vật.
Khó khăn do người dân chưa có kinh nghiệm thâm canh cây màu, hệ thống thủy lợi chưa phù hợp trong khi đặc điểm đồng đất nơi đây chủ yếu là đất thịt mà cây màu thường ưa đất thịt nhẹ và đất cát pha. Khắc phục khó khăn này, các cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn bà con làm tốt khâu nhân giống trước khi đưa ra ruộng; đào hố sâu ngay đầu ruộng để vừa trữ nước tưới, vừa tiêu thoát khi có mưa ngập úng cho cây trồng và tiết kiệm công tưới nước, chăm bón cây. Với những nỗ lực đó, cây cà chua đã phát triển tốt, cho năng suất cao, thời gian thu hái lâu hơn so với cây trồng trên đồng cát. Từ thành công đó đã khiến cho các hộ dân khác trong xã làm theo, đến nay hầu hết nông dân trong xã đều tham gia sản xuất cây vụ đông… Không dừng lại ở cây cà chua, người dân đã tích lũy kinh nghiệm, đưa thêm các giống cây khác có hiệu quả kinh tế cao, được người tiêu dùng ưa chuộng vào trồng như bí xanh, dưa hấu, khoai tây… vào canh tác. Đến nay, người dân Nam Dương đã thành thục kỹ thuật canh tác cây màu và có thể trồng xen canh quanh năm với hệ số sử dụng đất quay vòng từ 4-7 vụ/năm. Ngoài điển hình Nam Dương, các xã Nam Giang, Nam Hùng, Nam Hoa… cũng áp dụng các công thức luân canh, xen canh khoa học để tăng hệ số sử dụng đất mà vẫn đảm bảo quá trình tái tạo, bổ sung chất hữu cơ cho đất để nuôi cây. Cùng với những mô hình ứng dụng tiến bộ KHKT mới trong trồng trọt, Phòng NN và PTNT huyện hướng dẫn các hộ dân thực hiện chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn sinh học; sử dụng đệm lót sinh thái trong chăn nuôi lợn và đưa nhiều loại con giống mới như chim bồ câu Pháp, ếch Thái Lan, cá lăng chấm, cá rô phi đơn tính đực, dế mèn, giun quế, gà siêu trứng Ai Cập… vào nuôi thử nghiệm. Hiện tại, bộ giống lúa của huyện chủ yếu là các giống lúa thuần và lúa lai chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn và khả năng thích nghi cao, chống chịu sâu bệnh tốt. Giống lúa Bắc Thơm kháng bạc lá đã được đưa vào trồng đại trà, khắc phục tối đa tình trạng bệnh bạc lá làm giảm năng suất, chất lượng. 60-65% diện tích cấy lúa mùa sớm và mùa trung được sử dụng trồng cây vụ đông hàng hóa, huyện là một trong những địa phương dẫn đầu của tỉnh về diện tích cũng như sản lượng sản xuất cây vụ đông. Đến nay, toàn huyện đã đảm bảo cơ giới hóa ở tất cả các khâu từ làm thuỷ lợi nội đồng, làm đất, gieo cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, chế biến và bảo quản nông sản, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả lao động và đảm bảo thời vụ.
 
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, phấn đấu đạt mức tăng trưởng giá trị sản xuất 4%/năm; giá trị thu nhập trên ha đất canh tác 130 triệu đồng, huyện Nam Trực tiếp tục tranh thủ mọi nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Trong đó tập trung ưu tiên thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng chuyên canh, vùng trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, tạo điều kiện thuận lợi để ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Tăng cường phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh sản xuất giống, vật tư nông nghiệp tổ chức tập huấn, chuyển giao các tiến bộ KHKT về thâm canh lúa, trồng cây vụ đông, chăn nuôi, nuôi thuỷ sản; cung ứng nguồn giống và vật tư bảo đảm chất lượng cho sản xuất./.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com