Khởi sắc các hợp tác xã dệt may

08:08, 26/08/2015
Cùng với sự phát triển của ngành dệt may trong tỉnh, hiện toàn tỉnh có gần 20 HTX dệt may. Hoạt động hiệu quả của các HTX dệt may đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển nông thôn, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng trăm lao động.
HTX CP Dệt may Hoàng Mai, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) tạo việc làm cho 45 lao động với mức thu nhập từ 2,7 đến 4 triệu đồng/người/tháng.
HTX CP Dệt may Hoàng Mai, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) tạo việc làm cho 45 lao động với mức thu nhập từ 2,7 đến 4 triệu đồng/người/tháng.
Đến những HTX dệt may trên địa bàn tỉnh trong những ngày này, ở đâu cũng bắt gặp không khí làm việc khẩn trương để kịp giao hàng cho những hợp đồng xuất khẩu đã được ký kết. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đa số các HTX dệt may đến thời điểm này đều có đơn đặt hàng đến hết năm 2015 mà còn gối thêm sang cả quý I-2016. Theo đồng chí Trần Văn Phiệt, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, những năm gần đây, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu cộng thêm sự cạnh tranh trên thị trường… đã buộc nhiều doanh nghiệp dệt may, trong đó có các HTX dệt may phải cơ cấu tìm hướng đi cho riêng mình. Về thị trường xuất khẩu, các HTX dệt may đã đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp dệt may ở trong và ngoài tỉnh. Do đó, tình hình xuất khẩu ngành dệt may có nhiều dấu hiệu khả quan về thị trường cũng như nhiều đơn hàng hơn so với năm trước. Đến thăm HTX CP Dệt may Hoàng Anh, Thị trấn Yên Định (Hải Hậu), anh Đặng Văn Cương, Giám đốc HTX cho biết, năm 2014, đơn hàng ký kết giảm do thị trường xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp liên kết bị khủng hoảng cộng với lãi suất ngân hàng dù đã giảm nhưng vẫn đứng ở mức cao… nên hoạt động sản xuất có thời điểm gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đầu năm 2015, HTX đã ký kết được nhiều đơn hàng, bảo đảm việc làm ổn định đến hết năm. Hiện HTX Dệt may Hoàng Anh có số vốn điều lệ trên 1,7 tỷ đồng do 17 cổ đông đóng góp. Để có thêm nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, HTX đã vay ngân hàng 500 triệu đồng để đầu tư máy móc, xây dựng nhà xưởng. Đến nay, HTX đã mở rộng mặt bằng sản xuất lên 650m 2. Bên cạnh đó, HTX có các chính sách để người lao động gắn bó lâu dài như thưởng chuyên cần, thưởng vượt chỉ tiêu cho những người làm đủ và vượt định mức lương tháng. Nhờ đó, từ một cơ sở may mặc nhỏ, đến nay HTX Hoàng Anh đã có 100 máy may, tạo việc làm thường xuyên cho 50 lao động với mức thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm của HTX được xuất khẩu uỷ thác qua các doanh nghiệp tại Hà Nội sang thị trường EU và Ăng-gô-la. 6 tháng đầu năm 2015, doanh thu của HTX ước đạt hơn 1 tỷ đồng, dự kiến hết năm 2015, HTX đạt doanh thu 4 tỷ đồng. Ngoài ra, HTX còn phối hợp với các trung tâm dạy nghề của tỉnh, huyện tổ chức các lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho nhiều lao động ở các xã lân cận. Cùng niềm vui về triển vọng của ngành dệt may trong năm nay, anh Nguyễn Văn Đông, Giám đốc HTX CP Dệt may Hoàng Mai, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) cho biết, ngay từ đầu năm, Ban lãnh đạo HTX đã lên kế hoạch sản xuất, kinh doanh cụ thể cho từng tháng, từng quý và cả năm 2015. Trong đó, ngoài việc mở rộng thị trường tiêu thụ, liên kết sản xuất, HTX còn tăng cường sản xuất và quảng bá sản phẩm tại thị trường nội địa. Bên cạnh đó, với việc đảm bảo chế độ chính sách cho người lao động, đến nay, HTX đã và đang tạo việc làm thường xuyên cho 80 lao động với mức thu nhập từ 2,7 đến 4 triệu đồng/người/tháng. HTX đã đầu tư mở rộng xưởng sản xuất với quy mô 250m2, nâng diện tích nhà xưởng sản xuất lên gần 500m2. Năm 2014, doanh thu của HTX đạt 2,5 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2015, doanh thu của HTX đạt trên 1,5 tỷ đồng. Dự kiến hết năm 2015, HTX phấn đấu tăng 20% doanh thu so với năm 2014.
 
Đến thời điểm này, đơn vị đã ký được nhiều đơn hàng có giá trị lớn, đảm bảo việc làm ổn định cho người lao động. Vượt qua những khó khăn về tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, các HTX dệt may trong tỉnh đã tích cực tìm kiếm các đối tác để mở rộng sản xuất. Sự hợp tác, liên kết giữa các HTX, doanh nghiệp dệt may với các làng nghề đã góp phần khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống, giúp các địa phương đẩy mạnh phát triển ngành nghề CN-TTCN, chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân góp phần xây dựng NTM. 
 
Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước, thế giới có nhiều biến động ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp thì những kết quả sản xuất, kinh doanh của các HTX Dệt may là những tín hiệu vui trong bức tranh kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, về lâu dài, các HTX dệt may cần có kế hoạch phát triển hợp lý, bền vững, tránh hiện tượng cạnh tranh lao động không lành mạnh. Phát triển dệt may đi đôi với việc bảo vệ môi trường và bảo đảm quyền lợi cho người lao động, tiếp tục cải tiến kỹ thuật, đầu tư chiều sâu, hỗ trợ các HTX đổi mới trang thiết bị công nghệ tiên tiến, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như đa dạng hóa các sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu của các khách hàng, từ đó khẳng định thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, cần có sự ràng buộc giữa các HTX, cơ sở sản xuất với doanh nghiệp nhận bao tiêu sản phẩm tránh xảy ra tình trạng các cơ sở sản xuất chuyển sang làm cho các doanh nghiệp khác nếu có lợi nhuận cao hơn, ảnh hưởng tới việc ổn định nguồn hàng của HTX và các doanh nghiệp đầu mối. Bên cạnh đó cần có sự tạo điều kiện hơn nữa của chính quyền địa phương cũng như sự hợp tác của các hộ làm nghề góp phần tạo bước phát triển ổn định, bền vững cho các HTX dệt may trong tỉnh./.
 
Bài và ảnh: Thanh Tuấn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com