Làm giàu từ nghề đúc đồng truyền thống

07:09, 05/09/2015

Sau một thời gian gắn bó với nghề mua bán đồng nát, năm 1998, chị Dương Thị Tuyết, Thị trấn Lâm (Ý Yên) quyết tâm quay trở lại với nghề đúc đồng truyền thống của cha ông. Mặc dù có những thời điểm trải qua nhiều thăng trầm, khó khăn nhưng với nỗ lực, quyết tâm và tình yêu nghề, từ diện hộ nghèo, đến nay, chị Tuyết đã thoát nghèo, làm giàu và trở thành doanh nhân thành đạt.

Chị Dương Thị Tuyết, Thị trấn Lâm (Ý Yên) vinh dự được đón đoàn công tác Trung ương Hội LHPN Việt Nam về thăm và tặng quà.
Chị Dương Thị Tuyết, Thị trấn Lâm (Ý Yên) vinh dự được đón đoàn công tác Trung ương Hội LHPN Việt Nam về thăm và tặng quà.

Chị Dương Thị Tuyết hiện là chủ một cơ ngơi khang trang đúc đồng rộng 300m2, tạo việc làm thường xuyên cho 9 lao động với mức lương bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Chị Tuyết chia sẻ: “Nhà tôi đã 5 đời theo nghề đúc đồng truyền thống. Ngay từ ngày còn nhỏ, tôi đã quá quen thuộc với những công đoạn như: tạo mẫu, làm khuôn, nấu và rót đồng, làm nguội, chạm khắc và lên màu cho sản phẩm. Tôi cảm nhận được những giọt mồ hôi, tâm huyết, sự vất vả của nghề, niềm đam mê và tình yêu nghề của những người thân. Nhờ vậy, tôi thêm trân trọng, yêu quý và muốn gắn bó và phát triển nghề truyền thống của gia đình”. Năm 1992, chị Tuyết lập gia đình, do kinh tế gia đình còn khó khăn, hai vợ chồng trẻ chưa có kinh nghiệm lẫn vốn liếng, để kiếm kế sinh nhai, chị đã theo nghề đồng nát, anh đi làm thuê cho xưởng đúc đồng trên địa bàn. Tuy nhiên, vì muốn tìm một nghề ổn định hơn, gần nhà để có thời gian chăm sóc con cái và chăm lo nhà cửa, được gia đình động viên nên chị bàn với chồng vay mượn mở xưởng đúc đồng. Chị chia sẻ: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”, với sự cần cù, chăm chỉ, tình yêu nghề và cái gốc nghề có sẵn trong tay, vợ chồng tôi hy vọng sẽ phát triển và làm giàu được từ nghề cha ông để lại”. Năm 1998, vợ chồng chị quyết định mở xưởng đúc đồng. Để có vốn mở xưởng, bên cạnh sự giúp đỡ của hai bên gia đình nội, ngoại, vay mượn thêm anh em, bạn bè, chị còn được chính quyền, các đoàn thể địa phương tạo điều kiện vay vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng. Sau khi đi tìm hiểu thị trường, chị Tuyết đã định hướng được những mặt hàng đồ thờ hiện được người tiêu dùng ưa chuộng như: đỉnh, hạc, lọ hoa, lư hương… bằng đồng. Chính vì vậy, ngay sau khi gom được vốn, anh chị đầu tư máy móc, thiết bị mở xưởng đúc đồng. Ban đầu, xưởng của anh chị chỉ “khiêm tốn” với diện tích vài chục m2. Cần mẫn như con ong chăm chỉ, dần dần, hai vợ chồng chị đã mở rộng được quy mô sản xuất với diện tích nhà xưởng 300m2, đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị và mở rộng đào tạo nghề cho thanh niên địa phương. Ban đầu, do chưa quen khách nên số lượng tiêu thụ chưa nhiều. Không ngại khó, ngại khổ, chị đã bàn với chồng chủ động đi tìm các mối hàng trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Cứ sau mỗi đợt giao hàng, chị lại tham khảo ý kiến góp ý của khách hàng và đại lý về chất lượng, mẫu mã sản phẩm để rút kinh nghiệm nâng cao chất lượng sản phẩm trong những đợt hàng tiếp theo. Với những sản phẩm lỗi, chị xin nhận lại hàng, thức đêm, thức hôm sửa lỗi cho đến khi khách hàng ưng ý. Đồng thời chị cũng chịu khó tìm tòi, học hỏi, cải tiến các mẫu mã, họa tiết trên các sản phẩm. Với tâm niệm lấy chữ tín về chất lượng sản phẩm làm đầu, do vậy, đến nay, sản phẩm đúc từ xưởng của anh chị đã tạo được uy tín đối với khách hàng, hàng sản xuất ra đến đâu được khách hàng đặt mua đến đấy. Sản phẩm từ xưởng của anh chị hiện nay có mặt trên khắp các tỉnh, thành phố của cả nước, thậm chí còn được mua làm quà biếu tặng ra nước ngoài. Hiện nay, ngoài đồ thờ, xưởng đúc của anh chị còn sản xuất đồ trang trí nội thất như mặt trống đồng, tượng Phật, hình các con thú… Bình quân, mỗi tháng, xưởng của anh chị sản xuất từ 25-30 bộ sản phẩm lớn nhỏ, thu lãi khoảng trên 350 triệu đồng.

Là phụ nữ “chân yếu, tay mềm” nhưng chị Dương Thị Tuyết đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu để cùng chồng phát triển và làm giàu từ nghề truyền thống của cha ông. Chị đã vinh dự được đi dự hội nghị phụ nữ làm kinh tế giỏi toàn quốc, nhận giải thưởng Doanh nhân quốc tế về sản phẩm đồ chạm khảm mỹ nghệ do Tổ chức tài chính vi mô thế giới trao tặng; được Trung ương Hội LHPN Việt Nam  tặng Bằng khen./.

Bài và ảnh: Hoàng Dung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com