Kho bạc Nhà nước Nam Định triển khai thực hiện Nghị định 192 của Chính phủ

08:08, 25/08/2015
Ngày 21-11-2013 Chính phủ ban hành Nghị định số 192/2013/NĐ-CP quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Dự trữ Quốc gia; Kho bạc Nhà nước (KBNN). Ngày 24-4-2014, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 54/2014/TT-BTC quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KBNN theo quy định tại Nghị định số 192/2013/NĐ-CP. Theo Nghị định 192/2013/NĐ-CP và Thông tư 54/BTC/TT-BTC thì đối tượng bị xử phạt gồm các đơn vị dự toán, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước (NSNN), cơ quan, tổ chức được NSNN hỗ trợ kinh phí; các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thuộc nguồn vốn NSNN và nguồn trái phiếu Chính phủ. Người có quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực KBNN là công chức KBNN được giao nhiệm vụ kiểm soát thanh toán các khoản chi NSNN và công chức KBNN được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành khi thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KBNN phải lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt hoặc chuyển cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KBNN gồm Tổng Giám đốc KBNN, Giám đốc KBNN tỉnh, thành phố và đoàn thanh tra chuyên ngành KBNN. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KBNN là một năm.
 
Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KBNN là nhiệm vụ mới có tác động trực tiếp tới trách nhiệm công chức KBNN được giao nhiệm vụ kiểm soát thanh toán khi tiếp nhận hồ sơ chứng từ của các đơn vị sử dụng NSNN để làm thủ tục tạm ứng, thanh toán các khoản chi thường xuyên và chi đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) tại KBNN. Công chức KBNN được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thanh tra tại đơn vị sử dụng NSNN về việc chấp hành các quy định của pháp luật của các khoản chi NSNN bao gồm chi thường xuyên và chi đầu tư XDCB thực hiện kiểm soát chi qua hệ thống KBNN và các quỹ do KBNN quản lý; Thẩm quyền ra quyết định thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan, đơn vị sử dụng NSNN, chủ đầu tư, ban quản lý dự án là Tổng Giám đốc KBNN và Giám đốc KBNN tỉnh, thành phố.
 
Công chức KBNN được giao nhiệm vụ kiểm soát thanh toán và công chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành khi phát hiện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực KBNN đều phải lập biên bản vi phạm, trình cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt, nếu không làm đúng chức trách quy định sẽ bị xử phạt theo Luật Cán bộ công chức. 
 
Các hành vi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KBNN gồm: vi phạm quy định về khoản chi phải có trong dự toán NSNN được cấp có thẩm quyền giao; chi NSNN sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định; lập hồ sơ, chứng từ giả mạo để chi NSNN; vi phạm chế độ thanh toán các khoản chi NSNN; vi phạm thủ tục kiểm soát cam kết chi; vi phạm thời hạn thanh toán tạm ứng NSNN; vi phạm quy định về mua sắm tài sản Nhà nước; vi phạm quy định về thuê tài sản.
Căn cứ vào biên bản vi phạm, Giám đốc KBNN tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KBNN với hình thức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với đơn vị vi phạm từ 500 nghìn đồng đến 35 triệu đồng. Công chức thanh tra chuyên ngành ra quyết định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 1 triệu đồng. Tùy vào mức độ vi phạm trong từng hành vi đã nêu ở trên, tổ chức vi phạm còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả. Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KBNN không được sử dụng NSNN để nộp phạt. KBNN không thực hiện việc trích tài khoản dự toán, tài khoản tiền gửi có nguồn gốc từ NSNN để thu phạt của tổ chức vi phạm hành chính. Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm xác định nguồn nộp phạt vi phạm hành chính; đồng thời tự xác định từng cá nhân có lỗi gây ra vi phạm hành chính để xác định trách nhiệm pháp lý bao gồm cả việc nộp khoản tiền phạt và khắc phục hậu quả do hành vi của mình gây ra tương ứng với mức độ vi phạm của cá nhân đó. Toàn bộ tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính bao gồm tiền phạt và tiền chậm nộp trong lĩnh vực KBNN được nộp đầy đủ, kịp thời vào NSNN và điều tiết 100% cho ngân sách địa phương.
 
Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KBNN là nhiệm vụ mới của hệ thống KBNN, liên quan trực tiếp tới quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của các đơn vị sử dụng NSNN. Để  hoàn thành tốt nhiệm vụ, thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện, KBNN Nam Định đã chủ động tuyên truyền qua các kênh thông tin tới các đơn vị sử dụng NSNN từ quý IV-2014 và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thực hiện nhiệm vụ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KBNN. Ngày 4-8-2015, KBNN Nam Định đã có Văn bản số 436/BC-KBNĐ báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nam Định về việc triển khai thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KBNN trên địa bàn tỉnh Nam Định. Đến nay, KBNN Nam Định đã hoàn thành các công việc từ chuẩn bị lực lượng, trang bị kiến thức pháp luật cho công chức, tập huấn quy trình nghiệp vụ, triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành… để sẵn sàng từ tháng 9-2015 triển khai việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KBNN và triển khai thanh tra chuyên ngành từ năm 2016. Đây là niềm vinh dự, thể hiện sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với hệ thống KBNN, đưa hoạt động của KBNN lên một tầm cao mới, nhưng cũng là nhiệm vụ hết sức nặng nề mà từng công chức được giao nhiệm vụ cụ thể trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính và thanh tra chuyên ngành phải nỗ lực phấn đấu học tập, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm và bản lĩnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.
 
Vũ Văn Yên
Giám đốc KBNN Nam Định


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com