Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, những năm gần đây, nông dân Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) đã mạnh dạn đưa cây màu vào trồng trên nền đất lúa, bước đầu hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung, tăng thu nhập cho kinh tế hộ gia đình và tạo ra việc làm tại chỗ cho nhiều người lao động.
|
Nông dân đội 3, Thị trấn Quỹ Nhất chăm sóc cây cà chua trồng trên đất lúa. |
Sau dồn điền đổi thửa, Thị trấn Quỹ Nhất đã quy hoạch được các vùng sản xuất chuyên canh như: vùng vụ đông, vùng lúa cao sản, vùng bảo đảm an ninh lương thực để từ đó có kế hoạch phát triển phù hợp với điều kiện của địa phương và mục tiêu sản xuất nông nghiệp hàng hóa một cách hiệu quả, bền vững. Cùng với việc dồn điền đổi thửa, thị trấn kết hợp củng cố hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng với chỉnh trang đồng ruộng. Nhằm tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất canh tác, nâng cao thu nhập cho nông dân, từ năm 2012 đến nay, Đảng ủy, UBND Thị trấn Quỹ Nhất tập trung chỉ đạo nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ sản xuất, đặc biệt là chuyển đổi từ diện tích đất 2 vụ lúa kém hiệu quả sang trồng màu. Ban Nông nghiệp xã, HTXDVNN đã khoanh vùng, tổ chức điều tiết nước định kỳ, chuẩn bị đầy đủ vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất. Đồng thời phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm BVTV huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật thâm canh cây trồng; mở hội nghị đầu bờ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ cây trồng, áp dụng và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để đạt được kết quả cao. Các đoàn thể chính trị, xã hội, đặc biệt là Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đã tập trung tuyên truyền cho hội viên, đoàn viên về hiệu quả kinh tế trong chuyển đổi, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Thường xuyên tuyên truyền các chủ trương, biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh; kiểm tra đồng ruộng để hướng dẫn cho nông dân. Các chi bộ, trưởng các khu phố tổ chức quán triệt nghị quyết của BCH Đảng bộ, triển khai kế hoạch sản xuất theo từng vùng sản xuất cho người dân trong các cuộc họp khu dân cư. Bên cạnh đó, thị trấn thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp để khảo nghiệm, nhân rộng các mô hình giống, phân bón cho năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với địa phương. Ban quản trị HTXDVNN thành lập tổ thu gom tiêu thụ nông sản cho nông dân. Đặc biệt ở Quỹ Nhất có bến xe nên rất thuận tiện cho việc vận chuyển và tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Do vậy, việc chuyển đổi những diện tích đất 2 lúa kém hiệu quả sang trồng 3 vụ màu được Quỹ Nhất thực hiện một cách khoa học, chắc chắn, không ồ ạt phong trào, bảo đảm đúng những vùng được quy hoạch nên không làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa và bảo đảm an ninh lương thực. Những diện tích chuyển đổi này được các hộ nông dân thực hiện trồng luân canh, xen canh các loại cây trồng thích hợp với từng mùa vụ. Đến nay, Thị trấn Quỹ Nhất đã chuyển đổi được 53ha đất 2 lúa sang trồng 3 vụ màu, tập trung vào các loại cây chủ lực, dễ trồng, có thị trường tiêu thụ ổn định và có hiệu quả kinh tế cao như: cà chua, bí xanh, bí đỏ, rau màu các loại. Theo tính toán của các hộ nông dân nơi đây, mỗi sào bí xanh, bí đỏ năng suất đạt từ 750-800kg, giá bán tại ruộng 5.500-6.000 đồng/kg, bình quân thu nhập được 4,5 triệu đồng/sào; rau cải bắp bán tại ruộng 6.000-7.000 đồng/cây, bình quân đạt 4,5 triệu đồng/sào… Nổi bật về hiệu quả kinh tế là cây cà chua, được các hộ nông dân Quỹ Nhất trồng bằng các giống Thành Nông 005, SG89, New Magic, Tiền Phong số 2 cho năng suất đạt 1,7-2,2 tấn, giá bán 5.000-5.500 đồng/kg, bình quân thu từ 8-10 triệu đồng/sào; có thời điểm giá bán cao từ 9.000-13.000 đồng/kg, thu trên 20 triệu đồng/sào. Bình quân 1 sào chuyển đổi từ đất lúa sang trồng 3 vụ màu mỗi năm thu nhập từ 10-13 triệu đồng; tương đương 270-291 triệu đồng/ha/năm. Nhiều hộ thu nhập 90-100 triệu đồng/vụ, tập trung ở các đội sản xuất số 3, 4, 5, 8 như hộ các ông: Trần Thế Phiệt, Nguyễn Văn Hợi, Phạm Văn Hải, Nguyễn Văn Hoành… Ông Phạm Văn Phong, đội 8, cho biết: Việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu là hướng thay đổi tích cực, phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế tại địa phương. Cách làm này đã cơ bản khắc phục được tình trạng mất mùa, mất giá, nâng cao thu nhập kinh tế và cuộc sống nông dân. Gia đình tôi có 9 sào chuyển sang trồng màu. Vụ đông và vụ xuân trồng cà chua, bí xanh; vụ hè thu trồng ngô và đậu tương. Mỗi năm gia đình tôi thu nhập trên dưới 100 triệu đồng từ trồng màu, cao hơn 3 lần so với cấy lúa. Nói về kinh nghiệm để thành công trong công tác chuyển đổi cây trồng trên đất lúa ở Quỹ Nhất lãnh đạo thị trấn cho biết, các chủ trương đúng đắn và kịp thời được triển khai với các biện pháp cụ thể, đồng bộ tạo điều kiện cho công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt được những kết quả nhất định. Công tác quy hoạch bảo đảm chi tiết, cụ thể cho từng cánh đồng, gắn với quy hoạch sản xuất theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng được xây dựng cụ thể, trong đó từng chân đất khuyến cáo mô hình canh tác phù hợp, cả điều kiện canh tác với thị trường tiêu thụ. Ưu tiên mở rộng những mô hình canh tác các cây trồng có đầu ra ổn định như: cà chua, bí xanh, bí đỏ, ngô, đậu tương... Gắn kết chặt chẽ “4 nhà”, trong đó mối liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân là rất quan trọng, giúp giảm bớt các khâu trung gian trong chuỗi giá trị sản phẩm nông sản, nâng cao giá trị gia tăng và sản xuất bền vững hơn. Từ thực tế và kinh nghiệm triển khai, Quỹ Nhất cũng xác định: các mô hình chuyển đổi phải tập trung thực hiện các mục tiêu của tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; gắn chặt với thị trường, lấy các yêu cầu của thị trường và từng bước tạo ra mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp với nông dân, giữa sản xuất với tiêu thụ nông sản. Các mô hình phải đáp ứng yêu cầu nâng cao thu nhập cho nhân dân, tạo ra việc làm tại chỗ có thu nhập cao, góp phần ổn định chính trị - xã hội.
Hiệu quả của việc chuyển đổi trồng cây màu trên đất lúa ở Quỹ Nhất đã nâng giá trị sản xuất cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa trên cùng đơn vị diện tích canh tác; đưa Quỹ Nhất trở thành điểm sáng của tỉnh trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa./.
Bài và ảnh:
Ngọc Ánh