Nghề dệt lưới cước ở Thị trấn Thịnh Long

09:08, 07/08/2015
Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) từ lâu đã nổi tiếng với nghề dệt lưới và kéo sợi PE. Trên địa bàn thị trấn, ngoài làng nghề dệt lưới cước Minh Châu đã được UBND tỉnh công nhận đủ các tiêu chí làng nghề theo quy định của Bộ NN và PTNT năm 2012, còn có 8 doanh nghiệp chuyên sản xuất sợi PE. Theo số liệu của UBND thị trấn, nghề dệt lưới cước và kéo sợi PE đã tạo việc làm cho từ 800-1.000 lao động địa phương, tổng doanh thu hai năm gần đây ước đạt từ 100 tỷ đồng trở lên. 
 
Những năm 1960 trên địa bàn thị trấn chỉ có khoảng 30 khung dệt thủ công chuyên dệt các loại lưới đánh tôm, cá ngoài biển. Ngày ấy, vì sản xuất theo công nghệ lạc hậu, khung dệt hoàn toàn thủ công nên năng suất chỉ được từ 30-40m lưới/người/ngày và khổ lưới rộng tối đa cũng chỉ được 50cm. Khoảng 30 năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của nhiều loại vật liệu mới, có độ bền cao, giá thành thấp nên một số hộ nhanh nhạy đã chuyển sang dệt lưới bằng nguyên liệu chính là sợi PE được nhập từ các nước Nhật Bản, Trung Quốc và sau này là các tỉnh phía Nam. Nguyên liệu chính thay đổi nên phương thức sản xuất cũng được đổi mới; khung dệt thủ công trước đây được cải tiến một phần, khổ lưới đã được mở rộng thêm 20cm so với trước. Năm 1990, khi có điện, hàng loạt khung dệt cải tiến được lắp động cơ để thay thế hoàn toàn các công đoạn thủ công trước đây. Nhờ đó, năng suất lao động đã được thay đổi đáng kể với từ 200-250m/người/ngày; khổ lưới cũng được mở rộng từ 70cm lên tối đa 1,2m. Thị trấn ngày ấy đã có trên dưới 100 khung dệt động cơ và đều thuộc biên chế của HTX Tiểu thủ công nghiệp Minh Hùng. Thời điểm này, nghề dệt lưới cước tuy đã có bước phát triển mới nhưng vẫn chỉ đảm nhiệm được phần gia công sản phẩm, còn nguyên liệu chính là sợi và thị trường vẫn còn phải phụ thuộc vào trung gian. Bước "đột phá" đưa nghề dệt lưới cước của Thị trấn Thịnh Long phát triển là năm 1993, khi hộ ông Đoàn Mạnh Dân, tổ dân phố số 9 nhập máy kéo sợi từ hạt PE trị giá trên 30 triệu đồng về sản xuất sợi PE cung ứng cho các hộ gia công trong thị trấn. Máy kéo sợi được nhập từ các tỉnh phía Nam có công suất tối đa (chạy liên tục trong 24 tiếng) được 2,5 đến 3 tạ sợi nguyên liệu kích thước từ 17-30mm. Từ thành công của hộ ông Dân, năm sau, Thị trấn Thịnh Long có thêm hộ ông Toán, ông Tâm, ông Duy tiếp tục đầu tư máy kéo sợi PE để sản xuất. Từ đây, nghề dệt lưới cước ở Thị trấn Thịnh Long chính thức hoàn thiện các khâu sản xuất từ nguyên liệu đến sản phẩm. Chủng loại sản phẩm cũng đa dạng với các loại lưới đánh cá khổ rộng từ 50cm đến 1,8m; dây chão, dây buộc loại từ 3-30mm. Năng suất lao động được nâng lên đáng kể với sự hỗ trợ đắc lực của máy móc, công nghệ: Dàn máy kéo sợi đồng bộ gồm 3 phần: máy kéo sợi, máy mắc sợi và máy se cước mỗi ca 8 tiếng đã sản xuất được từ 3,5-4 tạ sản phẩm. Sản phẩm lưới, dây chão trước đây chỉ dùng trong đánh bắt thủy, hải sản nay còn được dùng để quây vùng nuôi ngao, làm rào chắn trong chăn nuôi gia cầm theo quy mô trang trại, gia trại. Từ chỗ sản phẩm lưới chỉ tự cung, tự cấp cho nhu cầu trong phạm vi nhỏ trong xã, trong huyện thì hiện đã được các đầu mối cung ứng cho thị trường trong tỉnh và nhiều tỉnh bạn như: Hải Phòng, Nghệ An, Thái Bình, Thanh Hóa...       
 
Sản xuất sợi PE ở doanh nghiệp tư nhân Đỗ Văn Toán, Thị trấn Thịnh Long.
Sản xuất sợi PE ở doanh nghiệp tư nhân Đỗ Văn Toán, Thị trấn Thịnh Long.
Để nghề dệt lưới cước phát triển bền vững, Thị trấn Thịnh Long đã xây dựng đề án thành lập làng nghề dệt lưới cước Minh Châu. Làng nghề đã được UBND huyện ra Quyết định công nhận đạt các tiêu chí theo Thông tư số 116/TT-BNN ngày 18-12-2006 của Bộ NN và PTNT. Làng nghề Minh Châu có tổng diện tích gần 260 nghìn m 2, sản phẩm chủ yếu là các loại lưới cước dệt từ sợi PE phục vụ khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản. Làng nghề có 187 hộ và trên 800 lao động tham gia, trong đó có gần 400 lao động trực tiếp, với mức thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng. Làng nghề được thành lập là cơ sở để các hộ dân có điều kiện đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ nhau trong các khâu cung ứng nguyên liệu, phát triển thị trường. Anh Nguyễn Minh Tân, chủ cơ sở dệt lưới cước ở khu 11, làng nghề Minh Châu cho biết: Cơ sở của anh có tổng diện tích gần 400m 2 với 30 máy móc các loại, trong đó có 24 khung dệt, mỗi khung trị giá gần 20 triệu đồng. Hằng tháng, cơ sở tiêu thụ khoảng 10 tấn sợi nguyên liệu, tạo việc làm cho 20 lao động với mức thu nhập bình quân từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. Với lao động có tay nghề, trình độ chuyên môn cao có thể đạt mức thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng. Ngoài nghề dệt lưới cước, trên địa bàn thị trấn còn có 8 doanh nghiệp chuyên sản xuất sợi PE, là nguồn nguyên liệu chính cung ứng cho làng nghề dệt lưới Minh Châu, thu hút gần 300 lao động tham gia với mức thu nhập bình quân 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. Một số doanh nghiệp lớn như: Hoa Tâm, Minh Hà, Đỗ Văn Toán… đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng nhà xưởng khang trang, đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại mỗi năm sản xuất được trên 100 tấn sợi cước, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 30-50 lao động. Đồng chí Lê Mạnh Đương, Chủ tịch UBND Thị trấn Thịnh Long cho biết: Từ hạt nhân là làng nghề Minh Châu, nghề dệt lưới cước đã phát triển rộng khắp ra các tổ dân phố. Thị trấn hiện có trên 500 khung dệt cước, 9 cơ sở kéo sợi PE vừa cung ứng nguyên liệu vừa bao tiêu sản phẩm cho các hộ gia công. Nhiều cơ sở đã phát triển thành doanh nghiệp tư nhân. Mỗi doanh nghiệp ngoài 2 dàn máy kéo sợi còn có từ 50-80 hộ thường xuyên nhận nguyên liệu gia công sản phẩm tại nhà. Năm 2015, ước tính tổng doanh thu của nghề dệt lưới cước ở thị trấn đạt trên 100 tỷ đồng, thu hút khoảng 1.000 lao động trực tiếp.
 
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nghề dệt lưới cước ở Thị trấn Thịnh Long vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; hầu hết các doanh nghiệp kéo sợi PE vẫn còn tận dụng diện tích nhà, vườn làm xưởng sản xuất trong khu dân cư; nguồn nguyên liệu đầu vào là hạt nhựa PE vẫn phải nhập khẩu... Để nghề dệt lưới cước ở Thị trấn Thịnh Long phát triển bền vững, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động, đóng góp vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cần có sự quan tâm, chung tay góp sức của các ngành, các cấp./.
 
Bài và ảnh: Thành Trung


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com