Những năm qua tỉnh ta đã tập trung quan tâm và làm tốt công tác quy hoạch trong các ngành, lĩnh vực, nhất là quy hoạch chung của các cấp, địa phương đã tạo khung pháp lý, làm cơ sở để kêu gọi, thu hút đầu tư. 5 năm qua, diện mạo kinh tế - xã hội của tỉnh đã chuyển biến mạnh mẽ, tích cực.
Từ năm 2011, tỉnh đã tích cực hợp tác với các đơn vị tư vấn Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng); các đơn vị tư vấn triển khai lập các quy hoạch chiến lược. Qua 5 năm triển khai thực hiện, với sự nỗ lực của tỉnh, sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, cộng đồng người dân, các quy hoạch thể hiện “tầm vóc” và “ tính đột phá” của tỉnh đã hoàn thành. Đó là Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch xây dựng NTM của 209 xã, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh; Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thành phố Nam Định đến năm 2025, Quy hoạch phát triển đô thị Thịnh Long đến năm 2025, tầm nhìn 2030; các Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Nam Định và 9 huyện đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đồng chí Nguyễn Văn Công, Trưởng phòng Quy hoạch và quản lý kiến trúc (Sở Xây dựng) cho biết: “Các quy hoạch đều được UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng đảm bảo phù hợp với quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực, đồng thời có khả năng tạo nên bước đột phá; đảm bảo tính liên kết vùng hiện đại, đồng bộ; đa dạng hóa các nguồn lực; khai thác tối đa tiềm năng thế mạnh của từng địa phương; là công cụ quan trọng, hữu hiệu để quản lý Nhà nước; đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong xu thế mới”.
Trong Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt vào cuối năm 2014 đã xác định không gian trung tâm phát triển 5 đô thị hạt nhân chính đến năm 2050 gồm: Thành phố Nam Định; Thịnh Long - Khu kinh tế Ninh Cơ - Thị xã Rạng Đông là hạt nhân phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ biển; Thị xã Yên Bằng hạt nhân là dịch vụ thương mại và các khu, CCN - làng nghề; Thị xã Quất Lâm - Đại Đồng gắn với Vườn quốc gia Xuân Thủy là trung tâm du lịch sinh thái biển. Hệ thống đô thị và nông thôn được định hướng phát triển với 4 giai đoạn. Kèm theo quy hoạch phát triển hệ thống đô thị và nông thôn này còn có định hướng phát triển ngành, lĩnh vực phù hợp với từng vùng, khu vực. Giai đoạn đầu tiên đến năm 2020 ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng trọng điểm và các đô thị hạt nhân vùng.
|
Một góc Thành Nam dọc tuyến đường Trần Hưng Đạo (TP Nam Định). |
Tiếp theo quy hoạch chung đó, các quy hoạch phát triển đô thị của từng thị trấn đã được chỉ đạo lập, trong đó có Quy hoạch phát triển đô thị Thịnh Long đến năm 2025, tầm nhìn 2030; xác định chiến lược đầu tư trọng tâm trong từng giai đoạn cụ thể cho thị trấn. Trước hết, giai đoạn 2011-2015, thị trấn tập trung huy động các nguồn lực địa phương phát huy tối đa các thế mạnh về kinh tế biển như thương mại dịch vụ du lịch biển, thu hút dự án đầu tư vào CCN Thịnh Long, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng CN-TTCN và dịch vụ du lịch; đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn và du lịch, tiến tới hoàn thành chương trình xây dựng NTM ngay trong năm 2014. Hạ tầng NTM được hoàn thành sẽ là nền tảng để Thị trấn Thịnh Long nâng cấp cơ sở hạ tầng đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV. Cùng với đó, các dự án có tính động lực tạo kết nối đồng bộ về giao thông với thị trấn cũng được tỉnh tích cực triển khai thực hiện như nâng cấp các tuyến QL 21, tỉnh lộ 488, xây dựng cảng cá Ninh Cơ, cụm công trình luồng qua cửa Lạch Giang (dự án WB6 của Bộ GTVT); đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án tuyến đường trục phát triển kinh tế nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; xây dựng cầu Thịnh Long kết nối thị trấn với Khu kinh tế Ninh Cơ, trong đó có KCN Dệt may Rạng Đông. Đồng thời, UBND tỉnh chủ động xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu tiên vốn cho Thị trấn Thịnh Long xây dựng hạ tầng cơ bản. Qua 3 năm triển khai xây dựng NTM và thực hiện quy hoạch, đến năm 2014, tổng giá trị thu nhập trên địa bàn đạt từ 203-240 tỷ đồng. Hệ thống hạ tầng cơ sở được xây dựng đồng bộ hoàn thiện với tổng giá trị đầu tư gần 67 tỷ đồng. Nhờ vậy, đến tháng 5-2014, Thị trấn Thịnh Long đã là một trong 9 đơn vị đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011-2015. Cuối năm 2014, thị trấn đã được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại IV. 8 tháng đầu năm 2015, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, ngành phối hợp với địa phương đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng để tiến hành khởi công hai dự án lớn là Dự án nhà máy nhiệt điện Hải Hậu, KCN Dệt may Rạng Đông trong quý IV-2015. Cùng với đó, UBND tỉnh chủ động tham gia các hội nghị xúc tiến đầu tư trong nước và quốc tế thu hút các doanh nghiệp vào KCN đồng thời cải cách thủ tục hành chính, ban hành cơ chế ưu đãi đầu tư. Ngoài ra, UBND tỉnh đề xuất với Chính phủ, bộ, ngành quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối với KCN trong đó có tuyến đường kinh tế ven biển nối KCN này với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, dự án quốc lộ ven biển nối 6 tỉnh duyên hải Bắc Bộ và Thanh Hoá. Việc xây dựng KCN Dệt may Rạng Đông không những thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Nam của tỉnh mà còn có tác động lan toả ra cả vùng, tạo sự liên kết phát triển giữa các tỉnh Nam đồng bằng sông Hồng và các khu kinh tế ven biển cả nước thể hiện tầm nhìn chiến lược của UBND tỉnh. Từ quy hoạch đến định hướng đầu tư kịp thời, có trọng điểm, Thị trấn Thịnh Long cùng với KCN Dệt may Rạng Đông đang tiến từng bước vững chắc trở thành một đô thị mới đánh thức tiềm năng vùng kinh tế biển phía Nam tỉnh ta.
Cùng xu thế đó, các quy hoạch xây dựng thị trấn, đô thị, xây dựng NTM cũng được tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện. Trong đó, huyện Giao Thủy tập trung xây dựng quy hoạch đô thị Quất Lâm đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với định hướng trở thành trung tâm du lịch sinh thái biển phía Đông tỉnh. Sở Xây dựng phấn đấu hoàn thiện Quy hoạch phân khu hai bên đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý (QL21B) trong quý IV-2015 tạo trục động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc tỉnh; xây dựng Quy hoạch chung Khu kinh tế Ninh Cơ. Hạ tầng các thị trấn trung tâm huyện như Thị trấn Cổ Lễ, Quất Lâm, Lâm, Nam Giang… được quan tâm đầu tư xây dựng thông qua Đề án Xây dựng các khu đô thị mới. Có thể nói, làm tốt công tác quy hoạch trong thời gian qua đã tạo môi trường đầu tư thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình đảm bảo theo đúng kế hoạch, quy hoạch, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ, bền vững.
Trong những năm tới công tác quy hoạch xây dựng tiếp tục được tỉnh và các ngành chức năng coi là khâu đột phá quan trọng giúp kiến thiết đô thị, nông thôn, góp phần xây dựng, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội tỉnh ta ngày càng hoàn chỉnh, đồng bộ, hiện đại, thân thiện và mỹ quan, đáp ứng tốt cho nhu cầu sinh hoạt của nhân dân và thu hút đầu tư bên ngoài. Tăng cường công tác lập, quản lý quy hoạch gắn liền với kế hoạch thực hiện cụ thể qua từng giai đoạn và từng năm, kết hợp sự tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư hướng tới tạo dựng hình ảnh một tỉnh có quy hoạch xây dựng đồng bộ, có nền kiến trúc cảnh quan hiện đại, hấp dẫn, đóng góp chung trong sự phát triển, sự phồn vinh của địa phương./.
Bài và ảnh:
Đức Toàn