Hoàng Nam mở rộng phát triển ngành nghề

08:08, 10/08/2015
Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ngoài sản xuất nông nghiệp, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Hoàng Nam (Nghĩa Hưng) đã tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện để phát triển ngành nghề. 6 tháng đầu năm 2015, tổng doanh thu từ phát triển ngành nghề, sản xuất CN-TTCN của xã đạt trên 85,8 tỷ đồng. 
Đan lưới vó gai tại hộ ông Nguyễn Xuân Tinh, xóm Thái Bình, thôn Hưng Thịnh, xã Hoàng Nam.
Đan lưới vó gai tại hộ ông Nguyễn Xuân Tinh, xóm Thái Bình, thôn Hưng Thịnh, xã Hoàng Nam.
Hiện tại, cả 3 nghề truyền thống của xã là đan vó gai, khâu nón, sản xuất vật liệu xây dựng đều phát triển. Nghề làm nón lá của xã xuất phát từ thôn Hà Dương, do một số người con ở xã Nghĩa Châu có nghề làm nón đưa về làm trong thời gian nông nhàn để kiếm thêm thu nhập. Đến nay nghề khâu nón lá đã được nhân rộng và phát triển ở cả 7 thôn trong xã, thu hút khoảng trên 1.000 lao động tham gia. Trên địa bàn xã đã có khoảng chục hộ, trong đó có hộ các ông: Nguyễn Văn Hà, thôn Hưng Thịnh; Nguyễn Văn Thông, thôn Phù Sa Thượng... đứng ra làm đại lý cung ứng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm cho khoảng 40-50 hộ gia công. Ông Hà cho biết: Để có đủ nguyên liệu cho trên 40 hộ thường xuyên nhận gia công, mỗi ngày, cơ sở của ông cung ứng khoảng 50 nắm lá nón (mỗi nắm làm được tối đa 2,5 chiếc nón). Ngoài nguyên liệu chính là lá, các nguyên liệu khác như: mo cau, nan (làm vành nón), cước, chỉ khâu vành, kim khâu... bà con mua ở chợ Đào Khê xã Nghĩa Châu. Nghề làm nón lá cho thu nhập khoảng 80-100 nghìn đồng/người/ngày. Nón lá thành phẩm được thương lái về tận nơi thu mua và phân phối cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh miền Bắc. Với vị trí địa lý giáp sông Đáy, xã Hoàng Nam có vùng bãi rộng trên 50ha trước đây chuyên trồng đay, là vùng nguyên liệu chính cung ứng cho các hộ làm nghề đan vó ở thôn Hưng Thịnh. Đay thu hoạch về, ngâm trong ao, hồ một thời gian rồi mới tước vỏ, phơi khô, se thành sợi để đan lưới vó, dệt chiếu. Vó có 2 loại là vó thưa và vó dầy, có nhiều cỡ, gồm: vó 5, vó 7 hoặc vó bè. Ông Nguyễn Xuân Tinh, xóm Thái Bình, thôn Hưng Thịnh, gần 50 năm gắn bó với nghề cho biết: Vó 5 có kích thước khoảng 1,5m-1,5m; vó 7 có kích thước khoảng 1,8m dùng để đánh bắt tôm, cá trong ao, thùng nhỏ; còn vó bè là loại to nhất, khoảng 4m, thường mắc ở những khúc sông rộng, nước chảy mạnh. Ngày nay, với sự phát triển mạnh của các loại vật liệu mới, nguyên liệu chính để đan vó ngoài sợi đay còn có các loại sợi, cước PE. Thôn Hưng Thịnh hiện có khoảng 200 hộ, mỗi hộ thường xuyên có từ 1-2 lao động vẫn duy trì nghề đan lưới vó ở cả 4 xóm là: Thái Bình, Tây An, Nam Cường, Nam Thịnh. Nghề đan lưới vó thu nhập thấp hơn nghề khâu nón, chỉ đạt khoảng 50-70 nghìn đồng/người/ngày. Nghề sản xuất vật liệu xây dựng vẫn được duy trì và phát triển với 1 cơ sở sản xuất gạch nung theo công nghệ lò nung liên tục cải tiến bảo vệ môi trường của ông Nguyễn Văn Hoàng, thôn Phù Sa Hạ. Cơ sở sản xuất của ông Hoàng có công suất tối đa trên 30 vạn gạch/mẻ, hiện có gần 50 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân từ 3,5 triệu đồng/người/tháng. Cùng với các nghề truyền thống, để phát triển đa dạng ngành nghề nông thôn, xã đã tạo điều kiện phát triển một số nghề mới như: mộc dân dụng, may công nghiệp, cơ khí. Trên địa bàn xã hiện có 3 cơ sở may công nghiệp của các ông: Đoàn Văn Tuấn, xóm Nghĩa Hùng, thôn Chương Nghĩa; Đỗ Văn Thư, xóm Trung Phú, thôn Phù Sa Hạ; Phạm Văn Tứ, xóm Thái Bình, thôn Hưng Thịnh. Mỗi cơ sở may công nghiệp thường xuyên thu hút từ 15-20 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 2,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có khoảng 10 cơ sở mộc gia dụng quy mô từ 3-5 lao động/cơ sở và một số điểm sản xuất cơ khí nhỏ. Theo thống kê sơ bộ, toàn xã hiện có khoảng 2.000 lao động thường xuyên tham gia sản xuất ngành nghề. 
 
Thời gian tới, xã Hoàng Nam tiếp tục tạo điều kiện về thủ tục hành chính, tín dụng để khuyến khích các hộ duy trì và mở rộng quy mô sản xuất các nghề truyền thống; tích cực nhân cấy, phát triển các nghề mới như: may công nghiệp, mộc, cơ khí... Xã phấn đấu trong giai đoạn 2015-2020, giá trị sản xuất CN-TTCN đạt mức tăng trưởng từ 15-20%/năm./.
 
Bài và ảnh: Thành Trung


Tìm hiểu overthinking là gì Khám phá mbti là gì

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com