Tập trung xử lý ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi

07:09, 10/09/2015
Thời gian qua, chăn nuôi của tỉnh có tốc độ phát triển khá nhanh nhưng chưa gắn liền với quy hoạch và xử lý chất thải nên đã tác động tiêu cực đến vệ sinh môi trường nông thôn. 
 
Bình quân, chất thải của gia súc, gia cầm toàn tỉnh khoảng trên 1,5 triệu tấn/năm. Trong đó, chất thải của lợn chiếm 73% với khoảng 1,1 triệu tấn/năm; chất thải gia cầm chiếm 16% với khoảng 0,25 triệu tấn/năm; chất thải trâu, bò chiếm 11% với khoảng 0,2 triệu tấn/năm. Việc xử lý chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi tại một số xã, cơ sở đã được hỗ trợ xử lý thông qua các dự án thu gom, tái sử dụng khí sinh học, chất thải rắn, lỏng của các trại chăn nuôi bằng hệ thống hầm bi-ô-ga. Tuy vậy, tỷ lệ trang trại xử lý chất thải bằng hệ thống hầm bi-ô-ga không nhiều. Nhiều hộ chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ, chưa quan tâm đến việc đầu tư hệ thống thu gom và xử lý chất thải nên các chất thải chăn nuôi đang gây ô nhiễm môi trường tại một số khu vực nông thôn, nhất là không khí và môi trường nước. Một số gia đình, cá biệt có cả doanh nghiệp chăn nuôi quy mô hàng nghìn con lợn, vẫn xả thẳng chất thải chưa qua xử lý hoặc đã xử lý nhưng chưa bảo đảm vệ sinh ra môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân xung quanh. Điển hình như trang trại chăn nuôi lợn tập trung của Cty TNHH Thái Việt, xã Giao Thịnh (Giao Thủy), bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2011 với quy mô chăn nuôi 650 con lợn nái/năm, mỗi tháng xuất bán khoảng 900 đến 1.000 con lợn giống và mỗi năm xuất bán 3.000 con lợn thịt. Cty đã lập bản cam kết bảo vệ môi trường (BVMT) được UBND huyện xác nhận nhưng từ năm 2014 trở về trước việc xử lý phân và nước thải của Cty bằng bể bi-ô-ga không đúng quy chuẩn nên nước thải không đạt tiêu chuẩn. Cũng tại xã Giao Thịnh (Giao Thủy), gia trại của gia đình ông Vũ Trọng Nghĩa ở xóm 16 với quy mô chăn nuôi khoảng 1.000 con lợn thịt/năm. Trong quá trình chăn nuôi, cơ sở đã có ý thức thực hiện các biện pháp xử lý, hạn chế, giảm thiểu các chất thải ô nhiễm môi trường; tuy nhiên, cuối năm 2014, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) đã kiểm tra, phát hiện nước thải của cơ sở vượt quy chuẩn không đảm bảo an toàn môi trường... 
Lắp đặt công trình khí sinh học, góp phần BVMT tại xã Hải Lộc (Hải Hậu).
Lắp đặt công trình khí sinh học, góp phần BVMT tại xã Hải Lộc (Hải Hậu).
Trước những vi phạm pháp luật về BVMT trong chăn nuôi, ngành chức năng đã nghiêm túc xử lý, hướng dẫn và giám sát chặt chẽ việc khắc phục vi phạm. Cụ thể như Cty TNHH Thái Việt đã bị xử phạt 69 triệu đồng về vi phạm hành chính đối với hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn và bị buộc khắc phục hậu quả. Kết quả giám sát việc khắc phục vi phạm cho thấy từ đầu năm 2015 đến nay, Cty thường xuyên vệ sinh phun rửa, sát trùng chuồng trại 2 lần/tuần; hằng ngày tiến hành thu dọn chất thải rắn (phân lợn), đóng bao, rắc vôi và bán cho người dân làm phân bón với khối lượng khoảng 2.700 kg/tháng. Nước thải từ việc vệ sinh chuồng trại được thu gom và xử lý qua bể bi-ô-ga sau đó tái sử dụng để tưới cây trong khuôn viên trang trại (diện tích cây xanh chiếm khoảng 60% tổng diện tích trang trại) và một phần thải ra sông Sò. Để khắc phục việc xả nước thải vượt quy chuẩn, Cty còn xây thêm 2 bể xử lý với thể tích 15m3/bể; đồng thời bổ sung men vi sinh từ giai đoạn nước uống cho lợn để tăng cường sự phân hủy prô-tê-in có trong thức ăn lợn không hấp thụ hết, tăng cường vệ sinh chuồng trại, thu gom hết chất thải rắn và hạn chế xả nước thải ra môi trường. Tại cơ sở chăn nuôi của ông Vũ Trọng Nghĩa, ông đã hợp đồng với cơ quan chuyên môn lập cam kết BVMT và quan trắc giám sát môi trường định kỳ. Trong quá trình chăn nuôi, cơ sở đã thực hiện các biện pháp xử lý, hạn chế, giảm thiểu các chất làm ô nhiễm môi trường. Cụ thể: đối với nước thải phát sinh từ quá trình tắm cho lợn, vệ sinh chuồng trại đã được thu gom vào hầm bi-ô-ga có thể tích 4.500m 3 để xử lý, sau đó mới thải ra sông cấp 2 của xã Giao Thịnh. Chất thải rắn được thu gom vào bao có rắc vôi bột, bán cho người dân làm phân bón, khí gas sinh ra từ hầm bi-ô-ga được sử dụng làm nhiên liệu đốt để phục vụ nhu cầu năng lượng của gia trại. Hiện, cơ sở đang nghiên cứu biện pháp thu gom, xử lý nước thải từ bể bi-ô-ga để xử lý triệt để. Sở TN và MT cũng đã yêu cầu hộ ông Nghĩa khẩn trương hoàn thiện cam kết BVMT và thực hiện đúng các nội dung cam kết để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đặc biệt phải bảo đảm thời hạn khắc phục tình trạng xả nước thải chưa đạt quy chuẩn ra môi trường trong quý IV-2015. Để chủ động BVMT trong chăn nuôi, bên cạnh biện pháp tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý và hướng dẫn, giám sát khắc phục vi phạm về BVMT của các hộ, doanh nghiệp chăn nuôi, Sở NN và PTNT đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương xây dựng quy hoạch chăn nuôi; áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP; sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải, môi trường chuồng trại và xây dựng bể bi-ô-ga, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa cung cấp chất đốt phục vụ sinh hoạt. Nhờ đó, đến nay nhiều hộ chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại đã áp dụng biện pháp xử lý chất thải như làm hố ủ phân, áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, xây bể bi-ô-ga với khoảng 6.500 bể trên toàn tỉnh... Được sự quan tâm, tạo điều kiện của Bộ NN và PTNT, tỉnh ta còn được chọn là 1 trong 10 tỉnh tham gia dự án “Hỗ trợ nông nghiệp các-bon thấp”, triển khai từ năm 2013 đến năm 2018. Dự án có 4 hợp phần, trong đó có hợp phần quản lý chất thải chăn nuôi, cụ thể là hỗ trợ người chăn nuôi xây dựng, lắp đặt công trình khí sinh học. Tính đến tháng 7-2015, toàn tỉnh đã xây dựng, lắp đặt trên 1.800 công trình theo dự án. Thực hiện các biện pháp kể trên đã góp phần giúp giảm thiểu đáng kể ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian gần đây.
 
Hướng đến mục tiêu phát triển chăn nuôi bền vững, hiệu quả, thân thiện với môi trường, thời gian tới, bên cạnh việc khuyến khích, tạo điều kiện phát triển chăn nuôi trang trại công nghiệp, các ngành chức năng của tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về BVMT cho các hộ chăn nuôi. Ngành NN và PTNT tập trung hoàn thành quy hoạch phát triển vùng chăn nuôi tập trung theo phương thức công nghiệp, từng bước hạn chế chăn nuôi xen kẽ trong các khu dân cư, bảo đảm phát triển bền vững, an toàn sinh học và BVMT. Thực hiện nghiêm túc việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các trang trại, bảo đảm các trang trại đều phải có đầy đủ công trình, biện pháp BVMT đáp ứng yêu cầu xử lý ô nhiễm. Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và thực hiện tốt công tác khuyến nông chăn nuôi nhằm thúc đẩy chăn nuôi tập trung, công nghiệp, sản xuất hàng hóa, kiểm soát dịch bệnh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tập trung quản lý chặt chẽ chăn nuôi nông hộ với phương châm “chăn nuôi phải có điều kiện, phải được quản lý” thông qua việc nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý của trưởng thôn, xóm và Ban Nông nghiệp xã; từng bước tiến hành đăng ký đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và nghiêm túc xử lý theo quy định đối với các cơ sở không áp dụng đầy đủ các biện pháp BVMT./.
 
Bài và ảnh: Thanh Thuý
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com