Nam Thắng phát triển kinh tế sinh vật cảnh

08:09, 22/09/2015
Đi trên các tuyến đường trục về xã Nam Thắng (Nam Trực), chúng tôi gặp hàng đoàn xe ô tô tải vận chuyển cây thế, cây bóng mát đi tiêu thụ. Còn trên các cánh đồng rộng lớn, hàng trăm người dân đang chăm sóc, thu hoạch cây cỏ nhung Nhật. Ông Lâm Công Chuẩn, Chủ tịch Hội SVC xã cho biết: “Phong trào SVC ở xã phát triển mạnh, hiện thu hút khoảng 90% số hộ trong xã tham gia, tạo việc làm ổn định với thu nhập cao trên chính đồng đất quê hương”.
Thu hoạch cây cỏ nhung Nhật trên cánh đồng xã Nam Thắng.
Thu hoạch cây cỏ nhung Nhật trên cánh đồng xã Nam Thắng.
Xã Nam Thắng nằm ven sông Hồng, có diện tích đất rộng, màu mỡ do phù sa bồi đắp nên rất thuận lợi cho trồng trọt, trong đó có nghề cây cảnh. Để tạo thuận lợi cho phong trào SVC phát triển, từ những năm 1990, Hội SVC xã đã được thành lập; quy tụ những người đam mê và phổ biến kinh nghiệm về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cảnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế. Đến nay, Hội SVC xã có 170 hội viên sinh hoạt ở 10 chi hội trong xã, trong đó có trên 10 hội viên được Hội SVC tỉnh phong tặng nghệ nhân SVC. Các chi hội đã tích cực vận động hội viên ở 2 HTX nông nghiệp Dương A và Đại An của xã đẩy mạnh việc trồng, chăm sóc cây cảnh, cây ăn quả... Diện tích trồng cây cảnh được mở rộng do người dân đã tích cực chuyển đổi đất vườn, đất ven bờ ao, kênh mương, đất trồng dâu... để trồng cây cảnh, cây bóng mát và cỏ nhung Nhật. Đến nay, toàn xã đã chuyển đổi gần 80ha đất sang trồng cây cảnh, trong đó khu vực HTXNN Đại An chuyển đổi khoảng 50ha, khu vực HTXNN Dương A chuyển đổi khoảng 30ha. Năm 2013, diện tích cây cỏ nhung Nhật ở xã chỉ có 5-7ha, đến nay đã mở rộng trên 20ha. Bà Trần Thị Hiền, một hộ trồng cỏ nhung Nhật trong xã cho biết: “Cây cỏ Nhật là loài sinh sản vô tính nên chỉ mất công trồng ban đầu, sau khi thu hoạch chỉ cần để lại chân thì cỏ sẽ mọc tiếp. Khi muốn nhân giống để mở rộng diện tích, chỉ cần tách cỏ trồng sang khoảnh đất khác mà không cần phải tốn chi phí mua hạt hoặc cây giống”. Bình thường trong một năm cỏ nhung Nhật cho thu hoạch 2,5 vụ, nếu chăm sóc tốt, thời tiết thuận lợi có thể cho 3-4 vụ. Với giá trung bình mỗi m 2 cỏ nhung Nhật là 25 nghìn đồng thì mỗi năm người trồng có thể thu được 250 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với trồng dâu nuôi tằm, cấy lúa. Từ việc trồng cỏ nhung Nhật, nhiều gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng một năm, tiêu biểu như hộ ông Lâm Văn Tiu, Lâm Văn Thuỷ ở xóm 2. Cùng với cây cỏ nhung Nhật, từ nhiều năm nay xã Nam Thắng trở thành nơi cung ứng cây ăn quả, cây bóng mát đứng đầu huyện do chất lượng đất phù sa tốt. Mặc dù mỗi cây giống giá chỉ vài nghìn đồng nhưng với số lượng lớn cây ăn quả, cây bóng mát được đưa ra thị trường khắp các tỉnh trong nước đã đem lại nguồn lợi không nhỏ cho người dân nơi đây. Phong trào trồng cây cảnh, cây thế phát triển mạnh cũng tạo thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trong xã. Mỗi năm, hộ các ông: Đỗ Văn Chính ở xóm 9, Nguyễn Văn Hoà, Đỗ Văn Chấn ở xóm 7, Trần Xuân Cứ xóm 12… có thu nhập trung bình hàng chục đến hàng trăm triệu đồng từ bán cây thế. Ông Vũ Văn Cống ở xóm 10 đến với nghề trồng cây cảnh từ những năm 1980 khi còn đang công tác trong cơ quan Nhà nước. Sau khi về hưu, ông dành hẳn thời gian để trồng, chăm sóc cây cảnh. Hiện ông có vườn cây cảnh rộng 1.500m 2 với hàng trăm cây sanh, tùng la hán, tùng kim, tường vi, ổi, hoa giấy… tạo thế đẹp mắt; trong đó 2 cây sanh cửu phẩm và 1 cây sanh dáng long có tuổi đời gần 40 năm từng được khách hàng trả 1,2 tỷ đồng nhưng ông không bán. Từ năm 2012 đến nay, mỗi năm ông thu vài chục triệu đồng từ bán cây cảnh. Đến thăm vườn cây cảnh của ông Lâm Văn Quý ở xóm 2, nhiều người ngỡ ngàng bởi quy mô của vườn cây cảnh. Trong khuôn viên rộng 2.100m 2, ông Quý dành 1.800m 2 đất vườn để trồng cây cảnh, cây thế với khoảng 100 cây sanh, 300 cây tùng la hán đã có dáng hoàn thiện và hàng trăm các loại cây khác như si, tùng kim, thông, cây ăn quả... Dưới bàn tay tài hoa và con mắt nghệ thuật của ông, các tác phẩm cây cảnh được khách hàng đánh giá cao. Thời cao điểm, ông thu 300-400 triệu đồng từ bán cây cảnh mỗi năm. Từ năm 2013 đến nay, doanh thu từ cây cảnh của ông vẫn ổn định với khoảng 100 triệu đồng/năm. Bày tay, khối óc kết tinh trong các sản phẩm cây cảnh, cây thế của người dân Nam Thắng từng bước được khẳng định thương hiệu tại các cuộc trưng bày, triển lãm SVC trong và ngoài tỉnh. Năm 2012, xã có hơn 20 tác phẩm cây cảnh tham gia Triển lãm SVC các tỉnh đồng bằng sông Hồng tại khu vực Đền Trần (TP Nam Định) nhân kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định. Chuẩn bị cho cuộc trưng bày SVC tỉnh chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX tại khu vực Đền Trần, Hội SVC xã đã duyệt, tuyển chọn nhiều tác phẩm tham dự.
 
Việc mở rộng trồng, chăm sóc cây cảnh, cây ăn quả, cỏ nhung Nhật đã đưa xã Nam Thắng thành địa phương có kinh tế SVC mạnh của tỉnh. Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn khi diện tích trồng dâu nuôi tằm đang bị phá bỏ để trồng cỏ nhung Nhật sẽ làm mai một nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống đã có hàng trăm năm qua. Đây thực sự là vấn đề đòi hỏi Đảng ủy, UBND, Hội SVC xã cần quan tâm tìm hướng giải quyết để vừa phát triển phong trào SVC, vừa bảo tồn nghề truyền thống của quê hương./.
 
Bài và ảnh:  Đức Thiện


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com