Trực Ninh làm tốt công tác tiêm phòng vắc-xin vụ thu

09:09, 22/09/2015
Chúng tôi đến xã Trực Đại khi các cán bộ thú y ở đây đang tiến hành tiêm vắc-xin dịch tả cho đàn lợn. Khác với những năm trước, hiện nay, hầu hết các hộ chăn nuôi ở Trực Đại đều có ý thức rất cao trong việc tiêm phòng cho đàn vật nuôi của gia đình. Gia đình anh Cao Văn Thảo, xóm Khai Quang nuôi lợn từ gần chục năm nay với quy mô mỗi lứa trên 100 con lợn thịt siêu nạc, có lúc lên đến 120 con. Anh Thảo cho biết: Trước mỗi lứa tái đàn, gia đình đều tiến hành phun thuốc, rắc vôi khử trùng khu vực nuôi, đồng thời mời cán bộ thú y xã tiêm phòng khi đàn lợn đủ ngày tuổi nhằm tạo miễn dịch chủ động, nhờ vậy đàn lợn luôn bảo đảm an toàn dịch bệnh. Nhờ chăn nuôi ổn định, mỗi năm gia đình thu về 200-220 triệu đồng. Vụ thu này, gia đình anh Thảo thực hiện tiêm đầy đủ các loại vắc-xin: dịch tả, tụ huyết trùng, lở mồm long móng (LMLM), tai xanh… cho đàn lợn bởi đây là biện pháp hữu hiệu ngăn ngừa dịch bệnh. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Quang Ba, Phó Chủ tịch UBND xã Trực Đại cho biết: Những năm gần đây, chăn nuôi trên địa bàn xã có sự phát triển cả về quy mô và số lượng với tổng đàn lợn trên dưới 6.000 con, đàn gia cầm trên 18 nghìn con, đàn chó 1.400 con. Do vậy, để bảo vệ đàn vật nuôi khỏe mạnh và phát triển bền vững, xã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nhân dân tích cực tham gia phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; vận động người chăn nuôi tự giác thực hiện tiêm phòng trên nguyên tắc “đã chăn nuôi phải tiêm phòng” nên chỉ trong 1 tuần xã đã tiêm xong cho đàn lợn. Xã Trực Thanh có tổng đàn lợn gần 2.000 con; đàn trâu, bò, dê 188 con; đàn gia cầm 12.700 con và đàn chó 755 con. Sau khi huyện triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm vụ thu 2015, xã đã mời tất cả ban, ngành, đoàn thể, xóm họp và xây dựng kế hoạch tiêm phòng, thống kê thực tế và phân loại đàn lợn; phân chia vắc-xin theo số lượng tổng đàn của các xóm và thành lập 4 tổ đi tiêm ở 15 xóm. Mỗi tổ tiêm có 1 thú y viên, 1 công an viên, đến xóm có phó trưởng xóm kiêm an ninh xóm dẫn đi tiêm ở từng hộ. Xã đã tổ chức triển khai tiêm phòng nhanh gọn, đồng loạt nên chỉ sau 4 ngày phát động đã hoàn thành tiêm 100% cho đàn lợn theo kế hoạch huyện giao.
Tiêm vắc-xin phòng dịch tả cho đàn lợn ở xã Trực Thanh.
Tiêm vắc-xin phòng dịch tả cho đàn lợn ở xã Trực Thanh.
Thực hiện công tác tiêm phòng vắc-xin vụ thu 2015 cho đàn gia súc, gia cầm, UBND huyện Trực Ninh đã kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các cấp, phân công các thành viên Ban chỉ đạo phụ trách địa bàn, đôn đốc, kiểm tra, báo cáo kết quả thực hiện ở đơn vị mình phụ trách. Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ thu 2015; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tổ chức triển khai tiêm phòng đúng thời gian, đúng kỹ thuật, bảo đảm chỉ tiêu kế hoạch để phát huy tối đa hiệu quả của vắc-xin và hiệu quả công tác tiêm phòng. Bên cạnh đó, huyện đã tổ chức kiểm tra chặt chẽ việc quản lý sử dụng vật tư, hóa chất, vắc-xin, kết quả tiêm phòng, kinh phí phòng, chống dịch tại các địa phương để chống thất thoát, lãng phí. Các xã, thị trấn chỉ đạo Ban Nông nghiệp, trưởng thôn, xóm; mạng lưới thú y chịu trách nhiệm thống kê chính xác tổng đàn, số lượng gia súc, gia cầm trong diện tiêm phòng trên địa bàn; thực hiện ghi chép đầy đủ các thông tin theo quy định; báo cáo kịp thời những trường hợp không thực hiện tiêm phòng và những trường hợp dịch bệnh phát sinh. Kiên quyết không để tồn tại thôn, xóm không thực hiện tiêm phòng. Để công tác tiêm phòng vụ thu cho gia súc, gia cầm đạt hiệu quả cao, UBND, Ban Nông nghiệp các xã, thị trấn, Ban quản trị các HTX trên địa bàn huyện thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin để người dân hiểu rõ tính chất, mức độ nguy hại của các loại dịch bệnh không chỉ gây hại ở đàn vật nuôi mà còn lây lan và gây tử vong ở người, nhất là các bệnh: tai xanh, dịch tả lợn, tụ huyết trùng lợn, LMLM gia súc, bệnh cúm gia cầm, bệnh chó dại. Qua đó vận động người chăn nuôi tự giác thực hiện tiêm phòng và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Trước khi tổ chức triển khai tiêm phòng vắc-xin vụ thu, Trạm Thú y huyện Trực Ninh đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho đội ngũ nhân viên thú y cơ sở các kỹ thuật bảo quản, pha chế, liều lượng, kỹ thuật tiêm vắc-xin…, đồng thời cung ứng đầy đủ, kịp thời các loại vắc-xin bảo đảm chất lượng cho các xã, thị trấn triển khai tiêm phòng. Đồng chí Nguyễn Văn Đăng, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Trực Ninh cho biết: Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, để đảm bảo kế hoạch tiêm phòng, trạm đã cử cán bộ phụ trách xuống tất cả các xã, thị trấn không chỉ đôn đốc việc tiêm phòng mà còn trực tiếp tuyên truyền để người chăn nuôi có thêm kiến thức trong việc bảo vệ đàn gia súc, gia cầm phát triển khỏe mạnh, an toàn. Mặc dù thời tiết những ngày qua không thuận lợi, mưa ẩm kéo dài nhưng chỉ sau 1 tuần, toàn huyện đã hoàn thành kế hoạch tiêm vắc-xin cho đàn lợn. Ngay sau khi tiêm phòng cho đàn lợn, các xã, thị trấn tiếp tục triển khai tiêm phòng vắc-xin LMLM cho đàn trâu, bò, dê và vắc-xin dại cho đàn chó, mèo. Dự kiến, trong tháng 9 huyện sẽ hoàn thành công tác tiêm phòng vắc-xin vụ thu cho gia súc, gia cầm.
 
Ngay sau khi kết thúc tiêm phòng vụ thu, huyện sẽ tiếp tục tổ chức tiêm phòng bổ sung cho số gia súc, gia cầm mới phát sinh và số chưa được tiêm trong đợt chính vụ. Với tinh thần trách nhiệm cao, công tác tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi ở huyện Trực Ninh những năm gần đây luôn đạt kết quả cao, được đánh giá là một trong những địa phương đứng đầu tỉnh. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục chủ động thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh xảy ra trên toàn địa bàn, tạo điều kiện để phát triển chăn nuôi bền vững, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng./.
 
Bài và ảnh: Ngọc Ánh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com