Xã Tân Khánh (Vụ Bản) là xã thuần nông, hệ thống giao thông đi lại khó khăn, nằm xa trung tâm tỉnh, huyện, thu nhập của những người nông dân nơi đây chủ yếu trông vào cây lúa. Với những nỗ lực, cố gắng cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, đặc biệt là tổ chức HND, nông dân xã Tân Khánh đã hăng hái thi đua lao động, sản xuất góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, HND xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác; trong đó đưa biện pháp gieo sạ hàng trên diện tích 530ha, chiếm 85,7% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, trong vụ xuân năm 2015, năng suất lúa bình quân toàn xã 61,6 tạ/ha (bình quân 221,6kg/sào) cao hơn năng suất bình quân toàn huyện 1,1 tạ/ha. Bên cạnh đó, HND xã đã đứng ra tín chấp và nhận ủy thác từ Ngân hàng NN và PTNT với tổng dư nợ trên 16,162 tỷ đồng, Ngân hàng CSXH với dư nợ trên 8,438 tỷ đồng đã tạo điều kiện cho trên 800 lượt hộ nông dân vay vốn. Từ nguồn vốn của Hội, nhiều hộ đã đầu tư mở rộng sản xuất, hình thành các mô hình chăn nuôi, nuôi thủy sản đạt hiệu quả. Trong đó, đã có 18 hộ chuyển đổi 129ha thùng đào thùng đấu ven sông Sắt sang nuôi thuỷ sản theo mô hình lúa - cá hoặc chăn nuôi tổng hợp cho thu nhập bình quân mỗi hộ 40-50 triệu đồng/năm. Nhiều điển hình trong việc xây dựng trang trại quy mô lớn như anh: Ngô Văn Xay, thôn Việt An; Trần Viết Tuấn, thôn Hạ Xá… là những chủ trang trại có thu nhập ổn định. Ngoài những trang trại tổng hợp, một số hộ đã áp dụng những mô hình nuôi dế, nuôi nhím sinh sản… cho thu nhập cao. Đến nay, toàn xã đã có 36 trang trại và gia trại với tổng diện tích 46,6ha; trong đó có 19 trang trại được UBND huyện cấp giấy chứng nhận. Tổng doanh thu của các trang trại đạt trên 19 tỷ đồng/năm; trừ chi phí, bình quân mỗi trang trại cho thu nhập 120-200 triệu đồng/năm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 3-5 lao động/trang trại. Cùng với việc hình thành các trang trại, gia trại, trên địa bàn xã còn hình thành một tổ hợp vận tải chuyên thu mua cá con, ốc biển, ngao, sò… ở các huyện ven biển Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thuỷ, cung ứng cho các chủ đầm làm thức ăn nuôi cá trắm đen.
|
Hội viên nông dân xã Tân Khánh tham gia lớp học nghề do Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức. |
Cùng với đó, HND xã đã tích cực phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện để dạy nghề, truyền nghề cho hội viên nông dân. Từ kinh phí hỗ trợ của chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, toàn xã đã mở 2 lớp dạy nghề nuôi thuỷ sản cho 50 lao động và 1 lớp dạy nghề thêu ren cho 60 lao động nữ, 1 lớp may công nghiệp cho trên 30 lao động, phối hợp với Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức dạy nghề may công nghiệp cho hội viên nông dân. Sau thời gian học nghề, nhiều hộ đã đầu tư mở cơ sở may, nhận may gia công cho các Cty trên địa bàn huyện, tỉnh… hoặc đi làm ở các Cty may nhằm tăng nguồn thu nhập cho gia đình. Điển hình như gia đình anh Nguyễn Văn Long đã đầu tư cơ sở may Long Vi với trên 30 máy may công nghiệp, tạo việc làm cho 45 lao động với mức thu nhập bình quân từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài việc học nghề, các học viên được hỗ trợ một phần kinh phí mua máy bơm nước, con giống thuỷ sản, khung thêu… phát triển nghề. Đến nay, nghề thêu ren được duy trì và tạo việc làm lúc nông nhàn cho 400 lao động nữ trong xã, với mức thu nhập 500 nghìn đồng/người/tháng. Ngoài ra, trên địa bàn xã, hoạt động chế biến gỗ, sản xuất gạch không nung, kinh doanh vật liệu xây dựng, gò hàn, vật tư nông nghiệp và các hàng dân dụng phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân trong xã.
Để tiếp tục hỗ trợ nông dân trong việc duy trì và phát triển ngành nghề, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, thời gian tới, HND xã tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên nông dân áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho hội viên, mở rộng đối tượng đào tạo nghề là lao động nông thôn chưa có việc làm ổn định, là hộ sản xuất, kinh doanh chưa được dạy nghề. Không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn học lý thuyết với thực hành dạy nghề theo cách cầm tay chỉ việc cụ thể... từ đó giúp họ nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề, sản xuất, kinh doanh ngày càng có hiệu quả./.
Bài và ảnh:
Vũ Hoàng