Hội Nông dân xã Nam Hồng hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế

08:10, 12/10/2015
Hội Nông dân xã Nam Hồng (Nam Trực) có 21 chi hội với 1.800 hộ hội viên; chiếm trên 90% hộ nông nghiệp, trong đó có những hộ gia đình có đến 2 hoặc 3 hội viên. Trong những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã được hội viên nông dân tích cực hưởng ứng. Bằng nhiều hoạt động thiết thực, HND xã đã tích cực vận động hội viên xây dựng các mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên. 
Được sự hỗ trợ của HND xã, gia đình anh Đặng Ngọc Sáng, xóm Hồng Đoàn, xã Nam Hồng đã được đấu thầu diện tích đất thùng đào, ao đấu để phát triển kinh tế trang trại.
Được sự hỗ trợ của HND xã, gia đình anh Đặng Ngọc Sáng, xóm Hồng Đoàn, xã Nam Hồng đã được đấu thầu diện tích đất thùng đào, ao đấu để phát triển kinh tế trang trại.
Hộ gia đình anh Trần Đắc Đằng, chị Phan Thị Thơ, xóm Hồng Long được chính quyền địa phương tạo điều kiện về mặt bằng và sự hỗ trợ về vốn của HND xã, từ năm 2007, gia đình anh chị đã tập trung nguồn vốn, vay thêm 100 triệu đồng từ Ngân hàng NN và PTNT để xây dựng trang trại với quy mô trên 400m2 để chăn nuôi 50 lợn nái, trên 150 con lợn thịt/lứa và đào 2 sào ao nuôi cá truyền thống. Theo chị Thơ, từ đầu năm đến nay, gia đình chị đã xuất bán 2 lứa lợn thịt với tổng sản lượng trên 200 tấn. Với giá bình quân 46 nghìn đồng/kg, năm 2015, gia đình chị đã có doanh thu gần 1 tỷ đồng. Để chăn nuôi đạt hiệu quả và an toàn vệ sinh môi trường, không để dịch bệnh xảy ra, hằng năm, chị thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi gia súc, gia cầm do HND xã phối hợp tổ chức. Hộ gia đình anh Đặng Ngọc Sáng, hội viên nông dân xóm Hồng Đoàn cũng là một điển hình trong phong trào SXKD giỏi. Gia đình anh có 5 anh em, hoàn cảnh khó khăn, sau thời gian bôn ba tìm kiếm việc làm ở thành phố nhưng thu nhập chẳng được bao nhiêu, năm 1998, anh quyết định về quê để phát triển kinh tế. Được sự hỗ trợ của HND xã và tạo điều kiện của chính quyền địa phương, gia đình anh đã nhận trên 6.200m 2 khu đất hoang, thùng đào, ao đấu gần chân đê Quy Phú để phát triển chăn nuôi gà, vịt và lợn thịt. Làm ăn có hiệu quả, anh vay thêm vốn từ Ngân hàng NN và PTNT để mở rộng quy mô chăn nuôi. Đến nay, gia đình anh đã phát triển đàn vịt lên gần 2.000 con vịt siêu trứng và 100 con lợn thịt, 10 con lợn nái. Bình quân mỗi ngày, gia đình anh thu từ 1.600 đến 1.800 quả trứng, vừa bán trứng tươi, vừa để ấp trứng lộn, anh đã đầu tư 3 lò ấp để ấp trứng lộn và ấp giống gà siêu trứng. Ngoài ra, anh còn đầu tư 2 máy gặt, 1 máy cày (bình quân 1 vụ gặt trên 100 mẫu với giá 130-140 nghìn đồng/sào), mỗi vụ, gia đình anh có thêm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Nhờ chăn nuôi hiệu quả, năng động trong tiếp cận thị trường nên doanh thu hằng năm của gia đình anh đạt từ 1,2-1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, ở xã Nam Hồng còn có hộ anh Trần Bá Ngôn, anh Trần Bá Thắng, xóm Hồng Long cũng phát triển chăn nuôi lợn với số lượng từ 15-20 lợn nái, lợn thịt nuôi từ 70-80 con/lứa, mỗi năm xuất 3-4 lứa lợn thịt. Hoặc gia đình anh Phạm Đình Bao, Phạm Hữu Cường, xóm Hồng Đoàn nuôi cá truyền thống, chăn nuôi lợn thịt… bình quân thu nhập mỗi năm từ 120-150 triệu đồng/hộ. Không chỉ làm giàu cho gia đình, các mô hình SXKD giỏi ở địa phương còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động, giúp đỡ các hộ nghèo về vốn và kinh nghiệm sản xuất.
 
Đồng chí Nguyễn Văn Khu, Chủ tịch HND xã cho biết, để phong trào phát triển bền vững, HND xã đã vận động hội viên tích cực dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế và tính cạnh tranh cao. Trong đó, trọng tâm là khai thác tiềm năng đất đai, sử dụng hiệu quả nguồn vốn để xây dựng nhiều mô hình SXKD hiệu quả. Phong trào nông dân SXKD giỏi ngày càng có sức lan tỏa và thu hút đông đảo hội viên tham gia. Không chỉ mang lại lợi ích thiết thực trong phát triển kinh tế, phong trào còn đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng NTM, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân. Để hội viên yên tâm sản xuất và tạo động lực nhân rộng các mô hình kinh tế, HND xã đã đứng ra nhận ủy thác và tín chấp với các ngân hàng để tạo điều kiện cho nông dân vay vốn. Đến hết tháng 9-2015, toàn xã đã nhận ủy thác và tín chấp với các ngân hàng cho gần 1.100 hộ vay với tổng dư nợ trên 43 tỷ đồng, trong đó, trên 14 tỷ đồng từ Ngân hàng CSXH, trên 29 tỷ đồng từ Ngân hàng NN và PTNT. Cùng với việc hỗ trợ hội viên về nguồn vốn sản xuất, công tác đào tạo nghề cũng được Hội chú trọng. Trong năm 2015, HND xã đã phối hợp với các ban, ngành chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn và 2 lớp dạy nghề cho hội viên nông dân trong xã. Đồng thời, phối hợp với các Cty, HTXDVNN tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân về việc sử dụng chế phẩm E.T trong chăn nuôi, chế phẩm sinh học A2-AIG trong chăm sóc cây lúa, cây rau màu… Từ đó nông dân đã tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới và một số loại thuốc bảo vệ thực vật vào sản xuất, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Trung bình mỗi năm HND xã hỗ trợ 5 đến 7 hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo. Phong trào thi đua “Nông dân SXKD giỏi” trở thành động lực, góp phần xây dựng tổ chức HND vững mạnh. Nhiều năm liền, HND xã Nam Hồng là đơn vị dẫn đầu phong trào nông dân của huyện Nam Trực./.
 
Bài và ảnh: Thanh Tuấn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com