Những người góp sức xây dựng Trường Sa

08:09, 11/09/2015

Giữa những ngày Tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp về thôn Bỉnh Di, xã Giao Thịnh (Giao Thủy), được gặp một số người thợ đã từng đóng góp công sức nhỏ bé của mình xây dựng nhiều công trình nơi quần đảo Trường Sa của Tổ quốc.

Có lẽ rất ít người biết, đã hơn 10 năm nay, các thế hệ người dân xã Giao Thịnh, trong đó chủ yếu là người dân thôn Bỉnh Di nối tiếp nhau, tham gia xây dựng các công trình ở Trường Sa. Ông Lê Văn Biền (sinh năm 1950), ở xóm 6, một trong những người thợ đầu tiên của làng Bỉnh Di được ra xây dựng tại quần đảo Trường Sa bồi hồi nhớ lại: Thiếu tướng Hoàng Kiền là người gốc làng Bỉnh Di. Năm 1991, khi đang là Trung đoàn trưởng Trung đoàn công binh 83 (Bộ Tư lệnh Hải quân), được giao nhiệm vụ xây dựng đảo Nam Yết (nằm ở phía nam cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa), Thiếu tướng Hoàng Kiền đã về làng vận động anh em trong làng ai biết xây, làm mộc giỏi và có đủ sức khoẻ, lý lịch tốt thì cùng nhau ra xây dựng đảo. Đây không chỉ là công việc lao động kiếm sống đơn thuần mà còn là công việc có ý nghĩa đối với quê hương, đất nước. Từ đó, ông đã tập hợp anh em trong làng thành ba tổ; trong đó, tổ thợ nề có 7 người do ông làm đội trưởng, tổ thợ mộc có hơn 10 người do ông Đỗ Phưởng ở xóm 6, làm đội trưởng và thêm tổ phục vụ gồm 4 người do ông Đỗ Đoàn (xã Giao Tân) làm đội trưởng. “Chúng tôi là những người ra xây dựng đảo đầu tiên. Khi đó, chúng tôi phải vận chuyển ra đảo từng hòn đá, từng bao xi măng, để xây dựng nhà ở, nhà chùa, tường bao, hầm hào, kè bờ ở ngoài đảo để người dân ra đó sinh sống, phục vụ quân sự và cũng là chỗ để những ngư dân đánh bắt hải sản có chỗ trú chân nếu gặp mưa bão. Sau 3 tháng xây dựng xong, chúng tôi được trở về đất liền”. Ông Biền chia sẻ thêm, khi đó ngoài đảo chưa có người dân ở, chỉ có bộ đội sinh sống, mọi thứ rất khó khăn, nước ngọt phải tiết kiệm từng bát và chia nhau từng xô nước để tắm giặt, thức ăn chủ yếu là đồ khô, lương khô. Khó khăn, vất vả là vậy song ai cũng cảm thấy vui và tự hào.

Ông Đỗ Ngọc Quyển và ông Lê Văn Biền (bên phải ảnh) lần giở những kỷ vật là chiếc bàn xoa, dao xây, bay, thước dây… đã cùng các ông xây dựng ở Trường Sa.
Ông Đỗ Ngọc Quyển và ông Lê Văn Biền (bên phải ảnh) lần giở những kỷ vật là chiếc bàn xoa, dao xây, bay, thước dây… đã cùng các ông xây dựng ở Trường Sa.

Còn trong ký ức của ông Đỗ Ngọc Quyển, 3 lần đi xây dựng Trường Sa là 3 lần để lại trong ông nhiều kỷ niệm. Lần đầu tiên là sau Tết Nguyên đán năm Quý Dậu - 1993, ông và một số người khác như: ông Nguyễn Văn Sáng, xã Giao Tân; ông Trần Văn Điểu, xóm 6, ông Nguyễn Văn Viễn, xóm 5, ông Vũ Văn Ngôn, xóm 3… ở xã Giao Thịnh đã đăng ký ra xây dựng quần đảo Trường Sa. Sau khi ăn Tết, các ông được lệnh di chuyển vào tập kết ở Cảng Cam Ranh (Khánh Hòa). Lênh đênh trên biển 2 ngày, 1 đêm mới ra đến đảo Sinh Tồn. Những người được chọn ra xây đảo thường ở độ tuổi từ 18 đến 40 tuổi, có sức khoẻ tốt. Trước khi đi, những người thợ đều được khám sức khoẻ đầy đủ, kiểm tra hồ sơ lý lịch nếu đủ điều kiện mới được đi. Vừa ra đến đảo là các ông đã bắt tay ngay vào việc xây dựng nhà chỉ huy và các công trình phụ trợ. Trên đảo, việc xây dựng luôn gặp khó khăn trong khi yêu cầu là phải tìm mọi cách để thi công nhanh chóng, bàn giao công trình trước mùa mưa bão. Ở trên đảo, nước ngọt thiếu thốn, mỗi ngày chỉ có 3 lít nước ngọt để dùng cho mỗi cá nhân, còn lại đa số nước để dùng cho việc xây dựng. Rau xanh thiếu thốn, đất ít, chỉ toàn cát, đá. Có một bác thợ ra ngoài thấy rau muống biển ngon quá, hái về ăn nhưng bị ngộ độc phải đi cấp cứu… Đây cũng là năm có nhiều khó khăn, đặc biệt là phía Trung Quốc thường xuyên cho tàu Hải giám bao vây đảo, thả tàu xuồng nhằm ngăn cản việc xây dựng của ta. Theo ông Quyển, xây nhà trên đảo không như ở đất liền, cũng là công trình nhà cấp 1 nhưng xây ở đất liền chỉ cần 2 tháng là hoàn thiện, nhưng ở đảo chìm thì ít nhất phải mất 6 đến 7 tháng. Xây nhà trên đảo còn phụ thuộc vào con nước, thời tiết. Thời gian thuận lợi để xây dựng là từ tháng 3 đến tháng 10 dương lịch, những tháng còn lại trời thường có giông bão. Nếu con nước xuống, thời tiết thuận lợi thì toàn bộ anh em phải dồn sức gấp 5, gấp 10 để chạy đua với thủy triều, thời tiết. Không có ngày nghỉ, bất kể thời gian sớm tối, là những đặc thù của nghề thợ xây ở Trường Sa. Sau khi hoàn thành xây dựng ở đảo Sinh Tồn, ông trở về đất liền, đến năm sau lại lên đường và tiếp tục ra xây dựng đảo Sơn Ca vào năm 1994 và xây dựng đảo Nam Yết vào năm 2011. Chuyến đi dài nhất của ông và một số tốp thợ chính là năm 2011-2012, với quy mô công trình xây nhà 4 tầng, gọi là nhà văn hóa trên đảo Trường Sa Lớn do Ngân hàng NN và PTNT Việt Nam tài trợ. Chuyến đi này có hơn 20 người chia làm 2 tổ: 1 tổ chuyên tập kết vận chuyển đất, đá, nguyên vật liệu, 1 tổ chuyên xây dựng… Theo ông Quyển, vì xây dựng ngoài đảo nên công việc cũng phải phụ thuộc vào con nước, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết nên các tốp thợ thường đi vào 2 đợt. Đợt đầu năm từ tháng 1 âm lịch đến tháng 8, đợt hai từ tháng 10 âm lịch đến Tết.

Qua bao thế hệ, người thợ làng Bỉnh Di ra xây đảo, quà mang về từ Trường Sa bao giờ cũng chỉ là những vỏ ốc, vỏ ngao đủ kích cỡ là minh chứng cho những ngày tháng lao động không mệt mỏi của người dân nơi đây. Với người làng Bỉnh Di, đi xây đảo, lý do làm kinh tế chỉ là một phần mà quan trọng hơn của việc ra xây dựng đảo là vì Trường Sa là biển, đảo của Tổ quốc. Chính vì vậy, góp một phần công sức nhỏ bé vào việc bảo vệ, kiến thiết đảo thêm vững mạnh, giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng là trách nhiệm và cũng là niềm tự hào của mỗi người dân nói chung và của người dân làng Bỉnh Di nói riêng./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com