Thanh niên Nghĩa Sơn làm giàu từ nghề đóng tàu biển

10:09, 28/09/2015
Những năm qua, người dân xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) đã biết khai thác tiềm năng, thế mạnh của khu vực ven biển để phát triển kinh tế, trong đó có nghề đóng tàu. Mặc dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng đến nay, nghề đóng tàu biển ở Nghĩa Sơn vẫn được duy trì, mở rộng, trở thành một trong những mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Đặc biệt, nghề đóng tàu biển hiện đang thu hút được số lượng lớn thanh niên trong xã theo nghề, trong đó, không ít người đã trở thành triệu phú, tỷ phú khi tuổi đời còn rất trẻ. 
Anh Nguyễn Văn Vĩnh (người đứng), Giám đốc Cty Đóng tàu Vĩnh Trang, trực tiếp hướng dẫn thợ trong Cty.
Anh Nguyễn Văn Vĩnh (người đứng), Giám đốc Cty Đóng tàu Vĩnh Trang, trực tiếp hướng dẫn thợ trong Cty.
Cty Đóng tàu Vĩnh Trang hiện tạo việc làm cho 55 công nhân lao động, với mức lương từ 6-10 triệu đồng/người/tháng đa số là lực lượng lao động trẻ, giám đốc Cty là anh Nguyễn Văn Vĩnh. Mới ngoài 30 tuổi, còn khá trẻ nhưng anh  đã được nhiều người biết là 1 tỷ phú, thợ đóng tàu có kinh nghiệm của địa phương. Khởi nghiệp từ nghề làm lò gạch, 3 năm trước, anh Vĩnh quyết định mở xưởng đóng tàu, vốn là nghề có thế mạnh lâu đời của xã. Nhớ lại những ngày đầu mở xưởng, anh Vĩnh cho biết “Khó nhất với tôi lúc đó là vốn, sau đó đến vấn đề kỹ thuật. Vay mượn khắp mọi nơi, tôi cũng chỉ mở được xưởng đóng tàu nho nhỏ. Tôi xác định, muốn thành công, muốn có khách hàng chỉ có thể dựa vào chất lượng của chính mặt hàng mình bán ra. Vì vậy, tôi thuê những thợ giỏi trong xã về làm, qua đó học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật từ họ. Tôi đã “học việc” như một người thợ chứ không phải ông chủ trong xưởng của mình”. Qua việc “3 cùng” cùng ăn, cùng ở, cùng làm với thợ, anh Vĩnh đã học hỏi được rất nhiều về cách sửa chữa, đóng mới tàu, thuyền. Ham học, chịu khó, dần dần các sản phẩm của xưởng anh Vĩnh đã chiếm được niềm tin của khách hàng. Cũng theo Vĩnh, lúc đầu vốn ít anh phải làm theo kiểu lấy ngắn nuôi dài, song song với việc đóng mới các tàu trọng tải lớn, anh bố trí một đội thợ chuyên sửa chữa, nâng cấp những thuyền có trọng tải nhỏ từ vài chục đến vài trăm tấn. Tích lũy được chút vốn nào, Vĩnh lại đầu tư mua sắm máy móc, nâng cấp xưởng. Hiện, xưởng của anh có nhiều loại máy móc hiện đại phục vụ cho sản xuất như: trạm điện, bóng hơi, xe cầu, xe nâng, máy hàn, máy cắt… Trước sự phát triển về quy mô, năm 2013, anh Vĩnh thành lập Cty Đóng tàu Vĩnh Trang. Thị trường của Cty Đóng tàu Vĩnh Trang khá rộng, ở nhiều tỉnh, thành phố như: Thanh Hóa, Ninh Bình, Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên, Phú Thọ… Hằng năm trừ chi phí, lợi nhuận của Cty thu về khoảng trên 1 tỷ đồng. Sinh ra và lớn lên tại xóm 6, thôn Quần Liêu, Phạm Văn Điện cũng như nhiều thanh niên trong thôn đã quen với nhịp lao động của những người làm nghề đóng tàu biển, tiếng búa, tiếng máy hàn. Mới 23 tuổi nhưng Điện đã có trên 10 năm gắn bó với nghề sửa chữa, đóng tàu. Điện chọn cho mình hướng đi riêng là sửa chữa, bảo dưỡng tàu thuyền, bởi theo Điện, làm sửa chữa thì không bao giờ hết việc và khả năng rủi ro trong kinh doanh thấp. Nhiều năm làm nghề, Điện đã tích lũy được kinh nghiệm, vốn liếng để mở 1 xưởng sửa chữa và nhận đóng những tàu có công suất vừa và nhỏ từ 200-400 tấn. Thị trường sửa chữa cũng rất rộng gồm các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Thái Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa… Hiện xưởng đang tạo việc làm cho 15 công nhân với mức lương từ 220-300 nghìn đồng/người/ngày; trừ chi phí, lợi nhuận thu về khoảng 1 tỷ đồng/năm. 
 
Anh Vĩnh và anh Điện là 2 trong số rất nhiều thanh niên Nghĩa Sơn hiện gắn bó và làm giàu được từ nghề đóng tàu biển của địa phương. Bí thư Đoàn xã Nghĩa Sơn, Vũ Thị Dệt cho biết: “Mô hình kinh tế của ĐVTN trong xã hiện tập trung ở một số ngành nghề như: chăn nuôi, may xuất khẩu, xây dựng, đi thuyền và đóng tàu biển… Trong đó, nghề đóng tàu biển hiện thu hút 1/3 lao động toàn xã mà chủ yếu trong độ tuổi thanh niên”. Nghề đóng tàu biển thu hút cả nam và nữ, nhưng chủ yếu là nam bởi đặc thù công việc nặng nhọc, đòi hỏi cường độ lao động cao. Số lượng nữ tham gia vào nghề rất ít, khoảng 5%, tập trung ở những phần việc sơn tàu, bảo dưỡng, thu dọn… Theo những người thợ đóng tàu lâu năm ở Nghĩa Sơn, chất lượng tay nghề của đội ngũ thợ trẻ ổn định, có thể phát triển, kế thừa được thế mạnh của địa phương. Hiện, trên địa bàn xã có trên 30 xưởng đóng, sửa chữa tàu thuyền và 5 Cty đóng tàu. Trong đó, khoảng 7 thanh niên mở được xưởng đóng tàu, sửa chữa riêng với quy mô 20-50 công nhân, tổng vốn đầu tư dao động từ 300 triệu đến 2 tỷ đồng. Nghề đóng, sửa chữa tàu thuyền mang lại thu nhập khá cho người lao động với mức từ 3-10 triệu đồng/người/tháng. Đối với các doanh nghiệp do thanh niên làm chủ thường đạt doanh thu trên dưới 1 tỷ đồng/năm... Mạnh dạn học nghề, đầu tư cho sản xuất, nhanh nhạy tìm kiếm thị trường, nhiều thanh niên Nghĩa Sơn đã vươn lên làm giàu cho gia đình, quê hương từ nghề đóng tàu biển. Tiêu biểu như các anh: Trần Văn Trường, giám đốc Cty Trường Dung, hiện có 2 cơ sở đóng tàu, tạo việc làm cho 70-80 công nhân, doanh thu hằng năm trên 2 tỷ đồng. Anh Nguyễn Văn Chinh, thôn Quần Liêu, cũng có 2 xưởng đóng tàu, tạo việc làm cho 40 lao động với mức lương 6-10 triệu đồng/người/tháng, doanh thu hằng năm đạt từ 2 đến 3 tỷ đồng, anh Nguyễn Văn Chính, xóm 6, Quần Liêu, mở xưởng sửa chữa và đóng tàu, tạo việc làm ổn định cho 30 lao động địa phương, trung bình hằng tháng nhận sửa chữa 5-10 con tàu, thuyền các loại, thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/năm… Để duy trì, khuyến khích, phát triển nghề đóng tàu của xã nói chung, thanh niên nói riêng, trong những năm qua chính quyền xã Nghĩa Sơn đã tạo mọi điều kiện cần thiết để các cơ sở đóng tàu phát triển một cách bền vững. Trong đó có việc hỗ trợ cho các cơ sở đóng tàu thuê mặt bằng, tư vấn, tạo điều kiện hướng dẫn vay vốn từ các tổ chức tín dụng để người dân có điều kiện đầu tư xây dựng, mở rộng quy mô sản xuất.
 
Năng động, dám nghĩ, dám làm, nhiều thanh niên ở xã Nghĩa Sơn đã trở thành những triệu phú, tỷ phú, tự khẳng định mình trong ngành sản xuất, kinh doanh đóng tàu biển, góp phần vào sự đổi thay của quê hương./. 
 
Bài và ảnh: Hoa Quyên


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com