Tăng cường tính liên kết vùng trong quy hoạch xây dựng cấp cơ sở

08:09, 29/09/2015

Một trong các yêu cầu để đảm bảo tính khoa học, phát triển bền vững khi lập các quy hoạch là tính liên kết vùng. Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác quy hoạch trên địa bàn tỉnh ta đã không ngừng được hoàn thiện góp phần tạo các đột phá về phát triển kinh tế - xã hội.

Để thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến nay 209 xã, thị trấn trong tỉnh đã hoàn thành việc lập các quy hoạch, trong đó có quy hoạch xây dựng NTM. Theo Sở Xây dựng, thời gian đầu, công tác quy hoạch xây dựng NTM cũng bộc lộ những thiếu sót do các địa phương chỉ mới tập trung lập đồ án quy hoạch xây dựng nhằm “lấp đầy” 19 tiêu chí đã đề ra để đạt “xã đạt chuẩn NTM”. Các quy hoạch xã NTM chủ yếu hoạch định các không gian chức năng, các khu vực sản xuất, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống trong phạm vi địa bàn một xã; thiếu tính toán đến sự liên kết các xã trong vùng. Từng đồ án quy hoạch xây dựng xã NTM riêng lẻ, không hoạch định được hệ thống các công trình có thể sử dụng chung giữa các xã, bảo đảm phù hợp với nhu cầu khai thác, sử dụng và tiết kiệm đầu tư. Định hướng phát triển còn rất hạn chế, dập khuôn, dẫn đến quy hoạch riêng không phù hợp với quy hoạch vùng; hệ thống giao thông, thủy lợi, cấp thoát nước, xử lý môi trường... giữa các xã thiếu thống nhất, mạnh xã nào xã ấy làm. Do vậy, có nơi sau khi xây dựng xong công trình bỏ phí vì ít sử dụng; có đơn vị phải để công trình đã quy hoạch lại không xây dựng theo tiêu chí. Đơn cử như tiêu chí chợ, các xã Hải Thanh, Hải Phương (Hải Hậu) đã phải bỏ tiêu chí này, không xây chợ mới theo quy hoạch do 2 xã nằm sát chợ đầu mối trung tâm ở Thị trấn Yên Định. Tương tự, như việc xây dựng NVH, theo tiêu chí nhất thiết mỗi thôn đều phải có NVH riêng, thế nhưng có trường hợp NVH cả 2 thôn được quy hoạch ở vị trí liền kề nhau dẫn đến lãng phí đầu tư mà hiệu quả sử dụng chưa cao. Hay việc xác định vị trí quy hoạch xây dựng bãi chôn lấp và xử lý rác thải cũng là bài toán nan giải của nhiều địa phương khi lập quy hoạch riêng lẻ, không tính đến vấn đề liên kết vùng. Do vậy vị trí xã này quy hoạch khu bãi rác lại liền kề với khu sản xuất… của xã khác dẫn đến xung đột lợi ích. Trong các quy hoạch chung xây dựng của các xã mới chỉ chú ý quy hoạch các vùng kinh tế, làng nghề của địa phương mình mà chưa quan tâm các yếu tố liên quan như vệ sinh môi trường do quá trình sản xuất kinh doanh ảnh hưởng đến các nơi khác. Chẳng hạn các làng nghề thủ công mỹ nghệ tre nứa ghép ở Yên Ninh (Ý Yên); làng nghề đúc nhôm ở xã Nam Thanh (Nam Trực); làng nghề làm miến ở Nam Dương (Nam Trực)… gây ô nhiễm không khí, nguồn nước cho nhiều xã lân cận. Không những chỉ với quy hoạch của các xã, tính liên kết vùng trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các huyện trước đây cũng còn rất yếu. Các huyện chỉ tập trung ưu tiên quy hoạch đầu tư nguồn vốn cho các vùng, địa bàn sát đường quốc lộ (QL), tỉnh lộ; ít chú trọng đầu tư đến các địa bàn có tiềm năng phát triển kinh tế làng nghề, sản xuất nông nghiệp nhưng giao thông chưa thuận lợi. Hay sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch xây dựng các tuyến giao thông liên xã không bảo đảm độ rộng các tuyến liên quan đồng đều dẫn đến tình trạng “nút cổ chai” như tuyến đường trục Hoa - Lợi - Hải trên địa bàn huyện Nam Trực.

Thi công cụm công trình tại cửa sông Lạch Giang,Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).
Thi công cụm công trình tại cửa sông Lạch Giang,Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu).

Rút kinh nghiệm từ những bất cập thực tế trên, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành phối hợp với UBND các huyện, thành phố tập trung xây dựng các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với trọng tâm là tăng cường tính liên kết vùng với các huyện, xã, thị trấn, ưu tiên xác định các không gian kinh tế trọng điểm, các dự án đầu tư về hạ tầng tăng cường phát triển kinh tế - xã hội theo trục, hướng liên kết các vùng, miền bám sát theo quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đã được phê duyệt. Đến nay, tất cả 9 huyện đều đã hoàn thành quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Tại huyện Ý Yên, với mục tiêu phát triển khu vực kinh tế công nghiệp - dịch vụ làm động lực phát triển phía tây tỉnh, huyện đã phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh lập quy hoạch xây dựng phát triển trục đô thị tam giác Lâm - Yên Bằng - Bo (Yên Chính) trong đó định hướng thành lập Thị trấn Yên Bằng trước năm 2020 và xây dựng thành Thị xã Yên Bằng trong giai đoạn 2021-2030, là đô thị dịch vụ - thương mại, công nghiệp dọc theo sông Đáy gắn với khu vực nút giao thông Cao Bồ. Đồng thời, quy hoạch phát triển đô thị Bo (xã Yên Chính) thành đô thị loại V trong giai đoạn 2021-2030. Tập trung xây dựng khu đô thị tại Thị trấn Lâm có hạ tầng đồng bộ, kết nối thuận tiện với khu vực cũ của thị trấn và khả năng mở rộng trong giai đoạn phát triển tiếp sau. Quy hoạch xây dựng trung tâm thương mại tổng hợp có tính chất vùng tại Cao Bồ sẽ giúp huyện khai thác triệt để lợi thế về vị trí đầu mối kết nối với đường cao tốc Bắc - Nam, QL 10, đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với Thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình). Với lợi thế về địa lý, huyện Mỹ Lộc xác định không gian kinh tế của huyện phải đảm bảo kết nối tốt với Thành phố Nam Định, Thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) với trọng tâm ưu tiên phát triển mạng lưới các đô thị, thương mại, dịch vụ quy hoạch phát triển theo các QL: 21 và 21B, 10, 38B. Huyện chủ trương phối hợp tích cực trong thực hiện giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho Trung ương và tỉnh triển khai nâng cấp hoặc đầu tư mới công trình giao thông trọng điểm như các QL: 21, 10, cầu Tân Phong, tỉnh lộ 485B, tuyến tránh QL 38B, các tuyến đường trong quy hoạch mở rộng Thành phố Nam Định. Tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng và làm mới các tuyến đường huyện như: đường từ QL21A vào đền Trần Quang Khải đến xã Lộc Hòa, đường từ QL21A vào đình Sùng Văn xã Mỹ Thuận, đường cầu Viềng - Mỹ Trung, xây dựng mới đường 63B phía bên kia kênh Hữu Bị... Ngoài hạ tầng giao thông, hệ thống cấp nước cũng được các huyện chỉ đạo quy hoạch xây dựng theo các mô hình cấp nước liên xã như các mô hình cấp nước ở xã Liên Bảo (Vụ Bản), Nhà máy cấp nước Trung Đông (Trực Ninh) và theo hướng xã hội hóa kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp để khắc phục tình trạng đầu tư xây dựng thiếu hiệu quả các trạm cấp nước nhỏ lẻ tại các xã, góp phần tiết kiệm chi phí đầu tư. Hệ thống đô thị được quy hoạch xây dựng gắn kết chặt chẽ theo định hướng phát triển từng khu vực. Tiêu biểu khu vực kinh tế biển bao gồm các đô thị như Quỹ Nhất, Rạng Đông (Nghĩa Hưng), Thịnh Long, Cồn (Hải Hậu), Quất Lâm, Đại Đồng (Giao Thủy)…

Với việc tăng cường tính liên kết vùng trong xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các huyện sẽ giúp các huyện xác định được định hướng đầu tư và các dự án ưu tiên trong thời gian đầu tư trung hạn 2016-2020, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, khai thác tối đa tiềm năng thế mạnh kinh tế của từng địa phương. Thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện xây dựng chương trình hành động để cụ thể hóa các định hướng phát triển trong quy hoạch, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm. Đồng thời, nhanh chóng triển khai các dự án công trình trọng điểm có tính động lực phát triển kinh tế trên địa bàn huyện nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX ngay từ ngày đầu./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com