Những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Nghĩa Phú (Nghĩa Hưng) đã chỉ đạo nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân.
|
Mỗi tháng, gia đình anh Vũ Văn Huynh, xóm 3, xã Nghĩa Phú thu lãi 12-15 triệu đồng từ mô hình nuôi gà thịt. |
Đồng chí Vũ Ngọc Huy, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Để khuyến khích, đẩy mạnh phát triển trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản hàng hóa tập trung, xã Nghĩa Phú đã tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho nông dân vay vốn của Ngân hàng NN và PTNT, Ngân hàng CSXH; quy hoạch gọn diện tích đất công tạo mặt bằng cho các hộ đấu thầu, mở rộng diện tích sản xuất. Đồng thời, xã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện tổ chức các lớp đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản, giới thiệu giống cây, con mới năng suất, chất lượng cao cho nông dân. Trong lĩnh vực trồng trọt, xã xây dựng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” gắn với chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng và thời vụ, nâng cao hiệu quả kinh tế. Mô hình lúa được thực hiện bằng phương pháp gieo sạ giảm chi phí ngày công lao động, đẩy nhanh thời vụ, tăng năng suất, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh và điều kiện thời tiết bất thuận gây ra, tạo quỹ đất để mở rộng diện tích sản xuất cây vụ đông trên đất 2 lúa, tập trung vào những loại cây có giá trị kinh tế cao như: cà chua, bí xanh, rau màu các loại… Ban Nông nghiệp xã luôn chủ động chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt từ khâu dự tính, dự báo đến việc tập huấn, hướng dẫn sử dụng thuốc, phòng trừ sâu bệnh, diệt chuột đúng thời điểm, đúng kỹ thuật, do vậy năng suất lúa bình quân của xã những năm gần đây luôn đạt 123,5 tạ/ha/năm, tổng sản lượng thóc đạt gần 7.400 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt trên 800kg/năm. Ngoài thâm canh 2 vụ lúa, phong trào trồng cây màu vụ đông tiếp tục được duy trì và phát triển rộng ở tất cả các xóm, tạo việc làm và đem lại nguồn thu đáng kể cho nông dân. Diện tích sản xuất cây vụ đông trên đất 2 lúa đạt hơn 70ha đã góp phần đưa giá trị sản xuất trên diện tích đất canh tác của xã lên 144,64 triệu đồng/ha/năm. Từ những kết quả thu được và kinh nghiệm qua từng năm sản xuất, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng 1 vụ lúa, 2 vụ màu chuyên canh cây cà chua cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi vụ. Cùng với phát triển trồng trọt, hiện ở Nghĩa Phú hình thành hàng chục trang trại, gia trại cho hiệu quả kinh tế cao. Hầu hết các trang trại, gia trại đều bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Tổng đàn lợn của xã luôn giữ ổn định 5.700 con theo hướng tăng dần đàn lợn nái. Hiện đàn lợn nái của xã lên tới 650 con nhằm tự sản xuất con giống giảm các chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất. Trang trại lợn nái của anh Trần Văn Toản, xóm 5 được đầu tư xây dựng hệ thống chuồng sạch sẽ, có quạt mát, đèn điện, lợn uống nước sạch từ vòi uống tự động, nền chuồng bảo đảm thoáng mát. Lợn mới đẻ có đèn sưởi, hệ thống cửa ra vào, cửa sổ kín gió. Từ khu chuồng trại của anh, lợn giống chất lượng cao được cung cấp cho bà con nông dân trong và ngoài xã. Mỗi tháng, trang trại xuất ra khoảng 70-80 con, doanh thu hằng năm đạt 400-500 triệu đồng. Anh Toản cho biết: Chọn giống được xem là yếu tố tiên quyết dẫn đến việc mô hình chăn nuôi lợn nái thành công. Trang trại của anh chọn giống lợn Lan-đờ-rát (Landrace) để kinh doanh vì giống lợn này được coi là tốt nhất trên thế giới hiện nay, được nuôi phổ biến ở nhiều nơi và được tỉnh chọn là một trong những giống tốt để thực hiện Đề án tái cơ cấu chăn nuôi. Lợn Lan-đờ-rát có khả năng sinh sản cao, mắn đẻ và đẻ nhiều, mỗi lứa 1 con nái mẹ đẻ 12-15 con. Khả năng sinh trưởng của lợn rất tốt; có nhiều ưu điểm: sinh sản tốt, tăng trọng nhanh, tiêu tốn thức ăn thấp, tỷ lệ nạc cao và chất lượng thịt tốt. Chăn nuôi gia cầm của xã cũng phát triển tốt. Mặc dù những năm qua dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp nhưng đàn gia cầm của xã luôn đảm bảo an toàn dịch bệnh; hiện được phát triển lên tới gần 45 nghìn con. Nhiều hộ chăn nuôi gia cầm thu lãi trên dưới 100 triệu đồng/năm. Tiêu biểu là trang trại nuôi gà thịt của anh Vũ Văn Huynh, xóm 3, nuôi mỗi lứa 1.000-1.200 con. Để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gà, anh Huynh luôn thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng bên trong và ngoài chuồng trại theo định kỳ. Ngoài ra, gà còn thường được bổ sung đủ dưỡng chất như: vitamin C, glueco… để tăng cường sức đề kháng, khả năng sinh trưởng. Sau 45 ngày, gia đình anh xuất bán 1 lứa khoảng trên 3 tấn gà thịt, cho thu lãi từ 12-15 triệu đồng. Bên cạnh phát triển đàn lợn, đàn gia cầm, nhiều hộ nông dân đầu tư nuôi thỏ cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như hộ các ông: Vũ Huy Hoàng, Hà Văn Thỏa, Phan Văn Hậu… nuôi từ 15-20 con thỏ sinh sản và 100-150 con thỏ thịt, mỗi tháng thu nhập từ 4-5 triệu đồng. Do có nguồn thức ăn xanh như bãi cỏ, phụ phẩm nông nghiệp cùng với điều kiện vùng đất bãi rộng lớn, thuận lợi cho chăn thả nên một số hộ nông dân phát triển đàn trâu, bò, dê. Tổng đàn trâu, bò, dê toàn xã đạt 200 con. Ưu điểm chăn nuôi trâu, bò, dê là hiện nay giá bán ngày càng tăng, trong khi các đối tượng con nuôi này lại dễ nuôi, đầu tư cơ sở chuồng trại không lớn và tận dụng được lao động nhàn rỗi. Với lợi thế ven sông Đáy, có nguồn nước sạch, thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản, xã cũng khuyến khích các hộ nuôi thả cá chuyển từ nuôi quảng canh sang nuôi công nghiệp, bán công nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao. Nghề nuôi tôm thẻ chân trắng cũng được hình thành, có trên chục hộ nuôi với quy mô trung bình từ 2-3 sào/hộ, cho thu nhập từ 20-30 triệu đồng/năm. Nhờ phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của Nghĩa Phú đã giảm, bình quân thu nhập đầu người đạt 37 triệu đồng/năm.
Để khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng, lợi thế đất đai của địa phương, Đảng ủy, UBND xã Nghĩa Phú khuyến khích các hộ nông dân tiếp tục phát triển kinh tế trang trại, gia trại tập trung, khép kín theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp; phát triển đa dạng các đối tượng cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao./.
Bài và ảnh:
Ngọc Ánh