"Lệ làng" trong sản xuất, kinh doanh đồ thờ

09:08, 28/08/2015

Tỉnh ta có nhiều làng nghề, phố nghề sản xuất, kinh doanh đồ thờ nổi tiếng trên toàn quốc với những sản phẩm độc đáo như sơn mài Cát Đằng, Yên Tiến, gỗ mỹ nghệ Yên Ninh (Ý Yên); đồ thờ tự bằng đồng mỹ nghệ tại làng Vạn Điểm, Thị trấn Lâm (Ý Yên), Đồng Quỹ, xã Nam Tiến (Nam Trực) và đúc chuông Kiên Lao, xã Xuân Tiến (Xuân Trường)… Ngoài những yêu cầu khắt khe về kỹ nghệ, người thợ trực tiếp sản xuất và kinh doanh đồ thờ tự còn phải tuân theo những nguyên tắc riêng trong quá trình làm nghề đảm bảo cho sản phẩm đến tay người tiêu dùng vừa bền đẹp, vừa hội tụ các yếu tố tâm linh và phong thủy.

Làm đồ thờ tại thôn Ninh Xá, xã Yên Ninh (Ý Yên).
Làm đồ thờ tại thôn Ninh Xá, xã Yên Ninh (Ý Yên).

Làng nghề Tống Xá, xã Yên Xá và làng nghề Vạn Điểm, Thị Trấn Lâm (Ý Yên) từng nổi tiếng với những tượng đồng lớn như cụm tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ cao 12,6m, nặng trên 200 tấn; tượng Phật Tổ Như Lai, nặng 30 tấn, tọa lạc trên đỉnh núi Sóc Sơn (Hà Nội); tượng Tam Thế đặt tại khu du lịch Tràng An (Ninh Bình); tượng Quốc mẫu Âu Cơ và các vị Lạc tướng, Lạc hầu tại Khu di tích Đền Hùng (Phú Thọ); tượng Vua Lý Thái Tổ hay tượng 14 Hoàng đế nhà Trần hiện đặt tại đền Trùng Hoa thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần (TP Nam Định)…, những người thợ đúc đồng ở đây hiểu rất rõ câu "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" khi theo nghiệp này. Theo các nghệ nhân làng nghề thì việc chế tác đồ thờ và tượng thờ phải am hiểu các nguyên tắc tín ngưỡng, tôn giáo liên quan, để khi tạc bức tượng có hồn, thể hiện được sắc thái riêng của người được tôn xưng, thờ phụng. Nhất là khi hình dáng những nhân vật ấy chủ yếu trong tâm thức của con người. Vì thế, ngoài đôi bàn tay tài hoa, người thợ làm đồ thờ tự cũng phải gửi gắm tâm đức, tâm hồn và tâm linh của mình trong khi chế tác. Để tạo ra những bức tượng Phật, tượng Thánh, ông Hạc, ông Ngựa hay cuốn thư, hoành phi câu đối có trang trí long, ly, quy, phượng… người thợ làng nghề phải hiểu cội nguồn sâu xa của từng sản phẩm, phẩm chất tâm hồn của vị Phật, vị Thánh được dân tôn thờ. Tiếp đến công đoạn đúc khuôn tạo hình, rót đồng vào khuôn… là những thời khắc quan trọng nhất quyết định chất lượng sản phẩm. Đã trở thành phong tục, vào thời khắc quan trọng ấy, người thợ đúc đồng nào cũng phải thành kính thắp nhang xin linh nghiệm trước tổ tiên và cụ tổ nghề, để cầu mong cho sản phẩm làm ra đạt về hình thức, chất lượng, mang màu sắc tốt, có hồn. Ngay cả việc xưng hô, dù mới là những sản phẩm thô, chưa có bất cứ thủ tục tâm linh nào nhưng họ vẫn phải gọi những sản phẩm đó là “ông tượng”, “ngài tượng”; sản phẩm khi được khách hàng đưa đi đều được coi là “rước” và phủ một tấm vải đỏ kín thân. Trong trường hợp có nhiều tượng khác nhau phải được sắp xếp, đặt theo ngôi thứ rất rõ ràng. Cùng với sản phẩm tượng đồng, làng nghề sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến (Ý Yên) cũng nổi tiếng với các sản phẩm đồ thờ tự được làm từ chất liệu gỗ, được sơn son thếp vàng như ban thờ, hoành phi, câu đối, ngai, ỷ, rồng, hạc… Để làm một tác phẩm sơn mài, cần có hai nguyên liệu chính là gỗ hoặc nứa để dựng vóc (cốt của tác phẩm) cùng các loại sơn then, sơn cánh gián, dầu trầu, dầu trám, nhựa thông... làm chất kết dính và các loại son, màu, lá vàng, bạc, vỏ trai ốc (xà cừ), vỏ trứng, cật tre... để vẽ, phủ trang trí. Riêng công đoạn làm sơn, dù ngày nay công nghệ và các loại sơn công nghiệp rất phong phú, tiện dụng song người thợ làng nghề vẫn chỉ dùng nguyên liệu sơn ta do chính người trong làng chế ra. Việc làm sơn vô cùng vất vả, từ lấy nhựa đổ vào sảo tre (loại rổ to, mắt thưa), đậy kín bằng nút giấy, để càng lâu càng tốt, nhựa sẽ lắng xuống thành nhiều lớp cho ra nhiều loại sơn. Lớp trên cùng màu sẫm còn gọi là sơn mặt, là loại sơn tốt nhất dùng pha trộn với những loại sơn khác, lớp sơn phía dưới dùng để sơn lần cuối khi dựng vóc hay khi vẽ tranh. Tiếp tục đổ sơn vào sảo tre, dùng chày gỗ nguấy đều trong ba ngày, mỗi ngày khoảng 10 giờ, sơn sẽ có màu nâu cánh gián; nếu đổ sơn vào chậu sành và dùng chày sắt nguấy sẽ cho màu đen, còn khi pha thêm nhựa thông, tất cả các màu sơn sẽ bóng đẹp hơn. Các nhà nghề còn có bí quyết pha màu vẽ sao cho khi hoàn thành đưa vào sử dụng tác phẩm vẫn giữ nguyên được màu sắc trước mọi tác động của thời tiết, màng sơn bóng đẹp, cứng rắn, chịu mài mòn và co giãn tốt, sản phẩm không bị thấm nước, mốc, mối mọt, có thể tồn tại hàng trăm năm. Một yếu tố đặc biệt quan trọng là các tác phẩm thờ tự thường sử dụng chữ Nôm, Hán - Nôm, đòi hỏi vừa phải đẹp về nét, vừa đúng về nghĩa. Thể hiện sai nét chữ của tác phẩm linh thiêng là điều cấm kị… Đây là điều kiện bắt buộc cần lưu tâm nhất trong việc trang trí đồ thờ phụng.

Không chỉ người chế tác sản xuất phải tuân thủ các nguyên tắc mà cả những người kinh doanh cũng phải cẩn trọng. Người bán hàng nhất thiết phải có kiến thức cơ bản, hiểu ý nghĩa của từng món đồ thờ, cách kết hợp, bài trí từng món đồ với nhau… để tư vấn cho khách hàng, không được lừa dối, buôn bán hàng giả hay cố tình nói sai về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, giá thành sản phẩm để trục lợi, cũng như không được văng tục khiếm nhã khi bán hàng, giao tiếp với khách…

Cùng với việc đảm bảo chất lượng kỹ, mỹ thuật sản phẩm, việc tuân thủ các “luật bất thành văn” trong quá trình sản xuất và kinh doanh sản phẩm đồ thờ tự đó đã giúp tạo nên sức nặng thương hiệu cho nhóm sản phẩm nghề truyền thống này của tỉnh ta. Hiện tại sản phẩm đồ thờ tự của các làng nghề đúc đồng, mộc mỹ nghệ trong tỉnh ước tính chiếm tới 50% thị phần toàn quốc. Đặc biệt dù các làng nghề truyền thống ngày nay cũng chịu nhiều tác động tiêu cực của cơ chế thị trường song với nghề chế tác kinh doanh đồ thờ tự, lớp thợ trẻ vẫn giữ được những cốt cách sâu xa của nghề nên các làng nghề vẫn ngày càng phát triển, dù các bậc cao niên tiền bối về nghề đang dần khuất bóng./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com