Phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu

07:09, 26/09/2015
Tỉnh ta có 91km đê biển nên là vùng có nguy cơ cao, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu (BĐKH), nhất là trong mùa mưa bão. Để chủ động ứng phó BĐKH, từ nhiều năm nay tỉnh ta đã chủ động thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa cho khu vực ven biển, trong đó tập trung cao cho công tác trồng rừng ven biển. 
 
Từ năm 1997 đến nay, tại các xã ven biển thuộc 3 huyện Hải Hậu, Giao Thủy và Nghĩa Hưng đã triển khai thực hiện dự án “Trồng rừng ngập mặn - Giảm thiểu rủi ro thảm họa” do Hội CTĐ Vương quốc Đan Mạch và Hội CTĐ Nhật Bản tài trợ. Các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ giống cây, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng ngập mặn giúp diện tích rừng ngập mặn được mở rộng đạt 6.510ha, góp phần ngăn chặn, từng bước đẩy lùi suy thoái môi trường, bảo tồn đa dạng sinh vật và cải thiện môi trường tại các huyện ven biển của tỉnh. Sau hơn 18 năm triển khai, dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp bảo vệ đê biển, chống BĐKH, phòng ngừa thảm họa, thiên tai. Người dân các xã ven biển đã cảm nhận rõ sự thay đổi theo chiều hướng tích cực của cường độ sóng biển và sức gió vào mùa mưa bão. Đặc biệt, diện tích rừng ngập mặn đã trồng có tác dụng bồi cao nền đất bảo vệ vững chắc cho tuyến đê biển trên địa bàn. Thực tế cho thấy, ở các đoạn đê biển có rừng ngập mặn che chắn đã giảm tình trạng sạt lở, xói mòn, triều cường giảm nên không xảy ra vỡ đê. Chi phí tu bổ sửa chữa đê biển hằng năm cũng giảm đáng kể. Người nuôi tôm cũng không còn lo lắng nước tràn làm vỡ đầm mỗi khi mưa bão. Hoạt động nuôi trồng thủy sản dần đi vào ổn định, người dân yên tâm phát triển kinh tế gắn với biển. Không những vậy, rừng ngập mặn phát triển tốt đã tích tụ đất phù sa, tạo môi trường cho sinh vật biển sinh trưởng, phát triển ngày càng phong phú, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong vùng thụ hưởng dự án, nhất là người nghèo, có thêm sinh kế, thu nhập từ khai thác thủy hải sản, nuôi ong lấy mật... Dự án cũng đã làm thay đổi thói quen, hành vi của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, nhận thức của người dân các xã ven biển ngày càng nâng cao, đã tích cực tham gia trồng, bảo vệ rừng, ứng phó với BĐKH. 
Cán bộ Sở NN và PTNT phối hợp cùng cán bộ, chiến sĩ biên phòng trồng phi lao tại khu vực rừng ven biển xã Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng).
Cán bộ Sở NN và PTNT phối hợp cùng cán bộ, chiến sĩ biên phòng trồng phi lao tại khu vực rừng ven biển xã Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng).
Nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, hài hòa lợi ích quốc gia và địa phương, tăng cường khả năng thích ứng BĐKH và nước biển dâng, tỉnh đã triển khai đề án “Bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với BĐKH giai đoạn 2015-2020” với các mục tiêu: bảo vệ và giữ vững diện tích rừng trồng ven biển hiện có của tỉnh; trồng mới 250ha, trồng bổ sung 500ha rừng phòng hộ ven biển. Tăng cường truyền thông để các tầng lớp nhân dân vùng ven biển thấy rõ lợi ích thiết thực và vai trò lớn của rừng đối với việc phòng, chống thiên tai, ứng phó BĐKH; nắm vững chính sách của Nhà nước từ đó có trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng ven biển. Đến nay, ngành chức năng đã tiến hành kiểm kê rừng theo Quyết định 549/QĐ-TTg ngày 15-4-2015 của Thủ tướng Chính phủ nhằm quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có của tỉnh, trong đó trọng điểm là rừng ven biển. Rà soát, bổ sung nhiệm vụ nâng cao chất lượng và trồng mới rừng tại vùng lõi vào dự án đầu tư xây dựng Vườn quốc gia Xuân Thủy. Kiểm tra, giám sát, đôn đốc các dự án về bảo vệ, phát triển rừng ven biển đang được triển khai trên địa bàn tỉnh và 2 dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục khởi công mới theo Quyết định số 120/QĐ-TTg với quy mô 250ha thuộc nguồn vốn chương trình ứng phó BĐKH. Bao gồm: Dự án bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển tỉnh giai đoạn 2015-2020; Dự án giảm sóng ổn định bãi và trồng rừng ngập mặn bảo vệ nam Cồn Xanh (Nghĩa Hưng). Từ năm 2016-2010: tiến hành xây dựng một số mô hình canh tác tổng hợp (rừng - thủy sản - nông- lâm kết hợp) nhằm khai thác và sử dụng bền vững, hiệu quả các nguồn tài nguyên rừng ven biển; tập huấn kiến thức cho lãnh đạo địa phương và cộng đồng dân cư ven biển về BĐKH, các chính sách của Nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng ven biển; xây dựng một số đề tài nghiên cứu khoa học về rừng ngập mặn ven biển tỉnh và đề xuất các giải pháp phát triển rừng ngập mặn theo hướng đa dạng sinh học và bền vững. 
 
Để nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường phối hợp, thực hiện các nhiệm vụ theo chuyên ngành. Sở TN và MT chủ trì, phối hợp với Sở NN và PTNT và các huyện ven biển rà soát, thu hồi đất sử dụng trái phép của các tổ chức, cá nhân (đất thuộc hành lang bảo vệ đê biển hoặc các diện tích rừng bị thiệt hại sau bão, đất lấn chiếm) để trồng rừng. Sở KH và CN tuyển chọn một số nhiệm vụ KHCN nghiên cứu bảo tồn, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng ven biển tỉnh phục vụ phòng hộ và ứng phó với BĐKH. Ứng dụng, chuyển giao kết quả nghiên cứu cho các huyện ven biển trong công tác trồng, phục hồi và phát triển rừng ven biển. Công an tỉnh, BĐBP tỉnh, Bộ CHQS tỉnh xây dựng kế hoạch bảo vệ an ninh vùng ven biển lồng ghép với nhiệm vụ bảo vệ rừng ngập mặn; phối hợp với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách kiểm tra, phát hiện và xử lý các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng như chặt phá rừng, lấn chiếm rừng ngập mặn. Các tổ chức hội, đoàn thể tập trung tuyên truyền cho hội viên về nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng và tích cực tham gia vào công tác bảo vệ, trồng mới rừng ở địa phương. UBND các huyện ven biển rà soát diện tích bãi bồi ven biển thuộc địa bàn quản lý, bổ sung quy hoạch nhằm phát triển rừng ngập mặn có quy mô phù hợp để phát triển kinh tế thủy sản; phối hợp với Sở NN và PTNT hoàn thiện và tổ chức thực hiện “Dự án bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2015-2020” và các dự án vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy. Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng; căn cứ kết quả kiểm kê rừng năm 2015 và diện tích rừng được bàn giao về địa phương để xây dựng kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn của huyện; quản lý và tổ chức thực hiện tốt các quy định của Chính phủ về sử dụng, chuyển đổi rừng ngập mặn sang mục đích khác; triển khai hiệu quả các chương trình, dự án ứng phó BĐKH và rừng ngập mặn./.
 
Bài và ảnh:  Thanh Thuý
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com