Làng tỷ phú bên dòng Ninh Cơ

08:10, 30/10/2015

Nếu lần đầu tiên về làng Phú An, Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) chắc hẳn nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước diện mạo trù phú nơi đây. Nhà cao tầng, biệt thự hiện đại mái vòm, mái cong, đủ kiểu kiến trúc Âu, Á với trị giá từ vài tỷ, thậm chí cả trăm tỷ đồng mọc lên san sát. Nhưng đó mới là một phần nổi, phần lớn của cải của người làng Phú An là gần 400 phương tiện vận tải có tải trọng từ 1.000-5.500 tấn (trị giá hàng trăm tỷ đồng) đang xuôi ngược trên khắp các dòng sông, vùng biển, thậm chí cả vùng biển quốc tế… Có tận mục sở thị mới thấy, làng Phú An không hổ danh là “làng tỷ phú”.

Từ vài chiếc thuyền “vo”…

Nằm bên dòng Ninh Cơ, làng Phú An xưa gồm 4 xóm (nay là tổ dân phố): Phú Thọ, Nam An, Liên Phú (hữu ngạn) và Phú Cường (tả ngạn). Trăm năm trước, người dân làng Phú An chỉ có nghề chính là sản xuất nông nghiệp. Cả làng chỉ có 2-3 chiếc thuyền “vo” (thuyền gỗ, dùng buồm cánh vuông và các loại: chèo tay, sào tre để chống, đẩy) của những hộ có chức sắc trong xã. Thuyền nhỏ, tải trọng tối đa chỉ khoảng 5 tấn, chuyên chở nông sản, giao thương với các tỉnh lân cận và mang các đặc sản, đồ dùng sinh hoạt (đồ gốm, muối, tơ lụa…) ở nơi đó về cung ứng cho nhân dân địa phương. Loại thuyền này những khi ngược dòng nước, ngược gió hoặc gặp khúc sông “nghịch” (nông, nhiều gò, bãi) thì phải dùng sức người kéo thuyền dọc bờ sông nên mỗi thuyền thường xuyên phải có từ 4-5 thanh niên khỏe mạnh. Trước mùa thu Tháng Tám lịch sử năm 1945, thuyền buôn của cụ xã Thành, làng Phú An, đã có tiếng khắp trong vùng, chuyên chở gạo tám lên bán ở Thủ đô và chở đồ gốm về. Đến thập kỷ 60 của thế kỷ trước, cả làng Phú An cũng chỉ có 3-4 thuyền “vo” tải trọng đến 20 tấn của các cụ Quất, cụ Nga ở xóm Nam An, cụ Tâm ở xóm Liên Phú chuyên chở đá hộc từ Ninh Bình, Thanh Hóa ra kè sông. Mỗi thuyền dù tải trọng đã được nâng lên nhưng vẫn cần 4-5 lao động thường xuyên để kéo thuyền. Rồi khi các HTX: Mùa Xuân (TP Nam Định), Sông Ninh, xã Trực Cát (Trực Ninh) được thành lập, tất cả các thuyền và hơn 30 lao động lành nghề của làng Phú An đều vào HTX làm ăn tập thể. Những năm 1971-1972, cả làng Phú An có 4 thuyền tham gia vận tải lương thực, thực phẩm và các loại nhu yếu phẩm vào Thanh Hóa để chi viện cho chiến trường miền Nam. Đến khi đất nước hoàn toàn thống nhất, những chiếc thuyền “vo” cũ kỹ mới được thay thế bằng thuyền vỏ sắt, tôn đóng tại huyện Nghĩa Hưng, Xuân Trường và Thành phố Nam Định lắp máy (loại 15-20CV), tải trọng của các thuyền đã được nâng lên đến 40-50 tấn. Nhờ có máy móc hỗ trợ, sức lao động được giải phóng, hiệu quả kinh tế và năng suất lao động được nâng lên, đội thuyền và hàng chục lao động của làng Phú An tự hào đã đóng góp công sức vào công cuộc tái thiết quê hương, đất nước sau chiến tranh. Đến những năm 1990 của thế kỷ trước, mô hình HTX kiểu cũ hoàn thành sứ mệnh lịch sử và giải thể. Các xã viên HTX được chia cổ phần bằng tiền và phương tiện. Thời điểm này, làng Phú An có đến 10 tàu sông tải trọng từ 70-150 tấn của các chủ tàu tư nhân. Cũng từ thời điểm này, nghề vận tải pha sông biển của dân làng Phú An phát triển sang bước mới.

Một góc làng Phú An, Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh).
Một góc làng Phú An, Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh).

Đến làng tỷ phú

Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường là “đòn bẩy” quan trọng cho nghề vận tải thủy của làng Phú An phát triển mạnh. Nhiều chủ tàu và người làng Phú An đã tận dụng tốt ưu thế kinh nghiệm và nhanh chóng thích nghi với cơ chế làm ăn mới. Các luồng hàng truyền thống được tiếp tục khai thác với những chuyến tàu vận tải từ cảng Hải Phòng chở các loại vật tư nông nghiệp (phân bón, giống), lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng (quần áo, đồ điện tử)… về phân phối trong tỉnh và cả các tỉnh trong vùng. Nhận thấy cơ hội phát triển từ hướng làm ăn mới, lại thêm ngành vận tải thủy có nhiều ưu thế so với vận tải bộ (lượng hàng hóa lớn, an toàn, hiệu quả kinh tế cao), nhu cầu giao thương hàng hóa trong tỉnh, trong vùng và cả nước ngày một phát triển, nhiều hộ trong làng Phú An đã mạnh dạn huy động mọi nguồn lực đầu tư đóng mới các tàu vận tải có tải trọng lên đến 700 tấn để đáp ứng nhu cầu của chủ hàng. Tàu lớn được đóng ở các địa phương trong tỉnh như: Xuân Trường, Thành phố Nam Định và cả ở Thành phố Hải Phòng. Những năm đầu thế kỷ 21, cả làng Phú An đã có đến 40 tàu vận tải, mỗi tàu tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho 8-10 lao động. Đội tàu vận tải của làng Phú An đã có mặt trên khắp các dòng sông nội địa từ Bắc vào Nam. Thời gian vận chuyển mỗi chuyến hàng đã lên đến hàng tháng, thậm chí vài tháng mới hoàn thành. Người đi trước dìu dắt người đi sau, từ năm 2000 đến nay, đội tàu của làng Phú An ngày càng nhiều lên, hiện tại đã có khoảng 400 phương tiện các loại; trong đó đội tàu vận tải biển (tải trọng từ 2.000-5.500 tấn) khoảng 70 chiếc, còn lại là tàu sông (tải trọng tối đa đến 1.500 tấn). Có khoảng 200 phương tiện vận tải thủy chở công-ten-nơ chuyên tuyến Hải Phòng - Quảng Ninh. Đồng chí Đỗ Văn Đốc, Phó Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: Thời điểm năm 2007, làng Phú An đã có các ông: Trần Văn Hiệp, Phạm Văn Thạch, Trần Văn Dĩnh đầu tư 20-70 tỷ đồng đóng tàu vận tải lớn có tải trọng từ 2.000-5.500 tấn để tham gia thị trường vận tải biển xuyên quốc gia. Toàn thị trấn hiện có 60 doanh nghiệp thì có 47 doanh nghiệp vận tải thủy, nhiều doanh nghiệp đã có doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm như: Cty TNHH Thương mại Gia Bảo đạt doanh thu 82,2 tỷ đồng; Cty TNHH Vận tải và Thương mại Đại Lục và Cty CP Minh Trường đạt doanh thu trên 34 tỷ đồng. Ước tính, nghề vận tải biển của làng Phú An tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 1.000 lao động, trong đó có đến 60% là người địa phương với mức thu nhập từ 5-30 triệu đồng/người/tháng. Từ 1-2 con tàu ban đầu, nhiều hộ đã phát triển cả đội tàu như ông Trần Văn Dĩnh đã có đội tàu vận tải biển lên đến 30 chiếc; ông Trần Văn Thạch có đội tàu vận tải biển 15 chiếc; khoảng chục hộ có từ 3-4 tàu vận tải pha sông biển. Cùng với nghề vận tải biển phát triển, 4 hộ các ông Ninh Văn Tiên, xóm Liên Phú; Phạm Văn Thạch, Trần Văn Hiệp, Trần Văn Dĩnh đều ở xóm Phú Thọ đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng thành lập doanh nghiệp đóng mới các phương tiện vận tải thủy tại CCN Cát Thành với tổng diện tích 8ha. Mặc dù cũng bị ảnh hưởng bởi “cơn bão” suy thoái của ngành đóng tàu giai đoạn 2008-2009 nhưng với đội tàu vận tải đông đảo, các doanh nghiệp đóng tàu trong CCN đã cầm cự và vượt qua khủng hoảng bằng hoạt động sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện cho chính đội tàu của địa phương.

Theo ước tính chưa đầy đủ của UBND thị trấn, mỗi chuyến tàu sông sau khi trừ chi phí (dầu, thực phẩm, trả lương, khấu hao) cho thu nhập thực tế khoảng 100 triệu đồng/tháng; còn tàu biển mỗi tháng có thu nhập thực tế từ 500-600 triệu đồng/tháng. Mỗi tàu vận tải biển cần tối thiểu 12 lao động thường xuyên; mỗi tàu sông cần tối thiểu 4-5 lao động thường xuyên. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi ở làng tỷ phú Phú An có tổng số 650 hộ thì có đến 60% số hộ xây được biệt thự, nhà cao tầng trị giá thấp nhất từ 2 tỷ đồng. Thậm chí các loại biệt thự lớn, thiết kế cầu kỳ theo phong cách kiến trúc lâu đài châu Âu với mức đầu tư đến trăm tỷ đồng cũng có gần chục căn. Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, các hộ làm nghề vận tải biển của làng Phú An đã góp phần quan trọng nâng mức bình quân thu nhập đầu người của Thị trấn Cát Thành năm 2015 ước đạt trên 33 triệu đồng/người/năm./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com