Những doanh nhân cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

04:09, 19/09/2015

Sau những năm tháng xông pha trận mạc trở về quê hương, những người lính năm xưa đã phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Trong số đó có rất nhiều người đã trở thành những doanh nhân thành đạt làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Sinh ra và lớn lên tại xã Giao Tiến (Giao Thủy), tháng 11-1976, cũng như nhiều thanh niên cùng trang lứa, ông Lê Huy Điệp lên đường nhập ngũ và được biên chế vào một đơn vị của Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng). Năm 1984, ông xuất ngũ trở về địa phương và vào làm việc tại HTX cơ khí Xuân Thủy. Sau khi HTX giải thể, ông phải xoay xở đủ các nghề để kiếm sống song công việc vất vả mà thu nhập không đáng là bao. Với bản chất cần cù, chịu khó, không chịu lùi bước trước khó khăn, CCB Lê Huy Điệp nung nấu quyết tâm thoát nghèo ngay trên mảnh đất quê hương. Năm 2001, với số vốn ít ỏi, ông vay mượn thêm anh em, bạn bè và đứng ra thành lập Cty TNHH Cơ khí Quyết Tiến chuyên về lĩnh vực sản xuất máy xây dựng như: máy trộn bê tông, máy tời kéo vật liệu... Chia sẻ về những ngày đầu gian khó, ông Điệp cho biết: Thời kỳ mới thành lập, Cty tôi gặp rất nhiều khó khăn về vốn. Tôi đã nhờ đến anh em, họ hàng rồi vay ngân hàng để có tiền mua nguyên vật liệu, thuê công nhân. Khi ổn định được sản xuất thì khó khăn nhất đối với tôi là thị trường tiêu thụ. Để cạnh tranh với các thương hiệu khác tôi đã lăn lội đi đến các cơ sở chuyên về lĩnh vực xây dựng giới thiệu mẫu mã và chất lượng sản phẩm, đặc biệt là những ưu việt khi sử dụng sản phẩm của Cty là tiết kiệm thời gian và chi phí trong quá trình vận hành, sử dụng. Nhờ đó Cty dần dần có lượng khách hàng ổn định. Đến nay, Cty của ông có số vốn hoạt động cố định lên tới hàng tỷ đồng. Tháng 10-2014, ông đã mở rộng xưởng sản xuất lên tới 12 nghìn m2, tạo công ăn việc làm cho hơn 100 công nhân với thu nhập bình quân đạt từ 5-6 triệu đồng/tháng. Sản phẩm của Cty có chất lượng bền, mẫu mã phong phú, đa dạng nên được khách hàng các nước Lào, Căm-pu-chia, Mi-an-ma… rất ưa chuộng. Bình quân Cty của ông xuất khẩu hàng nghìn sản phẩm máy móc/năm, năm 2014, doanh thu của Cty đạt hàng chục tỷ đồng. Không những làm kinh tế giỏi, CCB Lê Huy Điệp còn tích cực giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Bản thân ông còn tích cực tham gia đóng góp làm các công trình phúc lợi trong thôn, xóm, hằng năm ông ủng hộ từ 20-30 triệu đồng cho công tác từ thiện, nhân đạo ở địa phương.

CCB Lê Huy Điệp, xã Giao Tiến (Giao Thủy) tại xưởng sản xuất của gia đình.
CCB Lê Huy Điệp, xã Giao Tiến (Giao Thủy) tại xưởng sản xuất của gia đình.

Ở xóm Lạc Quần, xã Xuân Ninh (Xuân Trường), nhiều người cảm phục về nghị lực vượt khó vươn lên làm giàu của CCB Phan Trọng Điền. Năm 1984, ông lên đường nhập ngũ tham gia quân tình nguyện giúp nước bạn Lào, thuộc đơn vị C12, D19, E484, Mặt trận 379, trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Thượng Lào. Trong một trận chiến đấu ác liệt, ông đã bị thương nặng. Năm 1986, do điều kiện sức khỏe, ông được chuyển về ban tham mưu của trung đoàn E484, đến tháng 10-1987, ông trở về địa phương, là thương binh 4/4. Sau khi về địa phương, cuộc sống của ông gặp rất nhiều khó khăn, ông đã xin vào làm việc tại Cty Bia ong Xuân Thủy. Trong 4 năm làm việc tại Cty, được đi công tác vào các tỉnh miền Trung, miền Nam, ông thấy các nghệ nhân làng nghề ở đây sử dụng sáp ong trong việc sản xuất và tạo mẫu các hoa văn, họa tiết phục vụ trong việc đúc đồng. Vốn sinh ra trên đất nghề cộng với bản tính ham học hỏi, tìm tòi, ông cất công tìm hiểu tác dụng của sáp ong trong việc đúc đồng và đến làng nghề Kiên Lao xin học nghề, ông còn lặn lội lên tận Đại Bái (Bắc Ninh) để học đúc tượng… Khi có đủ kinh nghiệm, ông đã cùng với anh em họ hàng chung vốn mở xưởng đúc đồng mang tên Cty đúc đồng Nam Thiên. Chia sẻ về những khó khăn ban đầu của Cty, ông Điền cho biết: Ban đầu đối với những người thợ mới như tôi, làm ra được sản phẩm đã khó, tìm được thị trường tiêu thụ càng khó khăn hơn vì sản phẩm phải mang tính cạnh tranh với các sản phẩm khác, trong đó thương hiệu thì chưa có nên các sản phẩm làm ra chủ yếu tiêu thụ tại địa phương… Không nản lòng, ông lăn lộn đi tìm thị trường tiêu thụ, giới thiệu sản phẩm từ Nam ra Bắc. Tiếng lành đồn xa, dần dần ông đã có lượng khách hàng quen và ổn định, tạo được uy tín trong và ngoài nước, chủ yếu xuất sang các nước: Lào, Trung Quốc, Mỹ, Ca-na-đa… Bên cạnh đó, ông còn phát triển nghề mộc với các sản phẩm làm đồ thờ, các kiệu trong chùa chiền và phục chế nhà cổ… Với đa dạng các sản phẩm mẫu mã, Cty đúc đồng Nam Thiên đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, doanh thu của Cty đạt hàng chục tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài phát triển kinh tế gia đình, ông còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, ủng hộ sổ tiết kiệm cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đóng góp trùng tu lại nghĩa trang liệt sĩ xã với số tiền hơn 100 triệu đồng, ủng hộ đúc tượng đồng Trần Hưng Đạo cho đình Lạc Quần của xã với giá trị trên 100 triệu đồng…

Trở về sau chiến tranh, những người lính Cụ Hồ năm xưa lại vững vàng trên mặt trận phát triển kinh tế, trở thành những doanh nhân tiêu biểu về nghị lực vượt khó vươn lên làm giàu, là tấm gương sáng cho thế hệ con cháu học tập và noi theo./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com