Tăng mức hỗ trợ khuyến công, thúc đẩy sản xuất kinh doanh

08:09, 21/09/2015

Cùng với những kết quả đã đạt được trong thúc đẩy phát triển sản xuất CN-TTCN ở các địa phương, những năm qua công tác khuyến công tỉnh ta cũng bộc lộ một số khó khăn, hạn chế cần được khắc phục và đổi mới để nguồn lực khuyến công đạt hiệu quả thiết thực.

Các chương trình, đề án khuyến công chủ yếu tập trung vào nội dung đào tạo và phát triển nghề, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, tư vấn cung cấp thông tin chứ chưa hỗ trợ hình thành được hệ thống doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp mang tính “hạt nhân”, làm động lực thúc đẩy phát triển CN-TTCN ở khu vực nông thôn. Tính lan tỏa của các đề án, chương trình khuyến công chưa cao. Trong bối cảnh các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn phần lớn quy mô nhỏ, năng lực tài chính, công nghệ còn yếu, nguồn kinh phí hỗ trợ của các chương trình, đề án khuyến công thấp chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của doanh nghiệp nên chưa hấp dẫn doanh nghiệp tham gia. Mức hỗ trợ từ các chương trình, đề án khuyến công tối đa 250 triệu đồng/mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới; 70 triệu đồng/lớp dạy nghề cho lao động nông thôn chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng mức đầu tư của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Đơn cử như trong năm 2014, có 8 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới với mức từ 140-250 triệu đồng/mô hình. Trong khi đó, tổng mức đầu tư của 8 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn cho các mô hình này là 46,223 tỷ đồng. Một chủ doanh nghiệp trong CCN Hải Phương (Hải Hậu), đơn vị được hỗ trợ mức tối đa 250 triệu đồng xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm cửa nhựa lõi thép cho biết: mức hỗ trợ của tỉnh là động lực quan trọng động viên những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, với mức hỗ trợ “khiêm tốn” trên, doanh nghiệp rất khó khăn trong việc giới thiệu, quảng bá cụ thể, chi tiết các quy trình sản xuất sản phẩm mới ra diện rộng. Vì thế, mục đích nhân rộng các mô hình đầu tư phát triển kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới chưa đạt hiệu quả mong muốn. Ngoài ra, vẫn chưa xây dựng được đội ngũ cán bộ khuyến công ở các xã, huyện dẫn đến việc tìm kiếm, tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn đăng ký, xây dựng đề án tham gia chương trình khuyến công còn ít. Chất lượng lao động cũng như công tác đào tạo lao động ở khu vực nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của doanh nghiệp. Vẫn còn tình trạng doanh nghiệp phải đào tạo lại lao động đã từng học nghề qua các chương trình dạy nghề khuyến công thì mới sử dụng được. Mặc dù thời gian gần đây, các lớp đào tạo nghề khuyến công đã đổi mới về cách thức tổ chức, tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở nông thôn khi đào tạo lao động, hay nói cách khác là đào tạo theo địa chỉ. Căn cứ vào nhu cầu sử dụng lao động thực tế, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các làng nghề chủ động đăng ký với các Trung tâm dạy nghề chiêu sinh, tổ chức lớp dạy nghề ngay tại đơn vị. Người lao động vừa học lý thuyết vừa tiếp xúc trực tiếp với thực tế sản xuất, thực hành trên hệ thống máy móc, thiết bị công nghệ tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, phương thức này chỉ phù hợp với các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động nhất định, còn đối với các doanh nghiệp ngành dệt may cần số lượng lao động lớn thì không hiệu quả. Thông thường doanh nghiệp vẫn phải tổ chức đào tạo lại từ 1-3 tháng liên tục thì mới đảm bảo yêu cầu sản xuất. Vì thế, tình trạng chậm tiến độ giao hàng, chất lượng sản phẩm không đảm bảo, phải sửa chữa, thay thế vừa gây tốn kém nguyên liệu, giảm năng suất lao động… làm gia tăng các khoản phụ chi ngoài kế hoạch. Cũng vì lý do kinh phí, các hoạt động khuyến công khác như tập huấn, tư vấn, hỗ trợ thông tin về các quy định của pháp luật, thị trường cho doanh nghiệp cũng vẫn còn hạn chế. Một doanh nghiệp tư nhân tại xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ cho biết: Doanh nghiệp rất muốn tham gia các hội chợ, triển lãm trong tỉnh, trong nước để giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu. Tuy nhiên, vì tài chính hạn chế doanh nghiệp phải tập trung đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, sản phẩm thì cồng kềnh nên chi phí vận chuyển, bảo quản tăng cao. Mức hỗ trợ kinh phí khuyến công chỉ đáp ứng được một phần nhỏ, nên nhiều hội chợ, triển lãm ngay trong tỉnh và khu vực doanh nghiệp cũng phải cân nhắc khi quyết định tham gia. 

Sản xuất bột sun-phát kẽm dùng trong công nghiệp mạ điện và sản xuất thức ăn chăn nuôi của Cty CP Công nghiệp và khoáng sản Nam Định, CCN Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng).
Sản xuất bột sun-phát kẽm dùng trong công nghiệp mạ điện và sản xuất thức ăn chăn nuôi của Cty CP Công nghiệp và khoáng sản Nam Định, CCN Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng).

Trong năm 2015 và các năm tiếp theo, để tiếp tục đổi mới phương thức và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí khuyến công, UBND tỉnh sẽ tổ chức các đoàn công tác thường xuyên kiểm tra, rà soát thực tế sản xuất tại các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn để trực tiếp nắm bắt tình hình, kịp thời lắng nghe nguyện vọng, ý kiến của các doanh nghiệp nhằm đề ra những chính sách hỗ trợ thiết thực, phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với các ngành chức năng nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh ban hành “Quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với hoạt động khuyến công” (theo Thông tư số 26/2014/TTLT-BTC-BCT ngày 18-2-2014 của liên Bộ Tài chính - Công thương). Trong đó đáng chú ý là nâng các mức kinh phí hỗ trợ, các hình thức khuyến công được đa dạng hơn. Cụ thể theo dự thảo quy định mức hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất CN-TTCN khu vực nông thôn nâng lên tối đa 50% chi phí. Với “gói” hỗ trợ mới này kỳ vọng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, có thêm hỗ trợ: quảng bá, tuyên truyền, nhân rộng để các tổ chức, cá nhân khác học tập (hoàn chỉnh tài liệu về quy trình công nghệ, quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, có thêm phục vụ cho việc trình diễn kỹ thuật); kinh phí tham gia hội chợ, triển lãm hàng công nghiệp nông thôn trong nước (tối đa 50% chi phí thuê gian hàng, hỗ trợ kinh phí đi lại, lưu trú). Đối với các đơn vị tổ chức hoặc tham gia hội chợ triển lãm trong nước và ngoài nước để trưng bày các sản phẩm tiêu biểu, có lợi thế của các doanh nghiệp trong tỉnh có thể được hỗ trợ kinh phí xây dựng gian hàng và các chi phí khác bao gồm: hỗ trợ 100% chi phí thuê gian hàng, chi phí vận chuyển hàng hóa, dịch vụ điện nước, vệ sinh, bảo vệ, quảng cáo, chi tiền ăn, nghỉ cho cán bộ được cử tham gia hội chợ và các chi phí khác; hỗ trợ tổ chức bình chọn và cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện, tỉnh. Đối với các hoạt động khuyến công “truyền thống” như đào tạo nghề, xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới cũng được nâng lên: mức hỗ trợ cho các chương trình, đề án truyền nghề, dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn là 70 triệu đồng (một lớp 35 học viên); xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, phổ biến công nghệ mới tối đa 30% tổng đầu tư của dự án nhưng không quá 350 triệu đồng/mô hình (cao hơn 100 triệu đồng/mô hình so với mức hỗ trợ cũ). 

Với mức hỗ trợ được nâng lên, các hình thức, hoạt động khuyến công sẽ đa dạng, hiệu quả hơn, đảm bảo tiêu chí: hỗ trợ lao động nông thôn, các cơ sở công nghiệp nông thôn, hướng về nông thôn. Trong thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động khuyến công tạo động lực thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động ở nông thôn; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy giảm nghèo và phát triển đời sống văn hóa, xã hội./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com