Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Sở NN và PTNT đã xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đây là nội dung quan trọng, cốt lõi trong tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và xây dựng NTM. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, cần sự nỗ lực chung của cộng đồng xã hội, trong đó khuyến khích, thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Tỉnh đã hiện thực hóa chủ trương, quan điểm này bằng việc đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thu hút hợp tác đầu tư trên tất cả các lĩnh vực; ban hành một số cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư như: Các quyết định về việc ban hành “Cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ dự án đầu tư có vốn lớn, công nghệ cao trên địa bàn tỉnh”; “Một số cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh”; “Quy định cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào các điểm công nghiệp trên địa bàn nông thôn tỉnh Nam Định”… Với hành lang pháp lý rộng mở, cụ thể, nhiều doanh nghiệp, cá nhân vững tin, quyết định đầu tư, mở rộng sản xuất nông nghiệp tại nông thôn. Điển hình là Cty TNHH Cường Tân thuê gom, tích tụ 300ha đất 2 lúa, quy hoạch thành các vùng cánh đồng lớn tập trung, thuận lợi cho cải tạo kênh mương, thủy lợi nội đồng và giao thông theo tiêu chí NTM để tổ chức liên kết sản xuất lúa giống và cây vụ đông hàng hóa chế biến xuất khẩu. Cty xây dựng kế hoạch sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và ký hợp đồng với một số nhóm hộ nông dân; ứng trước chi phí về giống gốc, hóa chất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và hỗ trợ kỹ thuật. Cty bảo hành năng suất, giá trị tối thiểu bằng sản xuất lúa thương phẩm ngoài đại trà, thu mua 100% sản phẩm lúa giống và cây vụ đông. Hiệu quả kinh tế của mô hình là mỗi ha liên kết sản xuất lúa giống của Cty cho lợi nhuận bình quân đạt từ 70-80 triệu đồng/năm, cao gấp 7-8 lần so với sản xuất lúa đại trà. Trong đó: hộ nông dân cho thuê ruộng 24-25 triệu đồng, hộ nông dân trực tiếp sản xuất 22-28 triệu đồng, Cty 20-30 triệu đồng. Mỗi ha liên kết sản xuất dưa chuột bao tử trong vụ đông, nông dân thu lợi nhuận 20-22 triệu đồng, bí xanh 25-30 triệu đồng. Đồng thời, mỗi ha tạo thêm từ 600-650 ngày công cho lao động địa phương; giá trị mỗi ngày công đạt từ 80-100 nghìn đồng. Để mở rộng quy mô sản xuất của Cty, tỉnh đã hỗ trợ Cty thực hiện Đề án nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất giống lúa. Cty hiện đang triển khai 4 tiểu dự án: Hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất giống lúa chất lượng cao; mua bản quyền, sản xuất thử và xây dựng thương hiệu giống lúa thuần chất lượng cao M1, CS6 và dự án xây dựng Trung tâm nghiên cứu, chọn tạo phát triển giống lúa mới Cường Tân. Cuối tháng 7-2015, UBND tỉnh đã làm việc với tập đoàn Vingroup về việc triển khai Dự án đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Dự án của Vingroup dự kiến giai đoạn 1 đầu tư trên diện tích khoảng 340ha đất bãi sông Hồng (thuộc hai xã Xuân Hồng và Xuân Châu, huyện Xuân Trường) để sản xuất rau sạch công nghệ cao, giai đoạn 2 có thể mở rộng quy mô dự án lên 500-1.000ha với tổng vốn đầu tư khoảng 650 tỷ đồng. Mục tiêu dự án là hình thành khu cánh đồng mẫu lớn sản xuất rau sạch ứng dụng công nghệ cao cung cấp cho các nhà máy chế biến và xuất khẩu. Tổ chức sản xuất rau sạch theo chuỗi giá trị, chất lượng cao, quy mô công nghiệp tích hợp các công nghệ cao trong nước và trên thế giới như: công nghệ nhà kính, nhà lưới của Nhật Bản, Ít-xra-en; công nghệ tưới tiêu tự động của Ít-xra-en; công nghệ cơ giới hóa, tự động hóa của Nhật Bản, Hàn Quốc, Ít-xra-en; hệ thống giám sát môi trường, đất, nước, không khí và sinh trưởng cây trồng của Nhật Bản, Hàn Quốc, Ít-xra-en.
|
Cty TNHH Cường Tân thuê gom, tích tụ 300ha đất 2 lúa tập trung ở huyện Trực Ninh và Xuân Trường để sản xuất lúa giống và cây vụ đông hàng hóa. |
Trong lĩnh vực chăn nuôi, được khuyến khích và tạo điều kiện đầu tư vào sản xuất, Cty CP Đầu tư và thương mại Biển Đông đã triển khai xây dựng nhà máy giết mổ, chế biến thực phẩm tại xã Hải Nam (Hải Hậu) nhằm xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, tổ chức sản xuất khép kín từ: lợn giống, lợn thương phẩm, chế biến và tiêu thụ thịt lợn với công suất 20 nghìn tấn/năm (60 tấn/ngày) và khoảng 2.000 tấn lợn sữa/năm. Sau khi hoàn thành xây dựng nhà máy, Cty sẽ ký hợp đồng liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm với các trang trại, các hộ chăn nuôi trong tỉnh để chủ động nguồn nguyên liệu theo phương thức Cty sẽ ứng con giống, thú y, kỹ thuật chăn nuôi để đảm bảo chất lượng con nuôi. Đây là hướng ổn định đầu ra, giảm bớt khâu trung gian, tăng lợi nhuận và hiệu quả sản xuất cho người chăn nuôi trong tỉnh. Đã có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi công nghiệp với quy mô lớn như: Cty TNHH Thủy sản Ngũ Hải đầu tư trang trại sản xuất 3.000 con lợn ngoại tại xã Liên Bảo (Vụ Bản), Cty TNHH Thái Việt đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn quy mô 700 con nái và 5.000 con lợn thịt tại xã Giao Thịnh (Giao Thủy)… Ngoài ra, tỉnh còn chắp mối, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong tỉnh liên kết hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Dự kiến trong thời gian tới, 1 doanh nghiệp của Ít-xra-en sẽ liên kết với Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc xây dựng 1 trại nuôi gà đẻ trên diện tích 3ha để sản xuất 150 nghìn quả trứng/ngày và sản xuất rau sạch áp dụng công nghệ cao với quy mô từ 10ha trở lên. Hình thức liên kết là 2 doanh nghiệp cùng góp vốn để sản xuất hoặc doanh nghiệp Ít-xra-en sẽ chuyển giao công nghệ cho Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc. Hiện tại, Cty đã tích tụ được 50ha đất để hợp tác với phía doanh nghiệp Ít-xra-en để sản xuất rau sạch. Cty đang đề nghị UBND tỉnh, Sở NN và PTNT, UBND huyện Xuân Trường tạo điều kiện cho Cty thực hiện các thủ tục về đầu tư, đất đai và có cơ chế hỗ trợ Cty phát triển sản xuất.
Để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp đang hoạt động mở rộng quy mô sản xuất; mở rộng liên kết giữa doanh nghiệp với nhóm hộ, HTX. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các trang trại nâng cấp thành doanh nghiệp để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, đồng thời được hưởng các ưu đãi, khuyến khích theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19-12-2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Rà soát các khu, cụm, điểm công nghiệp của tỉnh, tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích và mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm. Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý cho các nông, thủy sản đặc trưng, chủ lực của tỉnh như: Gạo chất lượng cao, gạo đặc sản, rau sạch, thịt lợn sữa, thịt lợn sạch, ngao sạch, tôm thẻ chân trắng, cá song, cá vược... gắn với truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng theo chuỗi. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại dưới nhiều hình thức; tăng cường giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông, thủy sản chủ lực có chất lượng cao của tỉnh; thường xuyên thông tin, dự báo kịp thời về thị trường nông sản. Thực hiện liên kết tỉnh và liên kết vùng trong sản xuất, tiêu thụ nông, thủy sản (Nam Định - Hà Nội, Nam Định - Hải Phòng…). Hỗ trợ các doanh nghiệp, các HTX, các tổ hợp tác đưa các sản phẩm nông nghiệp giới thiệu trên các sàn giao dịch nông sản tại Hà Nội và một số thành phố lớn. Khuyến khích các doanh nghiệp, HTX phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu. Thành lập các Hiệp hội ngành hàng để bảo vệ quyền lợi nông dân và các thành viên, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh…
Việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã góp phần thúc đẩy ngành NN và PTNT của tỉnh phát triển theo hướng hàng hóa tập trung, giải quyết những khó khăn trong sản xuất từ đầu vào như nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi đến đầu ra là thị trường tiêu thụ ổn định và khắc phục vấn đề về môi trường... Quan trọng hơn, đây là “chìa khóa” để khai thác hiệu quả hơn tiềm năng đất đai, lao động, đồng thời tạo thêm động lực mới cho phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo cơ hội và môi trường tốt để người nông dân thích nghi với tư duy sản xuất mới, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững./.
Bài và ảnh:
Ngọc Ánh