"Cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ"

07:09, 03/09/2015

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công giành chính quyền về tay nhân dân, cùng với ngành Nông nghiệp cả nước, ngành Nông nghiệp tỉnh được thành lập. Giai đoạn này, nông nghiệp và nông thôn vô cùng khó khăn: Thực dân Pháp liên tục càn quét, ra sức triệt phá sản xuất lúa gạo, hoa màu. Phần lớn ruộng đất nằm trong tay địa chủ và bỏ hoang, trong khi nông dân không có đất sản xuất. Sản xuất manh mún, kỹ thuật lạc hậu, độc canh cây lúa và hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên. Hệ thống thủy lợi rất đơn giản, hằng năm thường xuyên xảy ra hạn hán, bão, lũ, ngập lụt, bệnh dịch. Khai thác, đánh bắt cá tự nhiên bằng các phương tiện hết sức thô sơ. Đời sống nhân dân vừa lao đao bởi nạn đói năm Ất Dậu, thì nguy cơ nạn đói có khả năng lại tiếp diễn...

Từ một vụ lúa năm 1945, nông dân tỉnh ta đã luân canh, xen canh lên 3-8 vụ/năm (Trong ảnh: Nông dân xã Yên Phương (Ý Yên) chăm sóc rau màu).
Từ một vụ lúa năm 1945, nông dân tỉnh ta đã luân canh, xen canh lên 3-8 vụ/năm (Trong ảnh: Nông dân xã Yên Phương (Ý Yên) chăm sóc rau màu).

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ”; dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh và Ủy ban Cách mạng lâm thời, ngành Nông nghiệp đã bắt tay ngay vào tổ chức động viên nông dân khắc phục hậu quả lũ lụt. Phong trào nhân dân làm thủy lợi được tổ chức mạnh mẽ, phát động khắp nơi. Các đảng viên của Đảng, cán bộ Mặt trận Việt Minh cùng hàng vạn quần chúng, nhất là lực lượng thanh niên nông thôn trong toàn tỉnh, suốt ngày đêm liên tục đắp đê, kè ngăn nước. Mặc dù đang phải chống đói, nhưng với tinh thần làm chủ đất nước, nhân dân đã hăng hái đóng góp hàng chục vạn cây tre, hàng nghìn gánh rơm, rạ, vận chuyển lên mặt đê, nhất là những đoạn xung yếu thuộc đê sông Hồng, sông Đáy, sông Đào để đắp đê, chống lụt. Qua nhiều ngày đêm lao động khẩn trương của hàng vạn con người, với sự chỉ đạo kiên quyết và kịp thời của Đảng bộ, nhân dân toàn tỉnh đã “thắng” được nạn lụt; cứu hàng vạn ha lúa bị ngập chìm trong nước; khôi phục các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất. Trước 2 nhiệm vụ quan trọng “cứu đói ở Bắc và kháng chiến ở Nam”, Tỉnh ủy Nam Định đề ra nhiệm vụ trước mắt là: “Khẩn trương giải quyết nạn đói, tích cực chống giặc dốt; ra sức cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; vận động quần chúng hăng hái thực hiện đời sống mới”. Toàn tỉnh đã phát động phong trào tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn thiếu đói. Ngành Nông nghiệp và các tổ chức đoàn thể vận động hội viên lập hũ gạo chống đói, quyên góp lương thực giúp đỡ những gia đình đang bị đứt bữa, làng xã nào cũng hô hào lập Quỹ nghĩa thương, tiết kiệm lương thực, tiết kiệm tiêu dùng để tương trợ giúp đỡ người nghèo đói, cơ nhỡ. Nhân dân trong tỉnh đã quyên góp được hàng trăm tấn gạo cứu tế cho hàng nghìn gia đình bị đói. Song song với phong trào “Nhường cơm, sẻ áo, lá lành đùm lá rách”, cán bộ ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các huyện vận động nhân dân đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tận dụng mọi diện tích đất để trồng rau, màu, cây lương thực ngắn ngày kịp thời chống đói và phòng đói. Khẩu hiệu “Tấc đất, tấc vàng; không để một tấc đất hoang” đã trở thành hành động thực tế mạnh mẽ của mọi người dân. Ruộng đất hoang hóa được khai phá để trồng trọt. Huyện Vụ Bản đã cải tạo đưa vào cấy trồng trên 700 mẫu đất bỏ hoang, thùng đào, thùng đấu, ruộng vắng chủ. Ngay cả nhân dân thành phố, thị trấn cũng tận dụng những khoảnh đất xung quanh nhà, kể cả vườn hoa và vỉa hè để trồng rau, màu chống đói. Nhờ vậy diện tích, năng suất các loại cây lương thực lúa, ngô, khoai, sắn tăng lên; góp phần tích cực thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “diệt giặc đói, diệt giặc dốt và chống giặc ngoại xâm”. Nạn đói được đẩy lùi, đời sống nhân dân được cải thiện một bước. Đi đôi với tập trung cho sản xuất và chống đói, từng bước thực hiện cải cách dân chủ nhằm mục tiêu “ruộng đất cho dân cày”. Ngoài việc tích cực thu ruộng đất của địa chủ, ruộng đất vắng chủ chia cho những hộ nông dân không có hoặc có quá ít ruộng, chính quyền các cấp đã tiến hành chia lại ruộng công cho nông dân. Đất nước giành được độc lập chưa lâu thì thực dân Pháp phản bội Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng, Chính phủ quyết định phát động toàn quốc kháng chiến. Khắp nơi trong tỉnh, nông dân hăng hái tăng gia sản xuất. Từ năm 1950 đến 1953, địch mở rộng chiếm đóng nhiều vùng trong tỉnh; bọn phản động ra sức càn quét, tàn sát dã man, hòng phá hoại sản xuất và triệt phá tận gốc các cơ sở kháng chiến. Chiến tranh lan rộng, phần lớn các vùng nông thôn trong tỉnh bị tàn phá nặng nề, nhiều ruộng vườn trở lại hoang hóa. Ngành Nông nghiệp kịp thời tham mưu cho tỉnh nhiều biện pháp đẩy mạnh phát triển trồng trọt, chăn nuôi, phục hồi canh tác những vùng đất trắng mới giành lại, phục hóa hàng nghìn mẫu ruộng bị bỏ hoang nhiều vụ. Phong trào chăn nuôi, tăng gia sản xuất và tiết kiệm phát triển ở khắp nơi. Năm 1952-1953, mặc dù chiến tranh ác liệt, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhưng nhân dân ở các địa phương trong tỉnh đã cố gắng ổn định đời sống và tích cực đóng góp nghĩa vụ thuế nông nghiệp với Nhà nước. Bước sang năm 1954, cuộc chiến ngày càng trở nên ác liệt, nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp hết sức nặng nề, phát triển sản xuất để vừa đảm bảo đời sống nhân dân, vừa phải chi viện cho tiền tuyến lớn, quyết tâm giải phóng quê hương. Địch tăng cường phá hoại sản xuất của nhân dân ta, nhất là ở các vùng quanh đồn bốt địch và ven các đường giao thông; nhiều lần chúng thả côn trùng gây sâu bệnh, phá hại mùa màng, hòng làm suy yếu tiềm lực kinh tế của cuộc kháng chiến. Nông dân Nam Định đã đấu tranh với địch bằng nhiều hình thức để bảo vệ sản xuất. Ban ngày địch kiểm soát, không cho ta làm, ta chuyển làm đêm; tổ chức nhân dân cản xe cóc của địch phá hoại lúa… Chính quyền còn tổ chức điều hòa nhân công và mạ cấy cho những nơi thiếu giống; cán bộ ngành Nông nghiệp đi khơi nguồn trâu, bò từ vùng tự do về bán cho những gia đình thiếu sức kéo; tổ chức phòng chống sâu bệnh cho lúa. Cuối tháng 5-1954, tỉnh ta đã đóng được 9.348 tấn thóc thuế nông nghiệp, đạt 80% mức huy động cả năm và vượt chỉ tiêu Liên khu giao. Sau ngày miền Bắc được giải phóng, nông dân trong tỉnh đã tương trợ giúp đỡ lẫn nhau về lao động, giống vốn, nhanh chóng khôi phục lại sản xuất. Đến tháng 9-1954, 90% ruộng hoang hóa đã được khôi phục lại. Hàng vạn ngày công lao động được huy động, đào đắp hàng triệu mét khối đất củng cố đê, kè, cống; làm thủy lợi lấy nước chống hạn cấy lúa, gieo trồng hoa màu. 9 năm kháng chiến chống Pháp, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Nam Định đã thực hiện lời hiệu triệu của Hồ Chủ tịch: “Ruộng rẫy là chiến trường - Cuốc cày là vũ khí - Nhà nông là chiến sĩ - Hậu phương thi đua với tiền phương” đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm; thi đua sản xuất ra nhiều lương thực, thực phẩm chi viện cho tiền tuyến nuôi quân đánh giặc. Bằng những kinh nghiệm sản xuất truyền thống, một số giống cây trồng, vật nuôi được khôi phục, sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển. Năng suất lúa cả năm từ 25,6 tạ/ha trước năm 1945 tăng lên 33,15 tạ/ha năm 1955; sản lượng lương thực từ 292,7 nghìn tấn lên gần 400 nghìn tấn sau 10 năm.

Kết quả đó đã góp phần giải quyết nạn đói cho dân và đóng góp tích cực sức người, sức của cùng cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, kết thúc bằng Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954, giành lại hòa bình cho miền Bắc; cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trải qua gần 70 năm, đến nay, nông nghiệp, nông thôn tỉnh đã và đang thực hiện hiệu quả đường lối đổi mới của Đảng và sự nghiệp CNH-HĐH đất nước; tiếp tục giành được những thành tựu to lớn và toàn diện. Các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, ngành nghề nông thôn… đều có bước phát triển mạnh mẽ. Thực hiện tốt các tiến bộ kỹ thuật mới, nhất là cách mạng về giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, làm chủ công nghệ, sản xuất thành công nhiều giống lúa lai, lúa thuần, giống khoai tây sạch bệnh, giống lợn ngoại, các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm sú, cua biển, ngao, cá song, cá bớp… Cơ giới hóa các khâu sản xuất được mở rộng kết hợp với các biện pháp thâm canh cao đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Năng suất, sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi luôn đạt đỉnh cao mới, năm sau cao hơn năm trước. Năng suất lúa bình quân của tỉnh liên tục đạt từ 119-121 tạ/ha, là điểm sáng của đồng bằng sông Hồng và cả nước về sản xuất lúa. Mặc dù diện tích lúa đã giảm nhưng sản lượng lương thực vẫn đạt xấp xỉ 1 triệu tấn/năm, bằng sản lượng lương thực của cả tỉnh Hà Nam Ninh, Nam Hà trước đây. Đã tranh thủ huy động cao các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn. Tập trung ưu tiên các công trình trọng điểm phục vụ sản xuất, phòng chống thiên tai và phúc lợi xã hội, nhất là về đê điều, thủy lợi, nước sạch... Nâng cấp, kiên cố cơ bản tuyến đê biển, hàng trăm km đê sông. Cải tạo, kiên cố các công trình thủy nông tưới, tiêu trên địa bàn tỉnh, khắc phục hẳn tình trạng úng lụt.

Kết quả phát triển nông nghiệp, nông thôn đóng góp quan trọng vào sự ổn định, phát triển mọi mặt và hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong những năm qua; góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com