Biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng với các hiện tượng thời tiết bất thường, nước biển dâng, bão lũ, trái đất nóng lên..., gây nhiều tác động, ảnh hưởng tiêu cực. Trong đó, các công trình xây dựng là nhóm đối tượng phải trực tiếp chịu tác động của BĐKH; gây phá hủy các công trình xây dựng, kéo theo thiệt hại kinh tế, nguy hại đến tính mạng con người.
Thi công công trình đê kè chắn sóng cửa Lạch Giang. |
Từ nhiều năm nay, các ngành chức năng, các địa phương đã chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó BĐKH khi xây dựng các công trình, trong đó tập trung vào hai nhóm biện pháp: giảm thiểu và thích ứng. Nhằm mục đích quản lý rủi ro cục bộ, giảm thiểu tác hại của BĐKH, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung đầu tư xây dựng các khu dân cư đô thị tại các thị trấn trung tâm huyện theo kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm mật độ thiết kế, xây dựng các công trình hợp lý tránh làm tăng nguy cơ đảo nhiệt đô thị và gia tăng ngập lụt đô thị. Từ năm 2011, huyện Nghĩa Hưng được UBND tỉnh chọn làm điểm xây dựng khu dân cư đô thị tại Thị trấn Liễu Đề có hệ thống công trình hạ tầng kết cấu đồng bộ. Thị trấn Liễu Đề đã đầu tư xây dựng hạ tầng khu dân cư với tổng mức đầu tư 9 tỷ 337 triệu đồng, diện tích 1,2ha, đầy đủ các hạng mục đường giao thông, hệ thống thoát nước sinh hoạt khu dân cư bằng cống hộp; kết nối đồng bộ với hệ thống thoát nước chung của thị trấn, đảm bảo thoát nước tốt với lượng mưa trên 100mm, đảm bảo đầy đủ hệ thống điện sinh hoạt, điện chiếu sáng, cây xanh. Hiện nay, các thị trấn thuộc trung tâm các huyện trong tỉnh như Mỹ Lộc (Mỹ Lộc), Lâm (Ý Yên), Gôi (Vụ Bản), Cổ Lễ (Trực Ninh), Nam Giang (Nam Trực), Xuân Trường (Xuân Trường), Ngô Đồng (Giao Thủy), Yên Định (Hải Hậu)... cũng đã từng bước thực hiện quy hoạch xây dựng khu dân cư đô thị theo hướng khoa học với hạ tầng đồng bộ. Biện pháp giảm thiểu được tập trung áp dụng trong thi công mới các công trình đô thị như: nhà ở xanh (giảm sự biến đổi nhiệt độ bên trong công trình); cách nhiệt (sử dụng các loại sơn phát xạ thấp và lợp kính hiệu suất cao để giảm tỷ lệ truyền nhiệt qua kết cấu xây dựng; tấm che bề mặt công trình); chọn địa điểm chuẩn để trồng cây xanh, thảm thực vật trong công trình; hệ thống thông gió phù hợp; bố trí hệ thống thu gom và lọc nước cho các công trình làm giảm dòng chảy khi có mưa lũ lớn trong đô thị. Các ngành chức năng tập trung hướng dẫn, quản lý chặt chẽ trong xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ ở các khu dân cư theo Nghị định số 15/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 10/2013/TT-BXD ngày 25-7-2013 của Bộ Xây dựng. Theo đó, tất cả các khâu trong công tác xây dựng nhà ở riêng lẻ của người dân từ thiết kế, khảo sát, thi công xây dựng đến hoàn thành, nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng đều được cơ quan chuyên môn về xây dựng tăng cường quản lý. Ngành Xây dựng chỉ cấp phép cho các hộ dân được khởi công xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ ở các khu dân cư có quy mô lớn (diện tích sàn xây dựng lớn hơn 250m2, từ 3 tầng trở lên) sau khi đã phê duyệt thiết kế khả thi. Nhờ đó, các đơn vị tư vấn thiết kế do chủ nhà thuê phải đưa ra bản thiết kế tính toán kỹ lưỡng, triệt để; khắc phục tình trạng chỉ khảo sát địa chất theo dạng giả định, tận dụng kết quả khảo sát địa chất của một công trình trong khu vực để thiết kế móng, nền chịu lực của căn nhà gây nguy cơ sụt lún sau thi công. Bên cạnh đó, chủ nhà phải có trách nhiệm tổ chức giám sát hoặc ủy quyền cho người đại diện giám sát thi công xây dựng, kiểm tra chất lượng vật liệu, cấu kiện xây dựng, thiết bị... trước, trong khi thi công và chỉ được đưa công trình vào sử dụng sau khi ngành chức năng tổ chức nghiệm thu theo quy định nhằm giảm tối đa sự cố liên quan đến sụt lún, nghiêng đổ của các công trình nhà ở cao tầng. Về biện pháp thích ứng là chương trình ứng phó với tình trạng thường xuyên ngập lụt sau mưa lớn hoặc nước biển dâng tại các khu đô thị cũ tại Thành phố Nam Định và các huyện. Những năm gần đây, tỉnh đã yêu cầu các huyện, thành phố chủ động cải tạo, nâng cấp hệ thống cống thoát nước hiện có, đồng thời tập trung “cống hộp hóa” các kênh mương hở tại các phường, xã, vừa tạo thành đường giao thông cho người dân đi lại, vừa khắc phục ô nhiễm môi trường do mương hở. Đến nay, hệ thống thoát nước của Thành phố Nam Định được nâng cấp hoàn thiện, đồng bộ, khắc phục được tình trạng ngập úng mỗi khi trời mưa, cải thiện đáng kể điều kiện sống đô thị. Hệ thống kênh mương hở như mương Kênh Gia, mương Đinh Bộ Lĩnh, mương T3-11, tuyến mương Kênh Gia 2, mương Phúc Trọng... đã từng bước được xây dựng cống hộp. Nhờ đó, Thành phố Nam Định được Hiệp hội Đô thị Việt Nam đánh giá cao về hạ tầng cấp, thoát nước. Tại các đô thị mới thuộc thị trấn ở các huyện cũng đã quan tâm khắc phục tình trạng ngập lụt sau mưa lớn hoặc nước biển dâng. Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) đã quy hoạch xây dựng hệ thống thoát nước thải và nước mưa riêng. Trong đó, hệ thống thoát nước thải sau khi được xử lý sơ bộ tự hoại tại từng công trình sẽ được thu gom vào các tuyến cống thoát vào trạm xử lý nước thải được đặt tại vị trí phía bắc của sông 1-5 với tổng công suất đến năm 2020 là 6.000 m3/ngày đêm. Đối với các khu vực dân cư hiện trạng, tiến hành cải tạo, vệ sinh đường ống thoát nước, bố trí giếng tách nước mưa trước khi nước chảy vào hệ thống thoát nước thải đường phố. Ngoài Thị trấn Thịnh Long, các thị trấn trong tỉnh đều tranh thủ các dự án mở rộng đường giao thông tỉnh lộ, quốc lộ để thi công xây dựng đồng bộ hệ thống cống thoát nước mặt dọc 2 bên đường, đồng thời kè bờ kiên cố hóa các kênh mương quan trọng. Nhờ đó, hiện nay việc tiêu thoát nước mưa và nước thải ở các thị trấn mới đã cơ bản đảm bảo, không gây úng ngập.
Thời gian tới, trong xây dựng các công trình, ngành chức năng cần quan tâm thực hiện các chiến lược đầu tư xây dựng theo hướng linh hoạt để mang lại lợi ích ngay cả trong trường hợp chưa cần sử dụng chống chọi với sự biến đổi của khí hậu. Cụ thể như: tăng cường sự an toàn cho ngôi nhà bằng vật liệu lợp mái chống nóng, chống cháy, lắp pin năng lượng mặt trời để tiết kiệm năng lượng và tránh được rủi ro hỏa hoạn… Ngoài ra, khi đầu tư xây dựng các công trình cũng cần nghiên cứu về sự rủi ro tại khu vực mà mình thiết kế và vạch ra các phương án dự tính cho những mối nguy hiểm bao gồm: Nhiệt độ gia tăng, bão lụt, lốc xoáy, mưa lớn, mưa đá… Đặc biệt, do tỉnh ta có số lượng khá đông dân cư sống ở các vùng ven biển nên các ngành chức năng, các địa phương cần đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ khu vực đất liền và các tòa nhà khi có bão biển và mực nước biển dâng thông qua việc đẩy nhanh tiến độ các công trình kiên cố hóa đê biển; phát huy tối đa hiệu quả hỗ trợ của vùng bồi bãi để duy trì, bảo vệ quỹ đất hiện tại. Nghiên cứu, ứng dụng xây dựng cấu trúc cọc để nâng cao nền nhà và thiết kế vững chắc nền móng giúp các ngôi nhà ven biển có thể chịu được mọi sự cố lũ lụt./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý