Nam Trực quy hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

09:08, 04/08/2015

Nhằm tạo bước đột phá tăng trưởng kinh tế, huyện Nam Trực đã chủ động phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh Nam Định và các ngành chức năng tiến hành lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đồng chí Trần Công Vinh, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh cho biết: “Qua khảo sát, đánh giá thực tế của địa phương, Viện đã chủ động tư vấn giúp huyện lựa chọn lĩnh vực CN-TTCN để phát triển, tạo đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phân công lao động ở nông thôn. Phương án lấy CN-TTCN làm “mũi nhọn” phát triển kinh tế sẽ phát huy lợi thế ngành nghề sẵn có đã được duy trì, phát triển từ lâu đời, đồng thời sẽ tạo điều kiện phát triển huyện thành trục động lực phát triển kết nối giữa Thành phố Nam Định và KCN Dệt may Rạng Đông, Khu kinh tế Ninh Cơ trong tương lai”. Theo đó, không gian kinh tế phát triển huyện Nam Trực sẽ bám dọc theo hai tuyến giao thông chính là Quốc lộ 21 và tỉnh lộ 490C, kết nối Thành phố Nam Định với vùng kinh tế biển của tỉnh và KCN Dệt may Rạng Đông. Mạng lưới thương mại, dịch vụ quy hoạch phát triển theo Quốc lộ 21 và các tỉnh lộ 490C, 487, 488 và 485B. Quy hoạch xây dựng và phát triển trục đô thị gồm có Thị trấn Nam Giang - Đồng Sơn. Phát triển hệ thống các khu trung tâm xã tại: Tân Giang (Nam Thanh), Cổ Ra (Nam Hùng), Cổ Giả (Nam Tiến) là đô thị vệ tinh cho Thị trấn Nam Giang và các vùng lân cận. Phát triển khu đô thị Nghĩa An theo quy hoạch phân khu hai bên đường Lê Đức Thọ đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Tuyến tỉnh lộ 490C sẽ là tuyến giao thông kết nối phát triển kinh tế giữa Nam Trực và vùng kinh tế biển phía Nam tỉnh.
Tuyến tỉnh lộ 490C sẽ là tuyến giao thông kết nối phát triển kinh tế giữa Nam Trực và vùng kinh tế biển phía Nam tỉnh.

Giai đoạn 2015-2020, huyện sẽ tiếp tục phát triển các CCN đã được quy hoạch tại Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Nam Định giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 672/QĐ-UBND ngày 17-5-2012. Tiếp tục thu hút các dự án đầu tư, mở rộng quy mô các CCN hiện có, gồm: CCN Vân Chàng lên 9,7ha, CCN Đồng Côi lên 28ha. Xây dựng mới 2 CCN là CCN Đồng Sơn (14,5ha), CCN Nam Thanh (15ha). Xây dựng CCN sản xuất cơ khí tại Bình Yên (Nam Thanh), Ánh Vàng (Đồng Sơn). Quy hoạch đến năm 2025-2030 sẽ xây dựng CCN Tân Thịnh 15ha. Đối với 17 làng nghề thủ công truyền thống hiện có, huyện dự kiến quy hoạch xây dựng bổ sung thêm 3 điểm công nghiệp mới, gồm: Điểm công nghiệp dịch vụ cầu Vòi tại địa bàn giáp ranh xã Hồng Quang - Điền Xá quy mô 15-20ha; điểm công nghiệp xã Nam Thắng tại vị trí giáp đê sông Hồng và giáp xã Điền Xá, quy mô 15ha, sản xuất vật liệu xây dựng, tiến tới kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy ươm tơ phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm của xã; điểm công nghiệp xã Nam Tiến tại vị trí giáp xã Nam Lợi và Nam Hải, quy mô 3ha, ngành phát triển đúc đồng, dệt may. Phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện có 20 làng nghề đạt tiêu chí của Bộ NN và PTNT.

Riêng lĩnh vực công nghiệp, huyện chủ trương chỉ đạo phát triển ngành cơ khí và gia công kim loại trở thành ngành công nghiệp trọng điểm với các sản phẩm mũi nhọn như: Sản xuất mặt hàng tiêu dùng, mặt hàng phục vụ nông nghiệp, phụ tùng xe đạp, xe máy, cán rút thép các loại, phụ tùng máy dệt, thiết bị phụ tùng điện lực, đường sắt, đóng mới tàu thuyền... Đây sẽ là tiền đề huyện phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ cho phát triển dệt may ở KCN Dệt may Rạng Đông và đóng tàu ở Khu kinh tế Ninh Cơ. Cụ thể, huyện sẽ tập trung đầu tư khôi phục và mở rộng các xưởng đóng tàu, hoạt động sửa chữa và hoạt động tàu thuyền, sửa chữa tàu thuyền tại các xí nghiệp và Cty CP Cơ khí Nam Ninh, Cty CP Đóng tàu Quyết Thắng. Đầu tư phát triển sản xuất gia công chế tạo phụ tùng máy dệt ở HTX Cơ khí Đồng Sơn, Cty TNHH Sông Ngọc; sản xuất phụ tùng máy nông nghiệp, máy đột dập trong sản xuất cơ khí ở các doanh nghiệp, các Cty TNHH: Việt Phương, Việt Thắng, Nam Định...; sản xuất thiết bị phục vụ ngành điện, giao thông cầu đường bộ ở Cty TNHH Hương Phẩm, các Cty CP Cơ khí: Bình Dương, Vinh Thực, Thành Lộc, Cty CP Cơ khí cầu đường Hà Ninh... Đầu tư và mở rộng sản xuất nhóm hàng phụ tùng xe máy, xe đạp, xe máy ở các Cty TNHH Việt Thanh, Hương Phẩm và các hộ sản xuất cơ khí ở các thôn Đồng Côi, Vân Chàng. Đầu tư và mở rộng sản xuất nhóm hàng nguyên vật liệu cho sản xuất công nghiệp xây dựng cơ bản gồm: cán rút thép, nhôm tấm, bản lề cửa, dụng cụ phục vụ sinh hoạt, đời sống ở các Cty TNHH Thành Lộc, Chiến Thắng, Vinh Thực, Cty TNHH Kim khí Anh Tú và các hộ sản xuất cơ khí. Đầu tư mở rộng phát triển nghề đúc đồng tại Đồng Quỹ (Nam Tiến). Ngành dệt may phát triển theo hướng đa dạng hoá sản phẩm, đổi mới công nghệ để đến năm 2020 toàn ngành đạt trình độ sản xuất ở mức trung bình tiên tiến trong khu vực. Các sản phẩm chủ yếu của ngành dệt may tập trung vào dệt khăn xuất khẩu, công nghệ nhuộm, xử lý hoàn tất, in vải kỹ thuật số, sản phẩm quần áo phục vụ đời sống dân sinh, quần áo thể thao xuất khẩu, may đồ giày da. Huyện chủ trương tập trung củng cố và nâng cấp nhà máy tẩy nhuộm Cty CP Dệt may Liên Tỉnh, tiếp tục củng cố và đầu tư mở rộng nghề dệt ở các HTX, Cty dệt ở các xã Nam Hồng, Nam Thanh, Tân Thịnh, Nam Thắng và thôn Báo Đáp (Hồng Quang). Huyện định hướng đến năm 2020 tiếp tục đầu tư mở rộng các tuyến tỉnh lộ 488, 487, 485B đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng toàn tuyến. Quy hoạch mở rộng nâng cấp các tuyến huyện lộ như đường Trắng, đường Nam Ninh Hải, đường An Thắng, Quốc lộ 21 cũ, đường Bình Sơn, đường Tiến Thái, đường Hoa Lợi Hải, đường An Quang, đường Thành Khê, đường Mỹ Điền đạt tiêu chuẩn đường cấp V đồng bằng vào năm 2020. Các tuyến đường trục xã, thôn xóm đảm bảo theo tiêu chí xây dựng NTM. Hệ thống giao thông vận tải đường sông kết nối ra cửa sông Ninh Cơ cũng được huyện quan tâm quy hoạch. Mục tiêu đến năm 2030 quy hoạch nâng cấp, cải tạo các bến bốc xếp hàng hoá với công suất (100-200 nghìn tấn/năm) gồm các bến: Nam Thắng, Tân Thành, Nam Hồng, Nam Thanh, Nghĩa An, Kinh Lũng. Các khu trung tâm thương mại dịch vụ được quy hoạch xây dựng bám theo trục đường 490C và dọc tuyến đường Vàng với định hướng tăng nhanh số lượng và nâng cao chất lượng các mặt hàng xuất khẩu; chú trọng khai thác các mặt hàng dệt may, cơ khí, mặt hàng nông sản thực phẩm, thuỷ sản đã qua chế biến, các sản phẩm có hàm lượng cao về công nghệ.

Nhằm cụ thể hóa mục tiêu, tạo tiền đề hướng đến phát triển CN-TTCN tạo trục kết nối giữa Thành phố Nam Định và KCN Dệt may Rạng Đông, Khu kinh tế Ninh Cơ, thời gian tới, huyện tập trung vào các dự án ưu tiên nghiên cứu đầu tư như: Cải tạo, nâng cấp đường Dương Minh; đường Hoa - Lợi - Hải; đường Trắng; đường An - Thắng; đường Vàng; mở rộng các CCN Đồng Côi, Vân Chàng; xây dựng mới các CCN Đồng Sơn, Tân Thịnh, Nam Thanh, hoàn thành dự án xây dựng khu đô thị tại Thị trấn Nam Giang. Ngoài ra, huyện tranh thủ nguồn vốn, chính sách hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh quy hoạch đầu tư xây dựng vùng nông sản hàng hoá ứng dụng công nghệ cao, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, các cơ sở, điểm công nghiệp hỗ trợ cho ngành da giày, dệt may./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com