Tiếp tục thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử

07:09, 05/09/2015
Những năm qua, việc ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn tỉnh có những bước phát triển tích cực góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. TMĐT giúp các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tỉnh tiếp cận được thông tin thị trường, giảm đáng kể thời gian và chi phí giao dịch, tiếp thị, phát triển quan hệ, tìm kiếm đối tác, giảm chi phí sản xuất, giúp thanh toán nhanh chóng, chính xác… 
 
Nhận thức được vai trò quan trọng của TMĐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương xây dựng và triển khai kế hoạch "Phát triển TMĐT tỉnh Nam Định giai đoạn 2011-2015". Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành chức năng đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai ứng dụng nhiều phần mềm, kho cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và tạo điều kiện cho các thương nhân, doanh nghiệp và người tiêu dùng sử dụng TMĐT. UBND tỉnh, các huyện, thành phố và các sở, ngành đã xây dựng website để tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cung cấp dịch vụ hành chính công, giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư của tỉnh. Hiện tỉnh ta có hàng trăm dịch vụ hành chính công được triển khai trên môi trường mạng, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, xuất nhập khẩu; đã có nhiều dịch vụ được triển khai và đạt những kết quả tích cực như: cấp đăng ký kinh doanh, giấy phép thành lập văn phòng đại diện, giấy phép thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thủ tục kê khai thuế điện tử, thủ tục hải quan điện tử và nhiều dịch vụ khác liên quan đến TMĐT. Song hành với các biện pháp của cơ quan quản lý Nhà nước, các ngân hàng, dịch vụ tín dụng và doanh nghiệp viễn thông cũng đưa ra các gói dịch vụ chữ ký số đáp ứng nhu cầu sử dụng chữ ký số để tăng tính bảo mật cho các doanh nghiệp khi thực hiện công tác kê khai thuế điện tử và hải quan điện tử. Số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày một tăng. Đến nay, 100% doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh đều đã tổ chức thực hiện TMĐT. Nhiều doanh nghiệp đã tranh thủ tối đa những cơ hội ứng dụng TMĐT vào cả hoạt động thông quan, kê khai, nộp thuế, thanh toán và chào hàng, ký kết hợp đồng kinh doanh qua mạng; quảng bá thương hiệu, bước đầu bán hàng trực tuyến (online) và tham gia các sàn giao dịch trực tuyến cũng như ứng dụng một số phần mềm chuyên dụng như: kế toán tài chính, quản lý bán hàng... Tiêu biểu như các Cty CP Lâm sản, Cty CP May Sông Hồng, Cty CP Dệt may Sơn Nam, Tổng Cty Dệt Nam Định; các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dịch vụ, phân phối, bán lẻ hàng hóa… đã ứng dụng TMĐT vào hầu hết các khâu bán hàng, xúc tiến thương mại, quản trị doanh nghiệp… Các loại hình dịch vụ ngân hàng và thanh toán điện tử phát triển mạnh như: Phát hành thẻ tín dụng, thẻ điện tử, ngân hàng tại nhà, dịch vụ ngân hàng qua internet, thanh toán hoá đơn tiền điện, nước, điện thoại, nạp tiền điện thoại trả sau cho điện thoại thông minh; dịch vụ ví điện tử để khách hàng có thể giao dịch trực tuyến tại các website thương mại điện tử như mua vé máy bay, điện thoại, quần áo, đồ trang sức, thanh toán bảo hiểm, phát hành thẻ ghi nợ nội địa ATM và các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khác… 
Hệ thống thanh toán, kiểm định hàng hóa điện tử tại Siêu thị Micom (TP Nam Định).
Hệ thống thanh toán, kiểm định hàng hóa điện tử tại Siêu thị Micom (TP Nam Định).
Tuy vậy việc ứng dụng TMĐT tại các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh mới chỉ ở bước đầu, phần lớn các doanh nghiệp không có cán bộ chuyên trách về TMĐT, thiếu định hướng phát triển TMĐT. Cá biệt có đơn vị chưa nhận thức được tầm quan trọng của TMĐT trong thời kỳ toàn cầu hóa, xu hướng hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng website nhưng chưa tận dụng tối ưu lợi ích của các trang thông tin này và mới chỉ dừng ở giới thiệu doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ; các thông tin, hình ảnh còn đơn điệu, không được cập nhật thường xuyên, chưa tích hợp các công cụ đặt hàng trực tuyến, thanh toán trực tuyến... Do đó một số mục tiêu cụ thể trong kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2010-2015 như: Cung cấp trực tuyến mức độ 3 trở lên đối với các dịch vụ: hải quan điện tử; dịch vụ liên quan tới thuế; thủ tục đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của các chi nhánh, văn phòng đại diện; 100% doanh nghiệp sử dụng thư điện tử trong giao dịch, điều hành sản xuất và kinh doanh; 35% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử cập nhật định kỳ thông tin, hoạt động và quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp; 50% siêu thị, trung tâm mua bán và cơ sở phân phối hiện đại ứng dụng thanh toán mua sắm không sử dụng tiền mặt; 30% đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán trực tuyến… chưa thực hiện được. Nguyên nhân do nhận thức về tầm quan trọng, lợi ích của TMĐT trong các doanh nghiệp chưa đầy đủ; điều kiện trang thiết bị công nghệ thông tin và đặc biệt là nguồn nhân lực phụ trách ứng dụng TMĐT còn khó khăn. Ngoài ra, thói quen mua bán truyền thống của người tiêu dùng là một trong những cản trở lớn đối với việc thúc đẩy phát triển TMĐT ở các doanh nghiệp... Dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai, tuy nhiên hầu hết mới dừng lại ở mức độ 1 và 2 (cho phép tìm hiểu đầy đủ các thông tin về quy trình, thủ tục cần thiết; tải các mẫu đơn, hồ sơ để in ra), một số ít chuyển sang mức độ 3 (cho phép điền và gửi trực tuyến các mẫu đơn, hồ sơ). Hơn nữa, nguồn kinh phí cho công tác đẩy mạnh và hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT của tỉnh còn hạn hẹp. 
 
Để đẩy mạnh ứng dụng TMĐT thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công thương và các cơ quan có liên quan tổ chức phổ biến, tuyên truyền pháp luật và kỹ năng ứng dụng về TMĐT, đồng thời triển khai các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia và ứng dụng TMĐT như hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng website, tham gia sàn giao dịch TMĐT, triển khai các giải pháp ma-két-tinh trực tuyến… Trong năm 2016, Sở Công thương tập trung vào việc phát triển nguồn nhân lực TMĐT và tuyên truyền kiến thức pháp luật về TMĐT cho các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp trên địa bàn; đào tạo kỹ năng giao dịch TMĐT cho 200 cán bộ của các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời in ấn các văn bản pháp lý liên quan đến TMĐT; giới thiệu cho các doanh nghiệp quy trình thông báo, đăng ký website với cơ quan chức năng cũng như những công cụ tiếp thị, quảng bá trực tuyến và những đơn vị điển hình ứng dụng hiệu quả TMĐT vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Những năm tiếp theo, Sở Công thương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng những mô hình chuẩn ứng dụng TMĐT để nhân ra diện rộng. Đồng thời tăng cường kiểm soát việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực TMĐT đảm bảo cho TMĐT tỉnh ta hoạt động lành mạnh, hiệu quả./.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com