"Giữ lửa" cho làng nghề

08:10, 16/10/2015

Làng nghề đúc đồng Tống Xá, xã Yên Xá (Ý Yên) hiện có 98 Cty, doanh nghiệp và cơ sở đúc cùng trên 250 cửa hàng lớn nhỏ. Không chỉ giữ nghề cho mình, các “nghệ nhân” ở làng nghề đúc đồng Tống Xá, xã Yên Xá (Ý Yên) còn nỗ lực truyền nghề, truyền ngọn lửa đam mê cho thế hệ trẻ.

Nằm cách Thành phố Nam Định khoảng 20km, làng Tống Xá được coi là một trong những cái nôi lớn của nghề đúc đồng truyền thống với lịch sử phát triển gần 900 năm. Các nghệ nhân đúc Tống Xá tài hoa đã tạo ra nhiều sản phẩm tinh xảo có mặt khắp cả nước. Thuở xưa, làng Tống Xá chỉ đúc những mặt hàng đơn giản như đồ thờ cúng, đỉnh đồng, lư hương. Ngày nay, sản phẩm của làng nghề ngày càng đa dạng với những bức tượng Phật, danh nhân, lãnh tụ dân tộc. Đặc biệt, phải kể đến những công trình lớn tầm cỡ quốc gia, như tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, tượng đài Bác Hồ tại nhà lưu niệm huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên; tượng cố Tổng Bí thư Lê Duẩn tại Nhà Lưu niệm tỉnh Quảng Trị, tượng Vua Lý Thái Tổ (Hà Nội); tượng Quốc mẫu Âu Cơ và các vị Lạc tướng, Lạc hầu tại Khu di tích Đền Hùng (Phú Thọ), tượng 14 vị vua thời Trần đặt tại quần thể Di tích Lịch sử - Văn hóa Đền Trần (Nam Định), tượng Phật tổ Như Lai bằng đồng đúc liền khối tại núi Non Nước (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), tượng Tam thế Phật tổ Như Lai chùa Bái Đính (Ninh Bình)... Theo ông Nguyễn Văn Khanh, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí đúc Ý Yên, làng nghề Tống Xá hiện có 98 Cty và cơ sở sản xuất với gần 2.000 công nhân, hoạt động trong lĩnh vực đúc các sản phẩm bằng thép, gang, nhôm và đồng. Các cơ sở sản xuất tập trung chủ yếu ở CCN Yên Xá, thị trường tiêu thụ của làng nghề Tống Xá trải dài từ Bắc đến Nam. Tháng Chạp hằng năm là mùa làm ăn chính của cả làng với doanh thu thường gấp 2-3 lần trung bình các tháng khác. Hiện nay, 100% cơ sở đúc trong làng đều nổi lửa suốt ngày đêm để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân dịp cuối năm.

Cty TNHH Sản xuất và thương mại Chiến Thắng, xã Yên Xá (Ý Yên) tạo việc làm cho 40 lao động với mức thu nhập 4-6,5 triệu đồng/người/tháng.
Cty TNHH Sản xuất và thương mại Chiến Thắng, xã Yên Xá (Ý Yên) tạo việc làm cho 40 lao động với mức thu nhập 4-6,5 triệu đồng/người/tháng.

Nằm sâu trong ngõ nhỏ là xưởng sản xuất của anh Trần Văn Toàn. Trong xưởng, người nhào đất, người đắp khuôn, người vẽ hoa văn, tiếng máy mài, tiếng đánh thẩm âm khuấy động cả vùng. Sinh năm 1982, anh Toàn là một trong những nghệ nhân đúc đồng trẻ tuổi nhất xã. Cơ sở của anh Toàn sản xuất nhiều loại sản phẩm khác nhau như trống đồng, đồ thờ, đồ gia dụng… với doanh thu từ 2,5-3 tỷ đồng/năm. Hiện xưởng đúc đồng của anh đang tạo việc làm cho 15 lao động với mức lương bình quân 4,5 triệu đồng/tháng. Anh Đỗ Văn Thuấn, công nhân làm việc tại xưởng của anh Toàn chia sẻ: “Nhà nghèo nên học hết cấp hai, tôi nghỉ học. Không có nghề trong tay đi xin việc ở đâu cũng khó. May mắn tôi được cơ sở anh Toàn nhận dạy nghề. Tôi vừa học nghề, vừa phụ việc đúc đồng trong xưởng. Hiện tôi đang phụ trách công việc đắp khuôn với mức lương 6 triệu đồng/tháng”. Tới thăm Cty TNHH Sản xuất và thương mại Chiến Thắng do chị Nguyễn Thị Tuyết làm giám đốc, ngay từ phía ngoài Cty chúng tôi đã thấy đồ đồng được bày với đủ kiểu dáng, mẫu mã bắt mắt. Xưởng đang đỏ lửa, công nhân hối hả làm việc. Dẫn chúng tôi đi thăm xưởng và giới thiệu tất cả các công đoạn đúc đồng từ tạo mẫu, tạo khuôn… đến hoàn thiện sản phẩm như khảm đồng, làm màu, chị Tuyết cho biết: “Để có thể duy trì sản xuất ổn định, lâu dài, tôi thường xuyên tổ chức dạy nghề tại Cty. Học xong các em có thể làm việc tại Cty”. Hiện Cty của chị Tuyết có 40 lao động (trong đó có 15 lao động địa phương, còn lại là lao động ở các xã khác) với mức lương 4-6 triệu đồng/người/tháng.

Theo đồng chí Dương Doãn Nhưỡng, Chủ tịch UBND xã Yên Xá cho biết: “Đúc đồng là nghề vô cùng vất vả, không phải ai cũng theo được. Nghề đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm và sự kiên nhẫn, tỉ mỉ cùng một tâm hồn tinh tế mới có thể cho ra đời những bức tượng đồng có thần thái từ ánh mắt, cử chỉ, động tác của nhân vật tượng”. Năm 2014, tổng doanh thu của làng nghề đạt gần 1.500 tỷ đồng, chiếm hơn 95% GDP toàn xã. Không chỉ tiêu thụ trong nước, sản phẩm đúc đồng của làng nghề đã xuất sang hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới… Để giúp làng nghề phát triển, UBND xã Yên Xá đã dành hơn 6ha đất quy hoạch thành cụm làng nghề tập trung. Việc làm này đã tạo điều kiện phát triển cho làng nghề, mở rộng quy mô sản xuất, thu hút được nhiều lao động có tay nghề và tránh ô nhiễm môi trường./.

Bài và ảnh: Vũ Hoàng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com