Hiệu quả từ phát triển công nghiệp nông thôn

10:09, 23/09/2015

Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 25-7-2011 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII về phát triển sản xuất CN-TTCN, làng nghề nông thôn giai đoạn 2011-2015, sản xuất công nghiệp khu vực nông thôn tỉnh ta đã có những chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất CN-TTCN, làng nghề nông thôn (giai đoạn 2011-2014) đạt 24,4%, chiếm tỷ trọng gần 54% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 36,4 nghìn lao động mới… 

Từ năm 2010 trở về trước, Yên Tân là một trong những địa phương khó khăn nhất của huyện Ý Yên. Vị trí địa lý không thuận lợi, không có nghề phụ, kinh tế nông nghiệp là chủ đạo nên đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Khi được chọn thực hiện xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, Đảng ủy, UBND xã xác định bước đột phá là phải phá thế độc canh nông nghiệp, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động cũng như tăng thu nhập cho nông dân. Được xã Yên Tân tạo điều kiện cho mượn mặt bằng, miễn thu thuế 1 năm và trước mắt chỉ thu thuế mặt bằng tương đương với giá hoa màu trồng trên đất, và hỗ trợ đào tạo nguồn lao động tại chỗ (thông qua các chương trình khuyến công, Đề án 1956), Cty CP May 5 (Tổng Cty CP Dệt may Nam Định) đã đầu tư gần 20 tỷ đồng xây dựng nhà máy may tại thôn Mai Thanh với 12 chuyền may, 1 dây chuyền cắt. Sau khi hoàn thành và đi vào sản xuất, nhà máy đã tạo việc làm cho trên 400 lao động của xã và các xã lân cận Yên Lợi, Yên Nghĩa, Yên Chính... với mức thu nhập từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng; trong đó gần 200 lao động trẻ của xã đã có việc làm tại chỗ. Cùng với các đổi mới trong sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất, hiệu quả kinh tế của các loại cây trồng, con nuôi, đến năm 2015, bình quân thu nhập đầu người của xã đã cơ bản đạt tiêu chí xây dựng NTM, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 3%, trong 19 tiêu chí NTM có 16 tiêu chí đạt và 3 tiêu chí cơ bản đạt. Nằm ở cuối huyện Giao Thủy, xã Bạch Long trước đây chỉ có nghề làm muối với diện tích đồng muối rộng trên 230ha, không có ngành nghề phụ nên tình hình kinh tế - xã hội và đời sống của người dân làm muối còn nhiều khó khăn. Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy cùng các cơ chế chính sách cụ thể hóa chủ trương khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn đã tạo hành lang pháp lý cho các địa phương như Bạch Long có thể khai thác tận dụng tối đa tiềm năng đất đai, lao động và tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ từ các cấp, các ngành để phát triển ngành nghề, chú trọng công tác đào tạo nghề, nhân cấy nghề mới; trọng tâm là phát triển công nghiệp chế biến (muối, thủy sản), tận dụng diện tích mặt nước để phát triển nuôi thủy sản và các ngành nghề nông thôn phù hợp như: may công nghiệp, móc sợi, mộc, cơ khí… Xã đã quy hoạch các vùng sản xuất tập trung để dành quỹ đất, tạo điều kiện về thủ tục hành chính để khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế trong xã, trong huyện và những nơi khác về đầu tư phát triển sản xuất. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất CN-TTCN, đến nay, xã Bạch Long đã phát triển đa dạng ngành nghề nông thôn với 5 doanh nghiệp chế biến muối (quy mô 15-20 lao động/doanh nghiệp); 2 doanh nghiệp may công nghiệp thu hút trên 200 lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng; 3 doanh nghiệp chế biến gỗ và hàng chục cơ sở tạo việc làm cho trên 100 lao động địa phương… Cơ cấu kinh tế, lao động của xã đã có sự chuyển dịch tích cực, thu nhập của nhân dân từng bước được nâng cao. Không chỉ thành công ở hai xã Yên Tân, Bạch Long, thực tế đã chứng minh: nhờ phát triển sản xuất CN-TTCN, bộ mặt nông nghiệp - nông thôn và đời sống của người nông dân ở nhiều địa phương (vốn trước đây độc canh diêm nghiệp, nông nghiệp) trong tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực, là động lực quan trọng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Tính đến hết năm 2014, toàn tỉnh đã có 166/209 xã, thị trấn (bằng 79,42%) có giá trị sản xuất CN-TTCN chiếm tỷ trọng trên 10% trong cơ cấu kinh tế; có 78/96 xã xây dựng NTM giai đoạn I (chiếm 81,25%) có giá trị sản xuất CN-TTCN chiếm trên 15% cơ cấu kinh tế toàn xã. Nhiều xã xây dựng NTM đã đạt giá trị sản xuất CN-TTCN từ 50-80% tổng giá trị cơ cấu kinh tế toàn xã như: Yên Ninh, Thị trấn Lâm (Ý Yên); Trực Hùng, Trung Đông (Trực Ninh); Thị trấn Thịnh Long, các xã Hải Minh, Hải Phương (Hải Hậu); Xuân Kiên, Xuân Phương (Xuân Trường)...
 
Sản xuất các sản phẩm may công nghiệp tại Cty CP May Bạch Long, xã Bạch Long (Giao Thủy).
Sản xuất các sản phẩm may công nghiệp tại Cty CP May Bạch Long, xã Bạch Long (Giao Thủy).
“Phi công bất phú”. Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển sản xuất CN-TTCN giai đoạn 2011-2015 đã thực sự đi vào cuộc sống, là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy công nghiệp hóa nông thôn. Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã giao các ngành: NN và PTNT, Công thương... chủ trì tiến hành rà soát thực trạng các làng nghề, làng nghề truyền thống ở các vùng nông thôn, các CCN tập trung, các địa phương có thế mạnh phát triển sản xuất CN-TTCN và chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất CN-TTCN, làng nghề nông thôn. Trên cơ sở đó, căn cứ điều kiện cụ thể, các huyện, Thành phố Nam Định đã ban hành nghị quyết chuyên đề, xây dựng chương trình công tác trọng tâm và kế hoạch phát triển sản xuất CN-TTCN, làng nghề của địa phương mình. Cùng với các cơ chế, chính sách ưu đãi của Trung ương, UBND tỉnh đã ban hành 4 quyết định quy định các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn. Để hỗ trợ thiết thực các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở khu vực nông thôn đầu tư công nghệ, thiết bị, mở rộng và phát triển sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh đã giao Sở Công thương thực hiện tốt các công tác khuyến công, xúc tiến thương mại. Sau gần 5 năm triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách ưu đãi của Trung ương, của tỉnh tại khu vực nông thôn đã thành lập mới 336 doanh nghiệp sản xuất CN-TTCN với tổng vốn điều lệ đăng ký trên 1.519 tỷ đồng, tạo việc làm mới cho trên 11,8 nghìn lao động nông thôn; nâng tổng số các doanh nghiệp sản xuất CN-TTCN khu vực nông thôn lên 850 doanh nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 20 CCN tập trung, trong đó có 15 CCN đã được lấp đầy diện tích. Trong các CCN tập trung đã lấp đầy diện tích có 8 CCN được lấp đầy trong giai đoạn 2011-2014 là: Hải Phương, Hải Minh (Hải Hậu); Trung Thành, Quang Trung (Vụ Bản); Xuân Tiến, huyện lỵ Xuân Trường (Xuân Trường); Cát Thành, Trực Hùng (Trực Ninh)... Các CCN tập trung đã thu hút thêm được 95 doanh nghiệp đầu tư mới, nâng tổng số các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đầu tư vào các CCN lên 471 với tổng vốn đăng ký đạt xấp xỉ 3.000 tỷ đồng, tổng vốn đã thực hiện là trên 2.700 tỷ đồng. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các CCN tập trung đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 18.724 lao động nông thôn, tăng thêm 7.124 lao động so với năm 2011. Ngoài các dự án đầu tư phát triển sản xuất CN-TTCN trong các CCN tập trung, trong 4 năm qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã thu hút được nhiều dự án (trong nước, nước ngoài và trong tỉnh) lớn, thu hút nhiều lao động như: Cty TNHH Yamani Dynasty (Đài Loan) đầu tư tại xã Nam Hồng (Nam Trực); Cty CP May Sông Hồng đầu tư tại xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng); Cty TNHH AMARA Việt Nam đầu tư trên 540 tỷ đồng tại Thị trấn Cổ Lễ và Cty CP May 9 đầu tư gần 70 tỷ đồng tại xã Trực Phú (Trực Ninh)... 
 
Với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ của tỉnh và các ngành chức năng, công nghiệp nông thôn đã góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất CN-TTCN năm 2015 và cả giai đoạn 2011-2015. 8 tháng đầu năm 2015 chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước tăng 9% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) ước đạt trên 29,4 nghìn tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ. UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 19 dự án đầu tư mới, trong đó có 6 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký trên 61,1 triệu USD; 13 dự án trong nước với tổng số vốn đăng ký 842 tỷ đồng. Giá trị hàng xuất khẩu ước đạt 640,7 triệu USD, đạt 94,2% kế hoạch năm và tăng 34,5% so với cùng kỳ. Như vậy, nếu không có những biến động lớn ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu chính, nhiều khả năng mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2015 của tỉnh ta sẽ được hoàn thành vượt kế hoạch và chạm mốc cao nhất 1 tỷ USD. Phát triển sản xuất CN-TTCN, làng nghề đã góp phần quan trọng hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII./.
 
Bài và ảnh: Thành Trung


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com