Phát triển thương mại dịch vụ ở Thị trấn Gôi

07:08, 27/08/2015
Những năm qua, kinh tế thương mại, dịch vụ trên địa bàn Thị trấn Gôi (Vụ Bản) đã có bước phát triển cả về quy mô, hình thức, thị trường và thu hút sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Tốc độ tăng trưởng của các ngành dịch vụ, thương mại bình quân đạt 10%/năm, góp phần đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. 
Gian hàng cung ứng thiết bị nội thất tại Thị trấn Gôi.
Gian hàng cung ứng thiết bị nội thất tại Thị trấn Gôi.
Đồng chí Trần Đức Thái, Chủ tịch UBND Thị trấn Gôi cho biết: Thị trấn có lợi thế để phát triển thương mại dịch vụ. Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, Đảng ủy, UBND thị trấn đã có định hướng đúng trong phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ, khai thác tối đa lợi thế vị trí địa lý. Trong đó, thị trấn đặc biệt chú trọng quy hoạch lại vùng sản xuất, dành quỹ đất phát triển CN-TTCN, thương mại dịch vụ và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển thương mại dịch vụ. Trên địa bàn thị trấn đã hình thành rõ 3 phân khu chức năng gồm khu vực các cơ quan hành chính trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND thị trấn, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, bưu điện văn hóa; khu vực phát triển CN-TTCN, thương mại dịch vụ gồm chợ trung tâm, các tuyến phố thương mại, đất CCN và khu vực sản xuất nông nghiệp. Toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp đều được quy hoạch thành 3 vùng chính là vùng cấy lúa hàng hóa, vùng đảm bảo an ninh lương thực và vùng trồng cây vụ đông. Khu vực trung tâm thị trấn được phân khu thành các tuyến phố thương mại tập trung như: Non Côi, Đông Côi Sơn, Tây Côi Sơn, Lương Thế Vinh, Tây Sơn…  với đầy đủ các loại hình dịch vụ thiết yếu, phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân như dịch vụ vận tải, dịch vụ cung ứng hàng tiêu dùng, vật tư nông nghiệp và nguyên, vật liệu sản xuất. Trong 5 năm 2010-2015, tổng vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội của thị trấn đạt trên 19 tỷ 477 triệu đồng. Bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, UBND thị trấn chú trọng công tác bổ trợ tư pháp, phổ biến quy định của pháp luật liên quan đến sản xuất, kinh doanh, giúp các hộ dân trên địa bàn nâng cao kiến thức, kỹ năng tiếp cận thị trường, định hướng kinh doanh, phát triển sản xuất. Ngoài các hộ có điều kiện phát triển kinh doanh dịch vụ, thị trấn khuyến khích người dân phát triển ngành nghề truyền thống như chế biến nông sản, mộc mỹ nghệ và học nghề mới để tạo thêm việc làm lúc nông nhàn và đa dạng hoá sản phẩm địa phương. Đến nay, ngoài công việc nhà nông, người dân thị trấn có thể làm thêm thu mua nông sản, chế biến lương thực, thực phẩm, mộc mỹ nghệ, may công nghiệp… Trừ các trường hợp quá tuổi lao động hoặc hạn chế về sức khỏe, hầu như nhà nào cũng làm thêm nghề phụ. Trong đó nghề mộc mỹ nghệ phát triển mạnh, thu hút trên 500 lao động và tạo nguồn thu nhập chính cho người dân địa phương sau sản xuất nông nghiệp. Trong sản xuất nông nghiệp, thị trấn đã tích cực hướng dẫn người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh để đạt năng suất cao. Các dịch vụ bao tiêu sản phẩm và chế biến nông sản để nâng cao giá trị thu nhập từ sản xuất nông nghiệp cũng phát triển mạnh. Đến nay, bình quân mỗi năm, người dân thị trấn cung ứng ra thị trường hàng nghìn tấn lúa, gạo, rau màu, đậu đỗ các loại. Riêng 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng nông sản cung ứng ra thị trường là 1.488 tấn, cao hơn so với cùng kỳ năm trước 115 tấn và trên 40 tấn thịt hơi các loại. Thu nhập bình quân trên 1ha đất canh tác của thị trấn đạt trên 100 triệu đồng. Thương mại dịch vụ phát triển không chỉ góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương mà còn tạo sức hút đầu tư và phát triển các dịch vụ thương mại khác như ngân hàng, tín dụng, bưu chính, viễn thông, bảo hiểm xã hội... Đến nay, cơ cấu lao động của thị trấn chuyển dịch rất tích cực, tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm xuống còn 38% so với trên 70% trước khi xây dựng NTM. Trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt trên 40%. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 27 triệu đồng/năm.
 
Để từng bước phát triển thành trung tâm thương mại, dịch vụ - đô thị của huyện, thời gian tới, thị trấn tiếp tục triển khai các biện pháp thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ thương mại, dịch vụ; khuyến khích các hộ kinh doanh có vốn lớn thành lập doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Xây dựng mô hình du lịch sinh thái gắn với danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử địa phương. Phát triển hệ thống bán buôn và bán lẻ, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia thị trường, dịch vụ đô thị. Thị trấn phấn đấu giá trị dịch vụ thương mại tăng bình quân 15%/năm./.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com