Mỹ Lộc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm địa phương

07:10, 29/10/2015
Là địa bàn cửa ngõ phía tây của tỉnh với nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, CN-TTCN và dịch vụ nên Huyện uỷ, UBND huyện Mỹ Lộc đã định hướng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào từng lĩnh vực chuyên môn để nâng cao hiệu quả sản xuất và tạo ra những sản phẩm chủ lực mang tính cạnh tranh cao. Trong đó 3 mũi nhọn được ưu tiên đó là ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để nâng cao hiệu quả công việc gắn với cải cách hành chính trong hoạt động của cơ quan Đảng, chính quyền; ứng dụng công nghệ mới nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề TTCN và xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng.
Chuẩn bị sản xuất rau theo mô hình công nghệ cao trong trang trại của anh Trần Trọng Việt, xã Mỹ Thắng.
Chuẩn bị sản xuất rau theo mô hình công nghệ cao trong trang trại của anh Trần Trọng Việt, xã Mỹ Thắng.
Từ định hướng cơ bản đó, huyện đã thực hiện đồng bộ việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực CNTT và khuyến khích các cơ quan, đơn vị tích cực sử dụng các phần mềm chuyên ngành vào giải quyết công việc chuyên môn. UBND huyện đã xây dựng Cổng thông tin điện tử của huyện nhằm cung cấp kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các thủ tục hành chính trong giải quyết các lĩnh vực công việc của các cơ quan Nhà nước; lịch làm việc, tiếp công dân của UBND huyện; thông tin về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của huyện giúp người dân và doanh nghiệp tra cứu, tìm hiểu thông tin chủ động kế hoạch trước khi đến giao dịch hành chính. Các đơn vị: Phòng GD và ĐT, Phòng Tư pháp, Phòng Tài chính, Chi cục Thuế, Phòng giao dịch của các ngân hàng, kho bạc... đều đã kết nối mạng internet và ứng dụng các phần mềm chuyên ngành phục vụ công việc. Đặc biệt huyện Mỹ Lộc đã ứng dụng thành công phần mềm quản lý hộ tịch và phần mềm hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), góp phần giải quyết công việc ở địa phương. Đây là 2 phần mềm có diện phổ cập rộng, tạo hiệu quả cao trong giải quyết các vấn đề trực tiếp liên quan đến người dân. Trong đó, phần mềm hỗ trợ GPMB do Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN (Sở KH và CN) hỗ trợ thực hiện đã phát huy hiệu quả tích cực trong công tác GPMB của huyện. Với các dữ liệu thông tin về: đặc điểm dự án công trình thực hiện; danh sách chi tiết hộ dân trong vùng ảnh hưởng; các chính sách hỗ trợ đền bù thu hồi đất, tài sản, vật kiến trúc trên đất và chính sách hỗ trợ đối với các hộ dân phải di dời,… phần mềm hỗ trợ GPMB đã giúp Ban quản lý GPMB của huyện quản lý chặt chẽ tiến độ, kết quả công tác GPMB cũng như giải quyết các vấn đề phát sinh theo quy định của pháp luật cho người dân; giảm áp lực công việc cho cán bộ, tiết kiệm thời gian và bảo đảm tính chính xác, thuận tiện cho công tác quản lý lưu trữ, sao lục hồ sơ về sau. Đây là tiền đề quan trọng để huyện triển khai đúng tiến độ các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Cùng với thành công trong ứng dụng CNTT ở các cơ quan hành chính Nhà nước, với sự hỗ trợ của Sở KH và CN, huyện Mỹ Lộc đã xây dựng thành công mô hình cung cấp thông tin KHCN cấp xã giúp người dân tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật mới và ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao thu nhập. Từ chương trình này đã có nhiều mô hình kinh tế mới ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đồng đất từng địa phương; xây dựng mô hình trồng trọt, chăn nuôi sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng các loại phân bón đa dinh dưỡng cho cây trồng… Bước đột phá trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp của Mỹ Lộc thời gian qua là đã khuyến khích được các đơn vị, cá nhân đầu tư xây dựng mô hình sản xuất tiên tiến. Tiêu biểu như mô hình chăn nuôi gà, lợn công nghệ cao; nuôi cá trắm đen quy mô công nghiệp sử dụng thức ăn tự nhiên vừa đảm bảo chất lượng, vừa đảm bảo năng suất; trồng rau màu công nghệ cao và nuôi cá lồng trên sông Hồng… Trong đó mô hình trồng hoa, rau củ, quả theo công nghệ Ít-xra-en mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình do anh Trần Trọng Việt, xã Mỹ Thắng, đầu tư xây dựng trên quy mô gần 6.000m2 dọc theo triền sông Châu Giang. Với hệ thống nhà lưới được trang bị đầy đủ thiết bị điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ, nước tưới và chế độ dinh dưỡng đã góp phần và hạn chế sự thâm nhập của các loài côn trùng không mong muốn cũng như quản lý tốt hơn về dịch bệnh. Hiện tại trang trại của anh cung ứng ra thị trường hàng chục loại rau, củ quả, nấm tươi chất lượng cao với mức thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm. Trong sản xuất CN-TTCN, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, khắc phục nguy cơ ô nhiễm môi trường cũng được huyện tích cực chỉ đạo. Trong đó làng nghề may mặc xã Mỹ Thắng đã ứng dụng công nghệ cao trong chế biến sản xuất bông, vải, sợi, quần áo thời trang, ga, gối, rèm mành và chăn bông, đệm mút cao cấp. Một số cơ sở sản xuất sản phẩm nhựa tại xã Mỹ Hưng đã ứng dụng công nghệ xử lý khói bụi hạn chế tối đa nguy cơ ô nhiễm môi trường trong quá trình nấu nhựa, ép khuôn sản phẩm. Các làng nghề chế biến gỗ, tre nứa ghép đều sử dụng tối đa máy móc hỗ trợ sản xuất và ngâm tẩm nguyên liệu theo công thức hoá sinh tránh ô nhiễm môi trường nước.
 
Hiệu quả ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào giải quyết công việc chuyên môn và sản xuất đã góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện 5 năm vừa qua đạt 13,4%/ năm. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thời gian tới, huyện Mỹ Lộc tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức vai trò khoa học kỹ thuật trong đời sống, lao động, sản xuất; tiếp tục mở rộng phạm vi ứng dụng sang các lĩnh vực giáo dục, y tế, đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất./.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com