Các doanh nghiệp xây dựng từng bước tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng

05:08, 08/08/2015
Thời gian qua, trước tình trạng cắt giảm đầu tư công, thị trường bất động sản chưa phục hồi mạnh, nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực xây dựng của các doanh nghiệp còn hạn hẹp, nguồn cung về vốn công trình Nhà nước giảm, lãi suất tín dụng từ các ngân hàng còn cao, các doanh nghiệp xây dựng đã gặp không ít khó khăn thách thức. Nhiều doanh nghiệp xây lắp đã gần hoàn thành các công trình nhưng việc tiếp cận vốn vay không dễ dàng do không có tài sản đảm bảo. Nhiều công trình đã thi công dở dang nhưng chưa được bố trí vốn khiến doanh nghiệp phải gánh lãi ngân hàng trong thời gian dài… Trước tình trạng đó, bài toán về vay vốn giữa ngân hàng và doanh nghiệp đã từng bước được tỉnh tháo gỡ thông qua các chủ trương, chính sách đồng hành cùng doanh nghiệp và hội nghị đối thoại doanh nghiệp trực tiếp từ phía các ngân hàng. 6 tháng đầu năm 2015, trong tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng cho vay phân theo ngành kinh tế, công nghiệp xây dựng chiếm tỷ trọng 40,3%. Trong đó, lĩnh vực nhà ở xã hội, bất động sản đã được các ngân hàng quan tâm đầu tư, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. 
Dự án Nam Định Tower do Cty TNHH Thuận Thắng là chủ đầu tư được vay vốn tài trợ của Ngân hàng HDBank.
Dự án Nam Định Tower do Cty TNHH Thuận Thắng là chủ đầu tư được vay vốn tài trợ của Ngân hàng HDBank.
Đồng chí Trần Văn Đồng, Kế toán trưởng Cty CP Đầu tư Vinatex cho biết: “Từ tháng 4-2015, Cty bắt đầu mở bán dãy nhà A thuộc khu nhà ở xã hội Bảo Minh. Hiện Cty đã ký kết hợp đồng bán 28 căn hộ và hợp đồng thuê 8 căn hộ cho các đối tượng người có thu nhập thấp và công nhân trong KCN”. Các khách hàng là công nhân khi mua nhà sẽ được các ngân hàng hỗ trợ vay vốn 70% giá trị căn nhà theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7-1-2013 về hỗ trợ vay vốn cho người mua nhà ở xã hội. Khu nhà ở xã hội Bảo Minh (Vụ Bản) bao gồm 3 tòa nhà A, B, C có 388 căn hộ khép kín với tổng vốn đầu tư gần 150 tỷ đồng. Đây là dự án nhà ở xã hội đầu tiên của tỉnh tiếp cận được với gói tín dụng ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng. Trong đó, dự án được Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Nam Định cho vay 60 tỷ đồng theo hình thức vốn đối ứng doanh nghiệp 40% và ngân hàng là 60%. Đại diện Cty cho biết, các điều kiện tiếp cận với gói tín dụng ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng không hề khó. Điều kiện tiên quyết là chủ đầu tư dự án phải có đủ vốn tối thiểu không vượt quá 30% tổng số tiền vay hay đáp ứng yêu cầu về tài sản đảm bảo. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư phải đáp ứng yêu cầu chứng minh được tính khả thi của dự án, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp phải đảm bảo triển khai dự án trên thực tế. Toàn bộ nguồn vốn vay ưu đãi từ phía ngân hàng sẽ được giải ngân kịp thời theo khối lượng công việc hoàn thành trên cơ sở nghiệm thu của Ngân hàng, chủ đầu tư và các nhà thầu thi công. Dự kiến sau khi hoàn thành bán và cho thuê Khu nhà ở xã hội Bảo Minh, Cty tiếp tục triển khai thêm 1 dự án nhà ở xã hội mới sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ gói tín dụng ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng với diện tích 12ha đáp ứng nhu cầu nhà ở cho 16 nghìn công nhân KCN Bảo Minh. Trong nhóm công trình nhà ở xã hội, trên địa bàn tỉnh đang triển khai dự án Nam Định Tower tại cửa ngõ trung tâm Thành phố Nam Định (vị trí giữa ngã tư đường Điện Biên với đường Giải Phóng). Đây là dự án trọng điểm của Thành phố Nam Định với tổng vốn đầu tư 721 tỷ đồng được khởi công từ tháng 9-2012. Dự án gồm 5 khối công trình, trong đó có 3 khối cao ốc (một tòa khách sạn cao 15 tầng, hai tòa căn hộ cao 20 và 25 tầng), một khối 5 tầng trung tâm thương mại và khối nhà liền kề. Hiện tại, Cty CP Xây dựng Vinaconex 2 đã hoàn thành xây dựng phần thô khối nhà 5 tầng, kết nối hai tòa cao 20 và 25 tầng. Các tòa 20 và 25 tầng dự kiến sẽ bàn giao vào quý II và quý IV năm 2016. Khi hoàn thành, dự án sẽ cung cấp gần 400 căn hộ. Ngân hàng HDBank đã cam kết ứng trước nguồn kinh phí để chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng và cung cấp vốn cho khách hàng mua căn hộ với lãi suất ưu đãi đặc biệt. Cụ thể HDBank sẽ cho vay đến 75% giá trị căn hộ thời hạn lên tới 20 năm với lãi suất vay chỉ từ 6,8%/năm. 
 
Qua 2 dự án trên, có thể thấy các doanh nghiệp xây dựng đã từng bước tiếp cận được với các nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng bằng nội lực và uy tín của mình. Theo đại diện của Cty CP Đầu tư Vinatex, để các ngân hàng đáp ứng nguồn vốn, các doanh nghiệp cần minh bạch hơn trong các hoạt động để tạo dựng độ tín nhiệm với ngân hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đảm bảo mức vốn tự có tham gia dự án theo quy định nhằm tạo thuận lợi cho các ngân hàng trong quá trình cho vay. Điều quan trọng là các dự án, công trình phải được chủ đầu tư chủ động triển khai trên thực tế, đồng thời phối kết hợp với ngân hàng trong các khâu giám sát, nghiệm thu công trình để tạo điều kiện giải ngân vốn nhanh, hiệu quả, thúc đẩy tiến độ công trình. Bên cạnh đó, về phía các ngân hàng cũng phải đồng hành cùng doanh nghiệp nới lỏng các điều kiện ràng buộc khi giải ngân vốn vay lãi suất ưu đãi, đặc biệt là yêu cầu về giảm vốn đối ứng của doanh nghiệp hoặc tài sản đảm bảo./.
 
Bài và ảnh: Đức Toàn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com