Với điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện cả chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản (NTTS), những năm qua, huyện Giao Thủy đã thực hiện hiệu quả chương trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
|
Vùng nuôi tôm công nghiệp Thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy). |
Để thực hiện chương trình bảo đảm bền vững, Giao Thủy đã tập trung hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT), sắp xếp, chỉnh trang đồng ruộng, tạo cơ sở để huyện tập trung chỉ đạo khắc phục tình trạng sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, thuận lợi cho việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Toàn huyện đã xây dựng được 18 cánh đồng mẫu lớn trồng lúa với tổng diện tích 730ha, tập trung sản xuất các giống có năng suất, chất lượng cao, ít nhiễm sâu bệnh như: TX111, DQ11, RVT, QR1… Năng suất lúa ở các cánh đồng mẫu lớn tăng 8-10%, giảm chi phí đầu tư từ 5-7% so với sản xuất đại trà riêng lẻ. Cũng nhờ tập trung đất đai theo vùng nên trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng trồng rau tập trung tại các xã: Giao Hà, Hoành Sơn, Giao Yến, Giao Phong, Bạch Long, Thị trấn Quất Lâm… Cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ chuyển dịch theo hướng tăng diện tích lúa xuân muộn, mùa sớm, trung vụ để mở rộng diện tích cây vụ đông, tăng hệ số sử dụng đất. Diện tích trồng cây vụ đông bình quân đạt 1.900 ha/năm, trong đó trên đất 2 lúa trên 200 ha/năm; đồng thời giảm diện tích trồng lúa lai, tăng diện tích trồng lúa đặc sản nhằm tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác do sản phẩm lúa gạo chất lượng cao dễ tiêu thụ, giá bán cao gấp từ 1,3-1,5 lần, lợi nhuận tăng 5-7% so với lúa thường. Những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các biện pháp thâm canh tổng hợp; đặc biệt là việc tiếp nhận, khảo nghiệm tuyển chọn các giống cây trồng mới có giá trị kinh tế, phù hợp với đất đai, tập quán canh tác của địa phương được huyện tích cực tổ chức tập huấn, hướng dẫn giúp nông dân nâng cao trình độ thâm canh cây trồng, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhờ khai thác tốt tiềm năng đất nông nghiệp để sản xuất lúa gạo và cây rau màu, giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác của Giao Thủy năm 2014 đạt 99,97 triệu đồng. Trong phát triển chăn nuôi, huyện thực hiện nhiều chương trình khuyến nông, đưa nhiều loại giống mới vào sản xuất như: lợn siêu nạc, gà Tam Hoàng, gà Ai Cập, ngan Pháp, vịt siêu trứng… kết hợp với quy trình kỹ thuật mới. Nhờ vậy, số lượng, chất lượng sản phẩm chăn nuôi ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Quy mô đàn gia súc của huyện hiện đạt trên 70,5 nghìn con; trong đó, lợn là loại gia súc được nuôi nhiều nhất, chiếm khoảng 96,84% tổng đàn gia súc. Với trên 9 nghìn ha diện tích mặt nước dùng trong nông nghiệp, lại có nguồn thức ăn tận dụng từ đánh bắt và chế biến thuỷ, hải sản nên Giao Thủy phát triển mạnh chăn nuôi gia cầm, chủ yếu là đàn vịt. Hiện tổng đàn gia cầm, thủy cầm của huyện đạt 678 nghìn con. Phương thức chăn nuôi chuyển dịch tích cực theo hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ, tăng chăn nuôi trang trại, gia trại tập trung theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Toàn huyện có 283 trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2014 đạt 621 tỷ đồng. Từ lợi thế sẵn có, Giao Thủy thực hiện nhiều chính sách, biện pháp nhằm phát triển và đưa thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện với tốc độ tăng trưởng cao, giá trị sản xuất tăng bình quân 15,5%/năm. NTTS mặn lợ phát triển mạnh, tăng nhanh cả về diện tích, sản lượng và chủng loại sản phẩm, tập trung đầu tư nuôi các giống thuỷ sản có giá trị kinh tế cao như: tôm sú, cua, ngao, cá bống bớp... Các vùng nuôi tôm sú công nghiệp đạt năng suất 4-5 tấn/ha/năm, nuôi bán công nghiệp đạt 2-2,5 tấn/ha. Nhiều hộ nuôi tôm thẻ chân trắng đạt hiệu quả cao, năng suất bình quân 6-8 tấn/ha/năm, có hộ nuôi 3 vụ đạt 12 tấn/ha/năm. Nuôi ngao phát triển mạnh, nhiều hộ đạt doanh thu 300-800 triệu đồng/năm. Toàn huyện có 1.237ha NTTS nước ngọt, trong đó có 796ha mặt nước hồ, ao trong dân cư và 441ha tập trung chuyển đổi từ đất trồng lúa hiệu quả thấp sang NTTS nước ngọt. Đây là hướng chuyển dịch phù hợp và đem lại hiệu quả kinh tế cao, sau khi chuyển đổi, giá trị sản xuất bình quân đạt 274,56 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 3 lần trồng lúa, đã hình thành các trang trại, gia trại tổng hợp bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo chia nhỏ đầm thủy sản cho phù hợp với năng lực để nâng cao hiệu quả trên diện tích nuôi trồng; quy hoạch vùng nuôi thủy sản theo phương pháp thâm canh và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho phát triển thủy sản. Nhờ vậy, sản lượng, giá trị ngành thủy sản của huyện trong mấy năm qua liên tục tăng. Tổng sản lượng thủy sản đạt gần 37 nghìn tấn. Đó là kết quả của đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nuôi trồng cùng với tăng cường đầu tư củng cố, nâng công suất phương tiện trong khai thác hải sản. Toàn huyện có 939 phương tiện đánh bắt hải sản có gắn máy với tổng công suất đạt 27.800CV. Sản lượng khai thác ngày càng tăng, có nhiều sản phẩm xuất khẩu và có giá trị kinh tế cao trong tiêu dùng như tôm he, tôm bộp, cá thu, cá mú... Giá trị sản xuất ngành thủy sản của huyện đạt hơn 1.977 tỷ đồng, là ngành tăng mạnh nhất trong 3 ngành thuộc cơ cấu nông - lâm - thủy sản. Từ năm 2010 đến nay, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản bình quân từ 3-3,5%/năm. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng nhóm ngành nông nghiệp (trồng trọt và chăn nuôi) và tăng tỷ trọng nhóm ngành thủy sản. Nhóm ngành nông nghiệp giảm từ 65,81% năm 2010 xuống còn 46,97% năm 2014; thủy sản tăng từ 34,05% năm 2010 lên 52,92% năm 2014. Tỷ trọng ngành trồng trọt giảm và tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi. Sự phát triển ngành thủy sản và ngành chăn nuôi của huyện là bước tiến quan trọng, quyết định tạo sự chuyển dịch mạnh trong cơ cấu ngành nông - lâm - thủy sản.
Thời gian tới, huyện Giao Thủy tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn theo hướng CNH-HĐH một cách toàn diện trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về nông nghiệp của huyện gắn với xây dựng NTM. Chuyển mục tiêu sản xuất chú trọng từ sản lượng sang chất lượng, giá trị gia tăng cao và bền vững; nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng và đẩy mạnh xuất khẩu. Nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho dân cư nông thôn, đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa - xã hội nông thôn. Quản lý tốt các nguồn tài nguyên thiên nhiên; nâng cao năng lực quản lý rủi ro, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; chủ động phòng, chống thiên tai, dịch bệnh./.
Bài và ảnh:
Ngọc Ánh