Vào một ngày đầu tháng 8, chúng tôi đến thăm làng nghề mộc thôn Đông Đò, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh), một nghề có truyền thống lâu đời của địa phương. Từ đầu thôn, chúng tôi đã bắt gặp không khí làm nghề hết sức sôi động. Âm thanh của những tiếng máy cưa, tiếng đục, tiếng bào, tiếng xẻ hoà quyện vào nhau rộn rã. Từng đống gỗ nguyên liệu và những sản phẩm mộc thô còn thơm mùi gỗ được xếp tầng ngay ngắn thành hàng, thành lối khắp trong nhà ra đến ngoài sân ở mỗi gia đình. Nghề mộc của thôn đang góp phần làm khởi sắc đời sống kinh tế và cuộc sống người dân nơi đây.
Ông Lương Đức Mươi, Trưởng thôn Đông Đò cho biết: Nghề mộc ở thôn chúng tôi đã có từ gần trăm năm nay. Đồ mộc của thôn rất đa dạng gồm các sản phẩm mộc dân dụng như tủ, bàn, giường, ghế, kệ… đến các sản phẩm mộc mỹ nghệ tinh xảo hơn như cầu thang, con tiện, đồ thờ... Hiện, thôn có khoảng trên 20 hộ gia đình làm nghề mộc với 6, 7 xưởng mộc lớn, 15 xưởng vừa và nhỏ, tạo việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập bình quân đạt 7-8 triệu đồng/người/tháng. Cũng như nhiều hộ gia đình trong thôn, anh Vũ Đức Thụ đã có hơn 10 năm gắn bó với nghề mộc. Ban đầu không có vốn, anh đi làm thuê cho các xưởng mộc trong làng. Sau vài năm tích lũy vốn liếng, kinh nghiệm, 3 năm trở lại đây, anh đã mở được xưởng mộc riêng chuyên sản xuất các sản phẩm gỗ gia dụng là kệ tủ, tủ 2-3 buồng, bàn trang điểm, tủ tường, kệ góc… Thời gian đầu mới mở, quy mô xưởng mộc còn nhỏ, sản phẩm làm ra chủ yếu dựa trên đơn đặt hàng của anh em, họ hàng và một số người dân trong thôn, xã. Tuy nhiên, với bàn tay khéo léo, lòng yêu nghề, chịu khó tìm tòi, sáng tạo, các sản phẩm mộc của xưởng ngày càng có tiếng và được nhiều khách hàng tìm đến đặt hàng. Trung bình mỗi tháng, xưởng mộc của anh làm được khoảng vài chục sản phẩm, mang lại thu nhập từ 100 đến 120 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 2-3 công nhân với mức lương từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Nói về hiệu quả của nghề mộc lâu đời ở thôn Đông Đò, anh Thụ chia sẻ: "Nghề mộc đã và đang giúp gia đình tôi cũng như rất nhiều hộ dân trong thôn có được cuộc sống và thu nhập ổn định. Tuy nhiên, để nghề mộc có thể tiếp tục phát triển ổn định tại địa phương, mỗi người làm nghề luôn phải đề cao chữ tín trong sản xuất, kinh doanh. Mẫu mã, chất lượng sản phẩm luôn phải sáng tạo, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng thì sản phẩm mới có chỗ đứng vững vàng trên thị trường"… Cũng như anh Thụ, các hộ gia đình làm mộc ở Đông Đò cũng luôn “nằm lòng” nguyên tắc trên.
Sản xuất đồ gỗ ở xưởng mộc của anh Đỗ Văn Đảm, thôn Đông Đò, Thị trấn Cổ Lễ, Trực Ninh. |
Có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, làng mộc thôn Đông Đò từng trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm khác nhau. Nhớ lại nghề làm mộc của thôn những năm về trước, ông Mươi cho biết thêm: “Trước đây, nghề mộc của thôn chỉ mang tính tự phát, các sản phẩm làm ra khá đơn điệu, sản xuất chủ yếu chỉ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương. Do đó, giá trị sản phẩm không cao, nghề mộc khi đó chỉ được coi là nghề phụ. Thu nhập của người dân chủ yếu vẫn dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính nên đời sống rất khó khăn. Tuy nhiên, những năm gần đây, các hộ sản xuất đồ mộc Đông Đò đã chủ động tìm hiểu nắm bắt nhu cầu sản phẩm mộc trên thị trường cộng với sự nỗ lực, tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, mẫu mã sản phẩm nên các mặt hàng đồ gỗ của thôn ngày càng đa dạng, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng”. Sản phẩm mộc của Đông Đò vì thế ngày càng đẹp và tinh xảo hơn, không chỉ đa dạng về chủng loại, kiểu dáng sản phẩm mà giá cả cũng rất hợp lý. Sử dụng các loại gỗ như: dổi, đinh hương, huỳnh đàn, chò, lim, gụ… trong đó chủ yếu là dổi, đinh hương, gụ để đóng, đồ gỗ của thôn hiện được nhiều khách hàng trên thị trường đánh giá là chắc chắn, bền, đẹp. Sản phẩm của làng vì thế có thể theo chân những thợ mộc tài hoa đi nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc như: Ninh Bình, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nội, Hải Dương hay vào tận các tỉnh miền Trung như: Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị… Trong thôn, hiện có một số hộ mở được những xưởng mộc lớn, làm ăn hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động. Có thể kể đến các xưởng mộc của anh Đỗ Văn Du, diện tích rộng hơn 100m2, tạo việc làm cho 5 lao động, mỗi năm xuất bán hàng nghìn sản phẩm. Xưởng gỗ của các anh Đỗ Văn Khải, Đỗ Văn Đảm… được đầu tư các loại máy móc hiện đại như: máy cưa, máy đục vi tính, máy CD đứng, máy chà, máy soi... mỗi tháng riêng các sản phẩm lớn như kệ, tủ có thể làm được từ 30-40 chiếc. Từ tháng 8 đến tháng 12 là thời điểm nghề mộc trong thôn vào vụ. Khi đó, đơn đặt hàng có thể nhiều gấp 1,5-2 lần so với các thời điểm khác trong năm.
Để nghề mộc lâu đời Đông Đò đứng vững trên thị trường, hiện nay nhiều xưởng gỗ trong thôn còn chú trọng đào tạo, truyền nghề cho lao động địa phương, đặc biệt là các lao động trẻ, góp phần củng cố và phát triển nghề cha ông để lại. Tại những xưởng lớn của các anh Khải, anh Đảm, anh Du... lúc nào cũng có vài ba thanh niên trong thôn, ngoài làng đến xin học nghề. Nghề mộc của thôn, do đó sẽ còn tiếp tục được duy trì lâu dài. Tuy nhiên, như nhiều làng mộc khác trong tỉnh, sản phẩm đồ gỗ của Đông Đò hiện chịu sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm gỗ nhập ngoại từ các nước như Đài Loan, Trung Quốc hoặc các làng nghề gỗ khác. Để làng nghề phát triển bền vững, bài toán đặt ra cho mỗi người làm nghề ngoài việc đa dạng hóa sản phẩm còn phải quan tâm đặc biệt đến chất lượng sản phẩm và giá thành phù hợp. Ngoài ra, theo chính những thợ mộc trong thôn, những năm gần đây, nhiều xưởng mộc đã bắt đầu quan tâm đến chế độ bảo hành, “chăm sóc khách hàng” khi đồ gỗ bị hư hỏng, tạo niềm tin, vị trí nhất định cho người tiêu dùng.
Cùng với những làng nghề mộc có truyền thống lâu đời khác trong tỉnh như La Xuyên (Ý Yên), Phạm Rỵ, Tam Tùng Đông (Hải Hậu)…, làng nghề mộc Đông Đò, Thị trấn Cổ Lễ đang dần khẳng định vị trí của mình bởi hiệu quả kinh tế mà nghề mộc mang lại. Trải qua nhiều thăng trầm, những người thợ của làng nghề với bàn tay tài hoa, óc sáng tạo đã tạo ra những sản phẩm đồ gỗ đẹp, tinh tế, chất lượng; góp phần gìn giữ nghề cha ông để lại. Rời Đông Đò trong những tiếng đục đẽo, tiếng máy cưa ồn ã, chúng tôi nhớ nhất vẫn là hình ảnh những người thợ trẻ đang mải miết học nghề. Để cùng hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn cho nghề mộc Đông Đò./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân