Những năm qua, tỉnh ta đã tập trung củng cố, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp. Cùng với phát triển mạnh kinh tế hộ, tăng cường chức năng quản lý Nhà nước của chính quyền cấp xã trong nông nghiệp, nông thôn, củng cố và chuyển đổi hoạt động của HTX theo Luật, ở tỉnh ta đã hình thành và phát triển thêm một số mô hình thuê gom, tích tụ ruộng đất mở rộng quy mô sản xuất và liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp để tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản. Một số doanh nghiệp hoạt động ở các lĩnh vực khác đã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, bước đầu hình thành các HTX chuyên ngành theo Luật HTX năm 2012, góp phần khai thác hiệu quả hơn các tiềm năng đất đai, lao động, tạo thêm động lực mới cho phát triển sản xuất nông nghiệp.
Từ trang trại chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Toán, xã Xuân Thượng (Xuân Trường) phát triển thành Cty TNHH Phú Lộc. |
Cùng với tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa và xu thế thu hẹp quy mô đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh, một bộ phận lao động nông thôn dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp sang làm việc tại các đô thị, các khu, cụm, điểm công nghiệp và ngành nghề, ở khu vực nông thôn trong tỉnh đang hình thành một bộ phận nông dân có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp. Tại các huyện, thành phố đã có hàng trăm hộ tự liên hệ, thuê gom, tích tụ ruộng đất để tổ chức sản xuất với quy mô từ 2-20ha. Sau khi thuê gom, tích tụ ruộng đất, các hộ đã đầu tư máy móc và ứng dụng KHCN để tổ chức sản xuất có hiệu quả. Từ các trang trại ban đầu, một số hộ nông dân, chủ trang trại đã nỗ lực vượt khó, nâng cao trình độ KHCN, trình độ quản lý, tích lũy vốn để mở rộng quy mô, nâng cấp trang trại; trong đó có một số trang trại đã phát triển thành doanh nghiệp. Điển hình như ông Nguyễn Văn Toán ở Xuân Thượng (Xuân Trường) từ 1 trang trại chăn nuôi đã phát triển thành Cty TNHH Phú Lộc; ông Vũ Trọng Nghĩa ở Hải Lộc (Hải Hậu) từ 1 trang trại nuôi gia công cho tập đoàn CP của Thái Lan sau khi tích lũy vốn, kiến thức đã phát triển thêm 3 trang trại và nay đã thành lập Cty CP Đầu tư và Thương mại Biển Đông. Bên cạnh việc củng cố, chuyển đổi hoạt động HTX theo Luật, trên địa bàn tỉnh cũng đã xuất hiện những HTX chuyên ngành. Từ nhu cầu tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trên cơ sở nghiên cứu Luật HTX năm 2012 và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, đến nay ở tỉnh ta đã thành lập 4 HTX chuyên ngành gồm: HTX CCB Vạn Trường Xuân (Vụ Bản) chuyên phát triển chăn nuôi với 32 thành viên; HTX thủy sản Xuân Hòa (Xuân Trường) với 18 thành viên; HTX sản xuất dịch vụ sinh vật cảnh Điền Xá (Nam Trực) với 7 thành viên và HTX sản xuất nấm Giao Thiện (Giao Thiện) với 29 thành viên. Thành viên của 4 HTX này đều là các chủ trang trại có nhu cầu chung về sản xuất, kinh doanh trong cùng lĩnh vực đã tự nguyện thành lập HTX, xây dựng điều lệ, phương án sản xuất, kinh doanh và góp vốn theo quy định. Từ thực tiễn đó, Sở NN và PTNT đã phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức khảo sát, đánh giá mô hình tổ chức, phương thức hoạt động, phương án sản xuất, kinh doanh và hiệu quả thực sự của 4 HTX chuyên ngành mới thành lập. Năm 2015, Sở NN và PTNT phối hợp với các huyện: Hải Hậu, Vụ Bản, Mỹ Lộc, Nghĩa Hưng, Ý Yên thành lập thêm 8 HTX, gồm: HTX sản xuất, kinh doanh cá Diêu Hồng xã Hải Châu, HTX sản xuất, kinh doanh Dây thìa canh liên kết với Cty Nam Dược (Hải Hậu), HTX sản xuất, kinh doanh cá bống bớp (Nghĩa Hưng); HTX chăn nuôi Tân Khánh, HTX chăn nuôi Cộng Hòa, HTX chăn nuôi Hợp Hưng (Vụ Bản); HTX sản xuất, kinh doanh rau sạch liên kết với Cty Tuệ Hương (Ý Yên); HTX sản xuất, kinh doanh thủy sản Mỹ Hà (Mỹ Lộc), sản phẩm chủ lực là cá trắm đen. Từ 12 HTX chuyên ngành, dự kiến năm 2016 tỉnh sẽ tổ chức sơ kết, đánh giá, nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn có 94 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, gồm: 12 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, 63 doanh nghiệp chế biến nông, thủy sản, 12 doanh nghiệp kinh doanh vật tư nông nghiệp, 5 doanh nghiệp chăn nuôi và 2 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi. Phần lớn các doanh nghiệp tham gia cung ứng giống, vật tư đầu vào cho quá trình sản xuất của nông dân, một phần nhỏ thu mua và chế biến nông sản, có rất ít doanh nghiệp trực tiếp đầu tư sản xuất nông nghiệp. Mặc dù số doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp không nhiều nhưng đã xuất hiện một số cách làm sáng tạo trong việc liên kết với nhóm hộ hoặc HTX để tổ chức sản xuất. Tiêu biểu là Cty TNHH Cường Tân đã chủ động liên hệ, thỏa thuận với trên 2.000 hộ nông dân, thuê gom 300ha đất với thời hạn 5 năm để sản xuất. Từ 2.000 hộ, Cty sắp xếp lại thành 100 nhóm hộ, mỗi nhóm có 1 trưởng nhóm để điều hành và tổ chức sản xuất mỗi năm 600ha lúa giống và 70-100ha rau màu vụ đông. Ngoài ra, còn một số mô hình liên kết như: Cty CP Nam Dược liên kết với nông dân xã Hải Lộc (Hải Hậu) đầu tư cải tạo hạ tầng đồng ruộng, xây dựng lò sấy, tổ chức sản xuất dây thìa canh làm nguyên liệu chế biến dược liệu đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO GAP); Cty Đầu tư thương mại Tuệ Hương liên kết với nông dân xã Yên Dương (Ý Yên) sản xuất, tiêu thụ rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; Cty CP Chế biến nông sản xuất khẩu Nam Định liên kết với nông dân các huyện Trực Ninh, Hải Hậu tổ chức thu mua, tiêu thụ lợn sữa xuất khẩu; một số đại lý, doanh nghiệp cung ứng thức ăn chăn nuôi liên kết với các trang trại tổ chức sản xuất, tiêu thụ gà thịt… Các quy mô liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nhóm hộ và HTX đều đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân và doanh nghiệp song chưa thực sự hoàn thiện và bền vững. Bên cạnh những doanh nghiệp nông nghiệp, hiện nay đã có một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khác đã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Điển hình là Cty TNHH Cơ khí Đình Mộc, một doanh nghiệp cơ khí đã thỏa thuận với các hộ nông dân thuê lại 40ha đất nông nghiệp với thời gian 10 năm để áp dụng cơ giới hóa đồng bộ sản xuất lúa chất lượng cao; một số doanh nghiệp đóng tàu ở huyện Xuân Trường thuê lại đất bãi ven sông để xây dựng trang trại…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp trong tỉnh chủ yếu vẫn là quy mô hộ, các hình thức hợp tác đang trong giai đoạn chuyển mình, đổi mới cách thức tổ chức và hoạt động nên chưa có các mô hình hoàn thiện, bền vững. Trong các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chưa thực sự hội tụ đủ các điều kiện cần thiết như: năng lực thực sự của các thành phần khi tham gia, nhất là năng lực của nông dân và các tổ hợp tác và HTX; chưa thiết lập và vận hành nghiêm túc các cơ chế trong liên kết. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nhằm xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp với tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế dựa trên nguyên tắc phát triển mạnh kinh tế hộ theo hướng sản xuất tập trung chuyên môn hóa theo các mô hình trang trại, gia trại chuyên canh. Đẩy mạnh liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp thông qua HTX và nhóm hộ; tổ chức các chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản để thay thế cho mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp. Trong đó doanh nghiệp giữ vai trò đầu tàu, định hướng cho nông dân và HTX về quy mô, chất lượng, quy cách nông sản; HTX, tổ hợp tác là đầu mối đại diện của nông dân tham gia các liên kết với doanh nghiệp. Từng bước xây dựng và phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiệu quả, thích ứng với BĐKH và phát triển bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh