Trong giai đoạn 2011-2015, xã Yên Trung (Ý Yên) đã khôi phục và phát triển được 8 làng nghề truyền thống (được UBND tỉnh ra quyết định công nhận năm 2012). Các làng nghề truyền thống đã tạo việc làm cho gần 1.000 lao động trong xã, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, đẩy nhanh tốc độ xây dựng NTM của xã Yên Trung. Năm 2014, Yên Trung đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM với 16/19 tiêu chí đã hoàn thành, 3 tiêu chí cơ bản hoàn thành là: môi trường, thủy lợi và cơ sở vật chất văn hóa.
|
Sản xuất các sản phẩm thêu ren truyền thống tại cơ sở của ông Phan Văn Phùng, thôn Trung, xã Yên Trung. |
Nằm trong vùng trũng của huyện Ý Yên, ngoài nghề chính là sản xuất nông nghiệp, xã Yên Trung còn có các nghề truyền thống là: khâu nón và thêu ren với lịch sử hình thành và phát triển trên 50 năm ở các thôn: Nhuộng, Trung và Mạc Sơn. Thời điểm cực thịnh, toàn xã có 2 HTX tiểu thủ công nghiệp quy tụ hàng trăm lao động thường xuyên. Các sản phẩm nghề truyền thống của xã không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa mà còn được xuất khẩu sang các nước Đông Âu, Nhật Bản… Sau một thời gian khá dài nghề khâu nón và thêu ren truyền thống của xã trầm lắng do người sản xuất không bắt kịp sự chuyển đổi cơ chế, khó khăn về thị trường tiêu thụ. Thời điểm nông nhàn, người dân Yên Trung phải đi khắp nơi làm nhiều nghề khác nhau để có thêm thu nhập. Năm 2010, thực hiện chủ trương xây dựng NTM, được UBND tỉnh chọn là một trong 11 xã điểm của huyện Ý Yên thí điểm xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, Đảng ủy, UBND xã đã xác định: muốn thực hiện và hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM nhất thiết phải phá thế độc canh nông nghiệp, phát triển ngành nghề nông thôn, trước mắt là khôi phục và phát triển các nghề truyền thống. Để thực hiện được nhiệm vụ trên, Đảng ủy xã Yên Trung đã ban hành nghị quyết chuyên đề, UBND xã tổ chức rà soát thực trạng, xây dựng kế hoạch, lộ trình khôi phục và xây dựng, phát triển nghề truyền thống theo các tiêu chí làng nghề của Bộ NN và PTNT quy định. Thực hiện chủ trương đó, xã Yên Trung đã huy động sự “vào cuộc” quyết liệt của các tổ chức đoàn thể như Hội CCB, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên… UBND xã đã xây dựng đề án phát triển làng nghề truyền thống, tạo điều kiện về thủ tục hành chính, tín chấp với các tổ chức tín dụng để các hộ dân có yêu cầu vay vốn phát triển sản xuất; chú trọng công tác truyền nghề, đào tạo nghề tranh thủ nhiều “kênh” như: khuyến công, Đề án 1956 đào tạo nghề cho lao động nông thôn… Bên cạnh đó, xã Yên Trung cũng tận dụng mọi nguồn lực từ tỉnh, huyện và những người con quê hương làm ăn xa trên khắp mọi miền đất nước để hỗ trợ, khuyến khích các hộ sản xuất về thông tin thị trường, liên kết với các đầu mối trong huyện, trong tỉnh và cả tỉnh bạn (Hà Nam, Ninh Bình) để tiêu thụ sản phẩm. Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, đến nay, xã Yên Trung đã khôi phục và phát triển thành công 8 làng nghề truyền thống ở các thôn: Hoàng Giang, Tiêu Bảng, Thông, Văn Minh, Trung, Phương Hưng, Văn Mỹ và Mạc Sơn. Trong đó, các thôn: Nhuộng, Mạc Sơn tập trung phát triển mạnh nghề làm nón lá thu hút trên 100 hộ mỗi thôn với khoảng 150 lao động thường xuyên; các thôn: Trung, Văn Mỹ, Văn Minh… phát triển mạnh nghề thêu ren, mỗi thôn có khoảng 60-70 lao động thường xuyên. Ngoài ra, nghề khâu nón và thêu ren còn phát triển mạnh ra cả các thôn khác trong xã. Ngành nghề truyền thống phát triển, các khâu phụ trợ như cung ứng nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm cũng phát triển. Với nghề nón, nguồn nguyên liệu chủ yếu như: lá, cước, nan… được cung ứng đều đặn qua các phiên chợ Nhuộng mở 2 ngày/lần; sản phẩm một phần tiêu thụ tại chỗ, phần còn lại được thương lái về tận nơi thu gom, cung ứng cho các thị trường. Nghề thêu ren đã hình thành 3 đầu mối chuyên cung ứng nguyên liệu, mẫu mã cho các hộ gia công của các ông: Tô Thanh Hà, Vũ Văn Dưỡng, Phan Văn Phùng… mỗi hộ quy tụ từ 50-60 gia đình nhận gia công tại nhà. Tuy thu nhập từ ngành nghề truyền thống vẫn còn khiêm tốn (từ 30-50 nghìn đồng/người/ngày) nhưng về tổng thể các làng nghề truyền thống đã góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động nông thôn lúc nông nhàn, góp phần quan trọng trong việc đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của xã Yên Trung. Trong giai đoạn 2010-2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của xã đạt 17%/năm. Năm 2015, tổng giá trị thu nhập kinh tế của xã ước đạt 172 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản) ước đạt 87 tỷ đồng, giá trị kinh tế từ ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ đạt 85 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển biến tích cực, tỷ trọng nông nghiệp giảm xuống còn 60%; ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ đạt 40%. Nhờ đó, đến năm 2015 bình quân thu nhập đầu người của xã đã cao gấp hơn 3 lần so với năm 2010, đạt 28 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,86%, số hộ khá, giàu tăng nhanh.
Thành công trong việc xây dựng và phát triển làng nghề, bài học kinh nghiệm của xã Yên Trung là: Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tổ chức xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn phù hợp với thực tế năng lực, phát huy tối đa thế mạnh nguồn lao động, tay nghề kỹ thuật của lực lượng lao động từng thôn, xóm. Chú trọng công tác đào tạo nghề, truyền nghề, chuyển giao kỹ thuật bằng nhiều hình thức qua các lớp đào tạo nghề và cả truyền nghề theo phương thức “cầm tay chỉ việc” để duy trì nguồn lao động ổn định, tay nghề cao trong các làng nghề. Đồng thời chủ động tiếp cận thông tin thị trường và phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện, tỉnh, tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện tối đa cho các hộ sản xuất trong làng nghề về: thủ tục hành chính, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi… để phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Trong năm 2015 và các năm tiếp theo, xã Yên Trung chủ trương duy trì và phát triển mạnh các làng nghề truyền thống, đồng thời tạo điều kiện tối đa về thủ tục hành chính, mặt bằng, nguồn vốn ưu đãi… khuyến khích các hộ mở rộng quy mô sản xuất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM./.
Bài và ảnh:
Thành Trung