Trực Hùng phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo hướng đa nghề

09:08, 10/08/2015

Đến nay, sản xuất CN-TTCN, dịch vụ của xã Trực Hùng (Trực Ninh) chiếm tỷ trọng trên 70% trong cơ cấu kinh tế toàn xã. Các nhóm nghề truyền thống như sản xuất VLXD, kéo sợi PE, đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy, đánh bắt thủy sản… các nghề mới như: may công nghiệp, chế biến thủy sản, cơ khí… đều phát triển ổn định. Đạt được kết quả trên, ngoài sự quan tâm lãnh đạo, tạo điều kiện của Đảng ủy, UBND xã, là sự nỗ lực vượt khó vươn lên của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Đóng mới các phương tiện vận tải thủy tại cơ sở của ông Trần Văn Vĩnh, xóm 19, xã Trực Hùng.
Đóng mới các phương tiện vận tải thủy tại cơ sở của ông Trần Văn Vĩnh, xóm 19, xã Trực Hùng.

Với chủ trương phát triển sản xuất CN-TTCN thành ngành kinh tế “mũi nhọn”, xã đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở mở rộng sản xuất, kinh doanh. Cuối năm 2011, sau khi hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa xã đã tập trung quỹ đất công thành 3 vùng ở các xứ đồng Nguyên Biện Đông, Tây Biên, Tam Đoạn… để quy hoạch xây dựng các công trình phúc lợi, các CCN, điểm công nghiệp tập trung. Trong đó quy hoạch xây dựng CCN tập trung với tổng diện tích trên 8ha, quy hoạch điểm công nghiệp với tổng diện tích gần 3ha (tại xóm 23). Đến nay, CCN và điểm công nghiệp đã cơ bản được lấp đầy, thu hút trên 11 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tham gia. Trong đó các doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh nhiều ngành nghề như: Cty TNHH Cường Tân sản xuất lúa giống, hạt giống lúa lai F1; Cty Minh Khai sửa chữa phương tiện vận tải thủy; Cty Minh Thông kinh doanh bãi VLXD, 1 cơ sở sản xuất gạch không nung… Các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất trong CCN, điểm công nghiệp tập trung đã tạo việc làm cho gần 300 lao động địa phương và hàng trăm lao động thời vụ với mức thu nhập bình quân đạt 2,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, với lợi thế trên địa bàn có hơn 8km chạy dọc sông Ninh Cơ, xã tập trung phát triển các nghề sản xuất VLXD, sửa chữa, đóng mới tàu thủy và khai thác kinh tế biển. Ông Đoàn Văn Bằng ở xóm 5 đã đầu tư công nghệ mới để sản xuất VLXD. Mỗi năm cơ sở sản xuất khoảng 20 triệu viên gạch, tạo việc làm cho 20-25 lao động với thu nhập 3-5 triệu đồng/người/tháng. Cơ sở sản xuất VLXD của ông Đặng Văn Sinh, ở xóm 7 hằng năm sản xuất 30 triệu viên gạch nung theo công nghệ lò vòng nung liên tục, tạo việc làm, thu nhập cho 35-40 lao động. Các cơ sở sản xuất gạch trên địa bàn mỗi năm sản xuất khoảng 150 triệu viên, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Toàn xã có 4 cơ sở sản xuất sợi PE, trong đó cơ sở sản xuất của các anh Trần Văn Hài, Lưu Văn Viễn đều tạo việc làm cho 20-25 lao động trực tiếp. Cơ sở sản xuất của anh Trần Văn Hài (xóm 18) có tổng diện tích nhà xưởng trên 3.000m2, chuyên sản xuất sợi PE với sản phẩm chính là các loại dây thừng, dây đai xuất đi các tỉnh miền Bắc, miền Trung. Mỗi tháng, cơ sở sản xuất của anh tiêu thụ trên 30 tấn nhựa nguyên liệu để sản xuất ra 28,5 tấn sản phẩm, tạo việc làm cho 25 lao động với bình quân thu nhập 2,5 triệu đồng/người/tháng. Nghề đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy cũng từng bước phục hồi, phát triển trở lại với các cơ sở sản xuất của các ông: Trần Văn Vĩnh, Trần Văn Chung, Nguyễn Văn Hướng... tạo việc làm cho khoảng 100 lao động địa phương, thu nhập 200-250 nghìn đồng/ngày. Toàn xã có trên 40 phương tiện thủy với công suất máy từ 40-120CV, chuyên đánh bắt thủy sản tại các ngư trường lớn. Trong đó có 3 phương tiện công suất 120CV được trang bị các thiết bị hiện đại như: máy định vị vệ tinh, máy phát hiện luồng cá… Ngoài ra, xã có gần 10 xưởng mộc, trong đó có 2 xưởng lớn của các ông: Đặng Văn Trương (xóm 6); Trần Văn Huy (xóm 3) thường xuyên tạo việc làm cho 5-6 lao động. Cùng với duy trì hoạt động của các nghề truyền thống, gần đây xã tập trung phát triển nghề may công nghiệp. Trên địa bàn xã có 4 cơ sở may hoạt động từ năm 2011, tạo việc làm, thu nhập cho trên 100 lao động.

Ngành nghề phát triển, đời sống của người dân Trực Hùng đã được cải thiện, nâng cao; các công trình phúc lợi, phục vụ sản xuất được đầu tư cải tạo, xây dựng đồng bộ. Toàn xã hiện có khoảng 2.000 lao động tham gia sản xuất CN-TTCN, ngành nghề, đã góp phần nâng mức bình quân thu nhập đầu người toàn xã năm 2015 ước đạt trên 30,7 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo được giảm xuống còn 2,79%./.

Bài và ảnh: Thành Trung



quạt trần cổ điển Phương pháp chạy deadline hiệu quảCách test tính cách mbti đơn giản

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com