Trong giai đoạn từ năm 2010-2015, Bộ KH và CN đã hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh thực hiện 8 dự án thuộc Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi” (Chương trình NTMN) với tổng số tiền đầu tư hơn 44 tỷ 594 triệu đồng.
|
Cán bộ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở KH và CN) kiểm tra mô hình trồng khoai tây theo phương pháp khí canh. |
Thực hiện các dự án, người dân trong tỉnh đã tiếp nhận, ứng dụng 58 quy trình công nghệ thuộc các lĩnh vực chính như: công nghệ chăn nuôi lợn siêu nạc; công nghệ sản xuất muối sạch; công nghệ sản xuất hạt giống đậu tương và đậu tương thương phẩm có chất lượng cao như Đ8, Đ2101; công nghệ vi sinh sản xuất thức ăn chăn nuôi; công nghệ sản xuất các chế phẩm sinh học phục vụ trồng rau, quả an toàn; công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá lăng chấm; công nghệ khí canh để sản xuất giống khoai tây sạch bệnh... Các dự án giúp đào tạo được 11 cán bộ quản lý, 68 cán bộ kỹ thuật và tập huấn phổ biến chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho trên 1.000 nông dân tại các địa phương thụ hưởng dự án; xây dựng 45 mô hình ứng dụng và chuyển giao KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội... góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn. Đặc biệt nhóm các dự án ứng dụng tiến bộ trong nuôi trồng thủy hải sản đã có những tác động tích cực vào nghề nuôi trồng thủy sản tại các vùng nội đồng và vùng ven biển thuộc các huyện: Nam Trực, Trực Ninh, Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng… giúp bổ sung đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao vào cơ cấu con nuôi thủy sản, giảm tối đa việc khai thác giống tự nhiên nhằm bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, cân bằng sinh thái vùng cửa sông ven biển, góp phần bổ sung nguồn giống phục vụ cho nhu cầu phát triển nghề nuôi ngao, hàu, tôm tại vùng ven biển. Trong lĩnh vực chăn nuôi, dự án “Ứng dụng công nghệ nuôi lợn siêu nạc theo phương thức công nghiệp, phát triển đàn giống lợn bố mẹ tại tỉnh Nam Định” do Cty TNHH Thái Việt triển khai tại xã Giao Thịnh (Giao Thủy) và xã Hải Lộc (Hải Hậu), áp dụng nghiêm ngặt quy trình sản xuất giống lợn nái, lợn đực giống theo 15 tiêu chuẩn kỹ thuật công nghệ Thái Lan. Dự án còn giúp gây đàn lợn đực giống Pietrain kháng stress có nguồn gốc từ Bỉ có khả năng sinh trưởng tốt, kháng bệnh cao và hệ số tiêu tốn thức ăn thấp hơn so với giống đang sử dụng đại trà. Qua cung cấp nguồn lợn giống đồng thời phổ biến nguồn gen tốt để phát triển đàn lợn, người chăn nuôi được tiếp cận công nghệ chăn nuôi tiên tiến, cung ứng nguồn thực phẩm chất lượng cao cho người tiêu dùng. Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất muối sạch tại xã Bạch Long (Giao Thuỷ)” là tiền đề phát triển công nghiệp sản xuất muối sạch tại Nam Định và các tỉnh phía Bắc với dây chuyền công nghệ hiện đại nhất hiện nay từ chế biến, sấy muối tinh chất lượng cao thông qua các mô hình sản xuất muối sạch quy mô hàng nghìn tấn muối tinh/năm và 10 nghìn tấn muối sấy/năm. Sau khi áp dụng quy trình kỹ thuật mới, sản phẩm muối sạch đã đạt các chỉ tiêu kỹ thuật đủ tiêu chuẩn sử dụng trong nước và xuất khẩu. 10 cán bộ quản lý, kỹ thuật, công nhân viên vận hành dây chuyền và 400 nông dân xã Bạch Long tham gia dự án đã thuần thục các quy trình vận hành máy móc, kiểm định tính chất lý, hoá của muối và tạp chất, các phương pháp loại bỏ tạp chất trong muối... và kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm muối tinh trên dây chuyền sản xuất mới. Từ những kỹ thuật viên nòng cốt này, kỹ thuật sản xuất muối sạch lại tiếp tục được phổ biến cho diêm dân ở cả 3 huyện ven biển để mở rộng sản xuất muối nguyên liệu cho các nhà máy chế biến các loại muối khác như muối i-ốt, bột canh và các loại muối công thức khác. Vừa góp phần bảo vệ nghề sản xuất muối truyền thống của người dân ven biển, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường và dần thay thế các sản phẩm nhập ngoại, nâng cao thu nhập cho bà con diêm dân là lợi ích kép mà dự án này mang lại. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các dự án thuộc chương trình này cũng còn một số hạn chế. Tính bền vững của một số mô hình chưa cao nên sức lan toả tác động vào sản xuất, kinh doanh còn hạn chế; đối tượng hưởng lợi mới chỉ giới hạn ở địa bàn thực hiện dự án. Sự phối hợp giữa cơ quan chuyển giao công nghệ và cơ quan quản lý KH và CN ở địa phương chưa thật chặt chẽ, vì vậy khi tổ chức thực hiện gặp rất nhiều khó khăn. Thị trường tiêu thụ sản phẩm ứng dụng công nghệ mới không ổn định nên tác động tiêu cực đến việc duy trì và nhân rộng mô hình. Đặc biệt nhóm đối tượng mà dự án chuyển giao công nghệ là các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn nhưng lực lượng chủ yếu đóng vai trò quan trọng trong việc nhân rộng và phát triển hiệu quả công nghệ sau khi dự án kết thúc là người nông dân. Tuy nhiên một số thói quen, tác phong lao động lạc hậu của nông dân như thiếu tính tập thể khả năng làm việc theo nhóm, tuân thủ nghiêm ngặt những quy trình kỹ thuật cơ bản còn hạn chế và cả hạn chế, yếu kém về kinh tế đã khiến các dự án thường không thể mở rộng khi hết hỗ trợ của dự án. Bên cạnh đó trung bình mỗi dự án đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng theo quy định của chương trình thì Bộ KH và CN chỉ hỗ trợ 30% vốn dự án, phần còn lại do địa phương và đơn vị thực hiện đối ứng. Đây là một hạn chế khi nguồn ngân sách KHCN tỉnh ta còn hạn hẹp, các doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ.
Để các dự án thuộc Chương trình NTMN đạt hiệu quả hơn nữa, Sở KH và CN cần tiếp tục nâng cao năng lực cán bộ quản lý dự án, lựa chọn công nghệ kỹ thuật phù hợp với nhu cầu ứng dụng của người dân. Cùng với đó có cơ chế phối hợp, lồng ghép chương trình này với các chương trình dự án KHCN khác để tập trung sức mạnh tổng hợp về tài chính và đội ngũ kỹ thuật viên; thúc đẩy xã hội hóa nhằm huy động được nhiều nguồn lực xã hội thực hiện chuyển giao công nghệ và nhân rộng kết quả các mô hình ứng dụng sau khi kết thúc dự án./.
Bài và ảnh:
Nguyễn Hương