Từ năm 2010 trở về trước, xã Bình Minh (Nam Trực) có 2 nghề truyền thống là sản xuất bánh kẹo và thêu ren nhưng quy mô nhỏ bé, chỉ là nguồn thu phụ không đáng kể nên trên 90% cơ cấu kinh tế và lao động của xã vẫn phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp trong khi bình quân ruộng đất thấp chưa được 2 sào/người. Xã có dân số đông (12,5 nghìn khẩu) nên đến năm 2010, bình quân thu nhập đầu người của xã mới đạt trên 10 triệu đồng/người/năm. Thời điểm nông nhàn, phần nhiều lao động trong độ tuổi của xã phải ly hương, làm nhiều công việc khác nhau để cải thiện thu nhập.
|
Làm mành trúc tại hộ ông Nguyễn Văn Trưởng, thôn Thượng Nông, xã Bình Minh. |
Trước tình hình đó, Đảng ủy, UBND xã xác định phải tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của xã theo hướng giảm tỷ trọng sản xuất nông nghiệp, chú trọng thu hút đầu tư và phát triển đa dạng ngành nghề nông thôn, tăng tỷ trọng sản xuất CN-TTCN. Xã đã quy hoạch gọn diện tích đất công để có mặt bằng rộng cho phát triển sản xuất công nghiệp và kêu gọi, thu hút đầu tư về địa bàn, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ cá thể đầu tư, phát triển đa dạng ngành nghề nông thôn. Trong năm 2011, xã đã thu hút được dự án đầu tư trị giá gần 10 tỷ đồng xây dựng Nhà máy May công nghiệp Bình Minh của Cty CP May 3 (Tổng Cty CP Dệt may Nam Định). Cuối năm 2011, nhà máy đã đi vào sản xuất với quy mô 7 chuyền may, sản xuất quần áo giắc-két, áo lông vũ 5-8 lớp xuất khẩu sang thị trường các nước: Hàn Quốc, Mỹ, Ca-na-đa và châu Âu; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 400 lao động (trong đó có trên 250 lao động địa phương) với mức lương bình quân từ 3-4 triệu đồng/người/tháng. Mỗi tháng Nhà máy sản xuất được trên 20 nghìn sản phẩm áo giắc-két, lông vũ theo đơn đặt hàng. Ngoài việc thu hút đầu tư bên ngoài, xã còn chú trọng phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tại chỗ bằng các biện pháp: hỗ trợ tối đa về thủ tục hành chính, tín chấp với các tổ chức tín dụng để các cơ sở, hộ cá thể được vay nguồn vốn ưu đãi; sử dụng các nguồn kinh phí khuyến công, Đề án 1956 tổ chức các lớp dạy nghề. Nhờ các biện pháp đồng bộ trên, đến nay, xã Bình Minh đã phát triển đa dạng và nâng cao hiệu quả sản xuất của các ngành nghề làm bánh kẹo, thêu ren, mộc, cơ khí, xây dựng dân dụng… Trên địa bàn xã có Cty CP Dịch vụ và Thương mại Bình Minh chuyên sản xuất các mặt hàng thêu tay thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Với uy tín và chất lượng tranh thêu tay cao, thời gian qua Cty đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ Xinh-ga-po, Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a, Trung Quốc, Nhật Bản... Hiện tại, Cty không chỉ cung ứng ra thị trường hơn 200 mẫu sản phẩm tranh thêu tay các chủ đề như tranh sơn thủy hữu tình, cửu ngư quần hội, mã đáo thành công, tứ bình, tứ quý… mà còn vẽ mẫu tranh thêu theo yêu cầu của khách hàng, chủ yếu là tranh các di tích lịch sử nổi tiếng như tác phẩm Đền Vua Đinh, Vua Lê, tháp Rùa Hồ Gươm. Trung bình mỗi tháng Cty ký được hàng chục hợp đồng đặt hàng xuất khẩu các loại với giá trị từ 30-80 triệu đồng/hợp đồng, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động với mức thu nhập từ 80-150 nghìn đồng/người/ngày. Không chỉ tạo việc làm cho lao động địa phương, Cty còn thu hút hơn 100 lao động gia công tại các xã lân cận như: Nam Thái, Nam Hồng, Nam Hoa, Nam Tiến… Nghề sản xuất bánh kẹo truyền thống ở thôn Thượng Nông tiếp tục được phát triển, với trên 100 gia đình làm nghề (mỗi hộ tối thiểu từ 1-2 lao động) tham gia sản xuất. Trong số đó có các cơ sở quy mô lớn như: Đức - Tuy, Hoa - Trường, Hồng - Bắc… thường sản xuất 200kg kẹo lạc, kẹo dồi một ngày, cung ứng cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh phía Nam. Nghề xây dựng dân dụng cũng phát triển mạnh với 15 đội thợ (mỗi đội có từ 7-10 lao động tham gia) có việc làm thường xuyên. Với mức thu nhập bình quân từ 150-180 nghìn đồng/người/ngày, ước tính nghề xây dựng ở Bình Minh tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho hơn 100 lao động. Với sự tích cực tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất có mặt bằng, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi… từ phía chính quyền, nghề mộc cũng phát triển với khoảng chục xưởng, mỗi xưởng có từ 3-5 lao động thường xuyên. Một số xưởng mộc lớn của các ông: Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Văn Huy thôn Thượng Nông; Nguyễn Văn Toán, thôn Tây Hành Quần, thường xuyên thu hút từ 7-10 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 150-200 nghìn đồng/người/ngày. Gần đây, trên địa bàn xã còn có cơ sở làm mành trúc trang trí của hộ ông Nguyễn Văn Trưởng, thôn Thượng Nông, thường xuyên thu hút từ 7-10 lao động tham gia. Bình quân mỗi ngày, cơ sở của ông Trưởng sản xuất được từ 16-20 tấm mành trúc các kích cỡ.
Nhờ phát triển sản xuất CN-TTCN, ngành nghề nông thôn, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của xã Bình Minh đã có sự chuyển dịch tích cực. Hiện tại, toàn xã có khoảng 1.200 lao động thường xuyên tham gia sản xuất các ngành nghề với mức thu nhập bình quân từ 2,5-4 triệu đồng/người/tháng. Năm 2015, bình quân thu nhập đầu người của xã ước đạt 34 triệu đồng người, tăng gấp 3,4 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; tỷ trọng sản xuất nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế giảm xuống dưới 70%. Đến nay, xã đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành 12/19 tiêu chí xây dựng NTM. Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, xã Bình Minh tiếp tục chú trọng thu hút đầu tư, duy trì và phát triển mạnh 2 nghề truyền thống theo các tiêu chí làng nghề và phát triển đa dạng nghề mới để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM trước năm 2020./.
Bài và ảnh:
Thành Trung