Chuyện các doanh nhân "sinh ra từ làng" ở Mỹ Hưng

09:10, 13/10/2015
Chuyện những nông dân trở thành doanh nhân ở các vùng nông thôn vốn không phải là hiếm. Dù ngành nghề nào hay con đường tới với doanh nghiệp của mỗi người là khác nhau, nhưng ở họ đều có chung những gian khó, bĩ cực của những ngày đầu khởi nghiệp. Những doanh nhân ở làng sản xuất dép nhựa của xã Mỹ Hưng (Mỹ Lộc) cũng vậy. Từ những bước đi chập chững, đến nay, nghề sản xuất dép nhựa ở đây đã đứng vững trên thị trường với hơn chục cơ sở sản xuất với hàng nghìn tấn sản phẩm xuất xưởng mỗi ngày. 
Sản xuất dép nhựa tại xưởng gia đình anh Đặng Thanh Lịch ở xóm 6, xã Mỹ Hưng.
Sản xuất dép nhựa tại xưởng gia đình anh Đặng Thanh Lịch ở xóm 6, xã Mỹ Hưng.
Đến cơ sở sản xuất dép nhựa Hải Yến ven Quốc lộ 21, chủ cơ sở, ông Đặng Đình Chanh bồi hồi nhớ lại ký ức những ngày chưa xa. Thập niên 1980-1990, ở vùng quê thuần nông xã Mỹ Hưng, nhiều người dân tìm đến nghề phụ thu gom phế liệu những lúc nông nhàn để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống vì trồng lúa không thể đủ ăn. Ông Chanh cũng không ngoại lệ. Năm 1994, trong lần đi nhập hàng phế liệu, khi nhìn thấy đống nhựa phế liệu, trong đó phần lớn là dép nhựa hỏng với rất nhiều màu sắc sinh động, ông lân la tìm hiểu. Ông kể: “Lúc đó, qua tìm hiểu tôi được biết, thị trường dép nhựa của nước ta là rất lớn nhưng bị lấn át bởi dép nhựa giá rẻ của Trung Quốc. Giá mỗi đôi dép xốp nhựa từ 7-10 nghìn đồng. Tuy nhiên, do chất lượng kém nên dép Trung Quốc rất nhanh hỏng, nên lượng nhựa thải và nhu cầu thay dép mới của người dân rất nhiều”. Cũng qua chủ vựa phế liệu ông được biết số nhựa này thường được các cơ sở gia công mua về tái chế các sản phẩm tiêu dùng. Tự nhiên, ông nảy ra ý nghĩ tự sản xuất dép từ nguồn nguyên liệu tái chế này. Chắc chắn giá sản phẩm sẽ rẻ hơn của Trung Quốc. Nghĩ rồi ông về bàn với vợ, được bà ủng hộ, vợ chồng ông quyết định đầu tư làm dép. Thời gian đầu, ông vận động cả 3 anh em trong gia đình là Đặng Đình Hưng, Đặng Đình Đại, Đặng Đình Trung cùng hùn vốn tham gia sản xuất dép nhựa. Người lo tìm và thu gom nguồn hàng nguyên liệu, người tìm học hỏi về công nghệ sản xuất cách phân loại nhựa, tạo khuôn dép. Những ngày đầu, chính ông phải đi khắp nơi thu mua nhựa phế liệu. Nhựa thu mua về được vệ sinh sạch sẽ và phân loại. Sau đó, được nghiền nhỏ thành dạng vẩy hay hạt nhựa và mang phơi khô, nấu nung chảy rồi đổ vào các khuôn thép đóng dập thủ công bằng tay. Sản phẩm đầu tiên của gia đình ông chính là loại dép xốp “tổ ong” mô phỏng theo mẫu mã của dép nhựa Tiền Phong sản xuất năm 1986. Sản xuất ra, ông lại phải tự mang hàng đến đổ lẻ cho các tiểu thương ở chợ đầu mối. Ông tâm sự, lắm khi rong ruổi suốt cả ngày trời giữa nắng hè đổ lửa, chỉ mong bán được một bao tải dép xốp. Cũng may giá cạnh tranh được, lại là loại dép khá phổ thông, tiện dụng nên việc bán hàng cũng không khó khăn lắm. Lưng vốn mỏng nên bán hàng tới đâu lại phải dồn vốn quay vòng đầu tư mua phế liệu tới đó. Cũng may, do thị trường tiêu thụ tốt cùng với chữ tín trong công việc nên sản xuất dép nhựa từ gia đình ông dần dần đi vào ổn định. Ông không phải tự đi thu mua phế liệu nữa mà ký hợp đồng thu gom tại nhà, trở thành cơ sở quen thuộc của các điểm thu gom phế liệu trong tỉnh. Số công nhân làm việc tại xưởng tăng lên đến 15 người. Thấy nhu cầu thị trường tăng, ông tính đến việc đổi mới công nghệ, giảm khâu thủ công để tăng năng suất. Ông cất công lặn lội vào tận miền Nam để tìm hiểu công nghệ dây chuyền máy móc sản xuất dép nhựa bằng máy bơm dép xốp bán tự động. Trung bình mỗi dây chuyền có thể sản xuất hơn 3.000 đôi dép/ngày. Ông quyết định nhập dây chuyền mới về làm. Vừa liên tục cập nhật các mẫu mã dép nhựa mới nhất của thị trường ba anh em ông Chanh vừa nghiên cứu sản xuất các loại mẫu mã khác đẹp và bền chắc hơn. Nhờ vậy, công việc sản xuất của gia đình ngày càng mở rộng về quy mô, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng lên. Ông Chanh cũng liên tục đầu tư đổi mới thiết bị hiện đại. Hiện tại, gia đình ông đã đầu tư nâng cấp 10 dây chuyền sản xuất dép nhựa hoàn toàn tự động với mức đầu tư hơn 1,4-1,5 tỷ đồng/máy. Toàn bộ quy trình sản xuất dép nhựa được tự động hóa, sử dụng bảng điều khiển điện tử để điều chỉnh nhiệt độ cũng như ép dập khuôn thành phẩm. Nguyên liệu từ nhựa phế thải được thay thế bằng nhựa hạt nguyên chất, thân thiện với môi trường. Trung bình mỗi ngày gia đình ông xuất bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 2.000 tấn sản phẩm. Sản phẩm đa dạng từ dép quai hậu, dép xỏ ngón, ủng bảo hộ… Mỗi năm trừ chi phí gia đình ông thu lãi hàng trăm triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, cơ sở của ông Chanh còn tạo việc làm thường xuyên cho 40-50 lao động với mức thu nhập từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng.
 
Đồng chí Đặng Công Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Hưng cho biết, hiện tại, trên địa bàn xã có khoảng gần chục hộ sản xuất dép nhựa các loại, thu hút hơn 150 lao động của xã với thu nhập từ 3-6 triệu đồng/người/tháng tùy theo công việc. Từ hộ sản xuất dép nhựa của ông Chanh, thời gian qua, đã có một số hộ tiếp cận và học hỏi nghề mở các cơ sở sản xuất mới như anh Đặng Thanh Lịch, Đặng Đình Linh ở xóm 6; Đặng Đình Thành ở khu Cầu Dừa… “Bén duyên” sản xuất với nghề sản xuất dép nhựa từ năm 2008, đến nay cơ sở sản xuất của anh Đặng Thanh Lịch, trung bình mỗi ngày sản xuất hơn 3.000 đôi dép nhựa từ nguyên liệu nhựa tái sinh, tạo việc làm ổn định cho hơn 20 lao động. Nhằm tiến tới đưa nghề sản xuất dép nhựa trở thành ngành nghề chính bền vững của xã, xã đã khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất tham gia các chương trình dự án chuyển giao công nghệ mới nhằm khắc phục các vấn đề về ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, trong đó đặc biệt là xử lý khí thải từ hoạt động tái chế nhựa làm nguyên liệu. Năm 2014, cơ sở sản xuất của anh Đặng Đình Trung ở xóm 2 đã được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN (Sở KH và CN) chuyển giao công nghệ xử lý khí thải độc hại do Trung tâm nghiên cứu với mức chi phí khoảng 10 triệu đồng. Qua thời gian áp dụng, khí thải đã chuyển từ màu đen xạm sang màu trắng; không còn mùi khét, hôi đặc trưng. Hàm lượng các chất độc hại trong khí thải đảm bảo mức tiêu chuẩn cho phép. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, ưu điểm của thiết bị này là tiết kiệm chi phí đầu tư, đảm bảo an toàn môi trường sản xuất, dễ lắp đặt tùy vào công suất thực tế của cơ sở. Mô hình này thời gian tới sẽ được xã yêu cầu toàn bộ các cơ sở sản xuất dép nhựa trên địa bàn xã lắp đặt. 
 
Sinh ra từ làng, với bản chất cần cù, chăm chỉ, chịu khó, những người nông dân chân chất nhưng dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đương đầu với khó khăn thử thách vươn lên trong cuộc sống đã tạo bước đột phá cho chính cuộc đời mình, trở thành các doanh nhân tham gia phát triển kinh tế ở nhiều lĩnh vực ngành nghề phi nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, thúc đẩy CNH-HĐH nông thôn, xây dựng hình ảnh những nông dân mới của NTM. Tuy nhiên, để trở thành doanh nhân thực sự hội nhập xu thế, người nông dân hiện còn rất thiếu về kỹ năng công nghệ, cũng như hỗ trợ về cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Nếu được chia sẻ khắc phục những khó khăn đó, người doanh nhân - nông dân sẽ còn đóng góp được lớn hơn nữa cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn./.
 
Bài và ảnh: Đức Toàn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com